Đoàn công tác của Ủy ban Nhà nước về NVNONN và đại biểu kiều bào chụp ảnh lưu niệm tại thị trấn Trường Sa. (Ảnh: Phan Hải) |
Trong suốt 11 chuyến tàu do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao phối hợp với Bộ Tư lệnh Hải quân tổ chức từ năm 2012 đến nay, khoảng gần 600 đại biểu kiều bào từ hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ đã tới thăm huyện đảo Trường Sa và nhà giàn DKI.
Trong các chuyến đi ấy, kiều bào đã có nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực, đóng góp về cả vật chất và tinh thần, hướng về biển đảo quê hương, như quyên góp ủng hộ đóng xuồng chủ quyền, chung tay xây dựng một số công trình trên các điểm đảo, đóng góp mua quà là hiện vật và nhu yếu phẩm gửi tặng các điểm đảo và Nhà giàn DK-I, tổng số tiền ủng hộ lên tới gần 30 tỷ đồng.
Hiệu ứng tốt đẹp từ những chuyến đi ý nghĩa ấy là kiều bào đã thành lập các diễn đàn, Câu lạc bộ Trường - Hoàng Sa, Quỹ vì biển đảo Việt Nam ở nhiều nước; tăng cường nghiên cứu các biện pháp, sáng chế mới, góp phần cải thiện đời sống của cán bộ, chiến sĩ trên đảo; thường xuyên tổ chức nhiều hội thảo, triển lãm, sáng tác văn, thơ...
David Nguyễn, một kiều bào tại Mỹ, nhớ mãi chuyến đi năm 2014 khi ông được trải nghiệm và lưu trữ được nhiều tài liệu, hình ảnh quý giá. Từ một người có tư tưởng chống đối, bản thân ông đã thay đổi, tham dự nhiều cuộc tranh luận, phản bác lập luận xuyên tạc liên quan đến chủ quyền biển đảo.
Từ châu Phi tham gia đoàn kiều bào thăm Trường Sa vào năm 2017, anh Lê Hồng Quân, Việt kiều Angola, đã đồng hành cùng Dự án “Trường Sa - Nhà giàn DK1, Hành trình của trái tim” với những hoạt động thiết thực như in lịch Trường Sa, tập hợp nguồn lực ủng hộ cán bộ chiến sĩ, nhân dân trên đảo, đồng thời chăm sóc gia đình và con em của các chiến sĩ.
Chuyến công tác năm nay càng ý nghĩa hơn khi được tổ chức đúng dịp kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975) và Ngày Giải phóng quần đảo Trường Sa (29/4/1975), 69 năm Ngày thành lập Hải quân nhân dân Việt Nam (7/5/1955).
Gần 70 đại biểu kiều bào về từ 22 quốc gia đã thể hiện tấm lòng hướng về Tổ quốc, chia sẻ những gian nan, vất vả của những chiến sĩ ngày đêm canh giữ biển đảo quê hương.
Chị Cao Hồng Vinh, Phó Chủ tịch Hội phụ nữ Việt Nam tại Ba Lan vui mừng khi được chứng kiến sự phát triển về mọi mặt ở mảnh đất đầu sóng ngọn gió, thể hiện quyết tâm rất lớn của Đảng, Nhà nước, của toàn dân, toàn quân trong việc khẳng định chủ quyền trên vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc.
Lần đầu đến Trường Sa, bà Trần Thị Chang, Chủ tịch Hiệp hội hữu nghị Malaysia - Việt Nam mang theo tấm lòng và những món quà của cộng đồng người Việt tại Malaysia. Những ân tình của bà con xa xứ với hy vọng làm "ấm lòng", "xanh đảo", phần nào giúp cho cuộc sống của quân dân nơi biển đảo vơi bớt những khó khăn, thiếu thốn...
Sau 12 năm, việc tổ chức cho kiều bào thăm biển đảo quê hương đã góp phần quan trọng lan tỏa tình yêu biển đảo trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, để bà con chứng kiến tận mắt quyết tâm và các thành tựu của Đảng và Nhà nước trong việc giữ gìn chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Đây cũng là dịp để kiều bào từ khắp thế giới gặp gỡ, giao lưu, gắn kết góp phần tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, khẳng định tấm lòng hướng về quê hương, chung tay xây dựng, bảo vệ và phát triển quê mẹ Việt Nam.