TIN LIÊN QUAN | |
HĐBA LHQ kêu gọi các bên giảm căng thẳng tại Yemen | |
LHQ kêu gọi giải pháp đối thoại toàn diện cho xung đột Yemen |
Tối 30/11, lực lượng Houthi tại Yemen phóng tên lửa đạn đạo nhằm vào thành phố miền Nam Khamis Mushait, Saudi Arabia. Trong khi chính quyền Riyadh cho biết, tên lửa đã bị đánh chặn mà không gây ra thiệt hại gì, phía Houthi lại nói vụ tấn công đã đánh trúng một mục tiêu quân sự trên lãnh thổ Saudi Arabia. Phía liên quân Arab ngay sau đó đã bác bỏ tuyên bố này.
Khẩu chiến Saudi Arabia - Iran
Đây là lần thứ hai trong tháng 11 phiến quân Houthi tại Yemen tiến hành tấn công tên lửa nhằm vào lãnh thổ Saudi Arabia. Quân đội Saudi Arabia cho biết đã từng nhiều lần bắn hạ tên lửa của Houthi trước khi chúng kịp tiếp cận khu vực trung tâm đông dân cư.
Vụ phóng tên lửa trên diễn ra chỉ vài giờ sau khi thủ lĩnh phiến quân Houthi Abdulmalik al-Huthi đe dọa có biện pháp đáp trả nếu liên quân Arab tiếp tục đóng các cửa khẩu, cảng biển và sân bay của Yemen sau vụ tên lửa đạn đạo được phóng đi từ Yemen nhằm vào thủ đô Riyadh hôm 4/11.
Cụ thể, Houthi đã tiến hành vụ bắn tên lửa tấn công sân bay quốc tế King Khalid tại Riyadh ngày 4/11, song bị đánh chặn bởi tên lửa Patriot. Các mảnh vỡ của tên lửa rơi xuống khu vực không có dân cư ở phía Đông sân bay King Khalid. Tuy nhiên, không có thương vong nào được ghi nhận và tình hình giao thông diễn ra bình thường. Phiến quân Houthi ở Yemen nhận trách nhiệm cho vụ tấn công này.
Tên lửa đạn đạo Burkan H-2 mà Houthi bắn sang lãnh thổ Saudi Arabia. (Nguồn: Al Arabiya) |
Saudi Arabia cho rằng các vụ bắn tên lửa sẽ không xảy ra nếu như Iran không hậu thuẫn cho lực lượng Houthi ở Yemen. Theo Riyadh, đây chính là “hành động gây hấn” trực tiếp từ phía Iran bởi tên lửa mà Houthi bắn là do nước này cung cấp.
Tuyên bố của hãng thông tấn Saudi Arabia nêu rõ: “Vai trò của Iran và sự chỉ huy trực tiếp của họ với Houthi trong vụ việc này là một hành động gây hấn rõ ràng nhằm vào các quốc gia láng giềng và đe dọa hòa bình, an ninh trong khu vực cũng như trên toàn cầu”. Saudi Arabia cũng tuyên bố, nước này “bảo lưu quyền đáp trả Iran theo cách thức và thời gian thích hợp”.
Tuy nhiên, Iran lại cho rằng những cáo buộc của Saudi Arabia là “sai sự thật và nguy hiểm”, có thể châm ngòi cho một cuộc chiến tranh mới. Tổng thống Iran Hassan Rouhani chỉ trích việc liên quân Arab do Saudi Arabia dẫn đầu can thiệp quân sự vào Yemen đã gây ra cuộc chiến tranh khốc liệt tại quốc gia Trung Đông này.
Cần kiềm chế để tránh xung đột
Ngược về lịch sử quan hệ giữa Saudi Arabia và Iran, trong 15 năm trở lại đây, bất đồng giữa hai bên ngày càng trở nên sâu sắc.
Năm 2014, phiến quân Houthi cùng các lực lượng trung thành với cựu Tổng thống Saleh tràn xuống từ phía Bắc và chiếm giữ thủ đô Sanaa của Yemen. Từ tháng 2/2015, cuộc nội chiến đã buộc Tổng thống Yemen Abd-Rabbu Mansur Hadi phải chạy về thành phố Aden ở miền Nam, sau đó bay sang Saudi Arabia cầu cứu. Tháng 3/2015, liên quân 8 nước Arab do Saudi Arabia dẫn đầu tiến hành can thiệp quân sự, tấn công phiến quân Houthi và hỗ trợ cho lực lượng trung thành với chính quyền Tổng thống Hadi.
Liên quân do Saudi Arabia dẫn đầu đã từng tiến hành hàng nghìn vụ không kích nhằm vào nhóm Houthi tại Yemen. Ngược lại, Houthi cũng phóng nhiều tên lửa vào lãnh thổ Saudi Arabia trong hơn 2 năm qua. Tới nay, cuộc chiến tại Yemen đã khiến hơn 10.000 người thiệt mạng và khoảng 3 triệu người mất nhà cửa. Theo WHO, dịch tả cũng đang hoành hành tại Yemen với nửa triệu người đã bị nhiễm bệnh và 2.000 ca tử vong được ghi nhận.
Trong bối cảnh đó, việc Houthi bắn tên lửa đạn đạo sang Saudi Arabia gần đây như đổ thêm dầu vào mối quan hệ vốn đã nhiều khúc mắc giữa Tehran và Riyadh.
Phiến quân Houthi ở Yemen. |
Trước những diễn biến căng thẳng giữa hai bên trong thời gian qua, nhiều nước đã đưa ra cảnh báo an ninh vùng Vịnh đang chạm “giới hạn đỏ” và Saudi Arabia lẫn Iran cần kiềm chế để tránh gia tăng mâu thuẫn.
Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại EU Federica Mogherini cảnh báo tình hình căng thẳng gia tăng giữa Iran, Saudi Arabia và các nước đồng minh của hai bên là “vô cùng nguy hiểm”. Phát biểu tại thủ đô Washington (Mỹ), bà Mogherini nhấn mạnh giới chức châu Âu đều hy vọng hai bên kiềm chế, tránh những phát ngôn gây căng thẳng và tìm kiếm “một điểm chung tối thiểu” để xây dựng hòa bình.
Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi nhấn mạnh Ai Cập phản đối bất kỳ sự leo thang quân sự nào ở khu vực. Tổng thống Ai Cập cho rằng các nước nên có cách tiếp cận thận trọng đối với các mâu thuẫn mới tại khu vực vốn chẳng yên bình này.
Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cũng nêu quan điểm rằng các bên cần đối thoại nhằm giải quyết khủng hoảng, tránh mọi động thái làm leo thang hơn nữa cuộc xung đột không hề có lợi cho sự ổn định của Yemen cũng như khu vực.
Mỹ cảnh báo công dân thận trọng tới Saudi Arabia Ngày 21/11, Bộ Ngoại giao Mỹ ban hành cảnh báo đi lại đối với công dân nước này có ý định tới Saudi Arabia, viện ... |
Saudi Arabia đối mặt với các cuộc tấn công mạng tinh vi Giới chức Saudi Arabia ngày 20/11 cho biết đã phát hiện một vụ tấn công mạng "tinh vi" nhằm vào vương quốc này, một động ... |
Tổng thống Pháp đến Saudi Arabia tìm cách giải quyết vấn đề khu vực Ngày 9/11, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã tới Riyadh và có cuộc thảo luận với Hoàng Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman về ... |