TS. Nguyễn Trọng Hiếu. (Ảnh: Vietnamnet) |
Niềm hy vọng về công nghệ vật liêu mới
TS. Nguyễn Trọng Hiếu - giảng viên cao cấp ngành Năng lượng điện Mặt trời tại Đại học Quốc gia Australia, vừa vinh dự là một trong 10 cá nhân xuất sắc nhận Giải thưởng khoa học công nghệ Quả cầu vàng năm 2021 do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Bộ Khoa học và Công nghệ trao tặng. Chàng trai này gây chú ý vì đã có 72 công bố trên tập san quốc tế, đồng thời sáng lập và quản lý hai phòng thí nghiệm quang học tại Đại học Quốc gia Australia.
Từ năm 2019, nhóm nghiên cứu của Hiếu đã công bố phát minh “phép màu của tốc độ và không gian”, mở đường cho sự ra đời của các công cụ phát hiện khiếm khuyết trên pin Mặt trời với độ phân giải và tính chính xác cực cao.
Một tin vui lớn đến vào đầu năm 2021 khi nhóm nghiên cứu đã được Cơ quan Năng lượng tái tạo Australia cấp khoản tài trợ lên tới 1 triệu AUD (hơn 17 tỷ đồng) cho dự án phát triển pin Mặt trời thế hệ mới.
Hiện nhóm đang tập trung phát triển và cải tiến các phương pháp đo đạc mới cho pin Mặt trời, giúp tìm ra các nhược điểm trong pin ngay từ những khâu sản xuất đầu tiên. Nhóm cũng đạt kết quả bước đầu rất khả quan về một phương pháp mới có thể đo đạc được nhiều tính chất quang học của vật liệu cùng một lúc.
Các phương pháp đo đạc của nhóm được nhiều trường đại học và viện nghiên cứu trên thế giới sử dụng như Đại học New South Wales, Đại học Sydney của Australia, Phòng thí nghiệm Năng lượng tái tạo quốc gia Mỹ và một số viện nghiên cứu ở châu Âu.
Thời gian tới, TS. Nguyễn Trọng Hiếu cùng nhóm nghiên cứu sẽ tiếp tục cải tiến các phương pháp đo đạc pin Mặt trời và lý thuyết liên quan, đồng thời theo đuổi việc khám phá các công nghệ mới.
Chia sẻ về con đường nghiên cứu khoa học, anh nói: “Tôi luôn cố gắng học hỏi, tiếp thu kiến thức và kinh nghiệm của người đi trước. Khi đã lựa chọn thì quyết tâm đi theo con đường mình muốn theo đuổi, tôi có một mục tiêu trước, sau đó đi từng bước một để chinh phục nó. Nếu như thành công chưa đến ngay thì cũng không nản chí, không bỏ cuộc”.
GS. Lê Thị Hoài An (ngoài cùng, bên phải) trong buổi lễ vinh danh tại Đại học Lorraine. (Ảnh: NVCC) |
Chủ nhân giải thưởng Toán học của Pháp
GS. Lê Thị Hoài An đã trở thành nhà nghiên cứu đầu tiên ở Pháp và là người Việt Nam thứ hai được nhận giải thưởng Toán học quốc tế Constantine Carathéodory Prize 2021 (GS. Hoàng Tụy là người đầu tiên nhận giải năm 2011).
Đây là giải thưởng danh giá mang tên nhà toán học Constantine Carathéodory được Hiệp hội quốc tế Tối ưu hóa Toàn cục lập ra vào năm 2011, trao hai năm một lần cho một cá nhân (hoặc một nhóm) để ghi nhận những đóng góp nền tảng đã được thử thách qua thời gian về lý thuyết, thuật toán và ứng dụng của Tối ưu toàn cục.
Không chỉ giảng dạy về Khoa học máy tính và Toán ứng dụng tại Đại học Lorraine (Pháp), GS. Lê Thị Hoài An còn được bổ nhiệm là thành viên cao cấp của Viện Đại học Pháp (IUF) - một tổ chức của Bộ Đại học, Nghiên cứu và Đổi mới Pháp.
Sinh ra ở Hà Tĩnh, GS. Lê Thị Hoài An là con gái út trong gia đình truyền thống làm nhà giáo của cố PGS. Lê Bá Hán - người có bốn người con (một là GS và ba là PGS) đang công tác tại các trường đại học, viện nghiên cứu trong và ngoài nước. Bởi vậy, bà rất tự hào về truyền thống gia đình đã cống hiến tận tụy cho đất nước và có nhiều thành tựu đáng kể trong chuyên môn.
Một may mắn nữa là bà có chồng làm khoa học và cùng nghiên cứu một chuyên ngành. Ông là người đã kề vai sát cánh, cùng bà sáng lập lý thuyết quy hoạch DC (hiệu hai hàm lồi) và DCA (thuật toán hiệu hai hàm lồi). Đây là những công cụ đắc lực và hiệu quả của quy hoạch không lồi và tối ưu toàn cục được GS. Phạm Đình Tảo khởi xướng năm 1985 và được phát triển rộng rãi kể từ 1993 thông qua các công trình nghiên cứu chung.
GS. Lê Thị Hoài An cho biết, DCA được rất nhiều nhà khoa học thế giới thuộc những lĩnh vực chuyên ngành khác nhau sử dụng và thu hút nhiều các hãng công nghiệp lớn của thế giới. Đây là một công cụ rất hữu hiệu cho phép giải quyết những vấn đề hóc búa thuộc nhiều lĩnh vực ứng dụng khác nhau như khai thác dữ liệu và học máy, viễn thông, giao thông, chuỗi cung ứng, quản lý sản xuất, tài chính, năng lượng, cơ học, sinh học, y học, phân tích hình ảnh, mã hóa, bảo mật và độ tin cậy…
Với hơn 280 công trình khoa học trong lĩnh vực Toán Tối ưu và Khoa học dữ liệu cùng với thành tích đào tạo 35 tiến sĩ và 4 tiến sĩ khoa học, hồ sơ khoa học của GS. Lê Thị Hoài An được đánh giá là đặc biệt xuất sắc với số điểm 29/30.
Dù bận rộn với công việc nghiên cứu khoa học ở Pháp, bà vẫn thường xuyên trở về quê hương tham gia các hoạt động hợp tác với các trường đại học Việt Nam và dìu dắt đội ngũ toán học trẻ Việt Nam. Với mong ước góp phần phát triển toán ứng dụng tại Việt Nam, trong suốt hơn 20 năm qua, bà luôn ưu tiên nhận hướng dẫn và giúp đỡ nghiên cứu sinh người Việt.
Thông qua các bài giảng ở nhiều trường đại học tại Việt Nam, bà muốn học trò ý thức được tầm quan trọng của toán học, thúc đẩy và tạo điều kiện cho họ nghiên cứu ứng dụng của toán vào các lĩnh vực khác nhau, đặc biệt là những lĩnh vực quan trọng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay là kỹ thuật số và khoa học dữ liệu.
Đặc biệt, từ năm 2013, vợ chồng bà đã cùng GS. Nguyễn Ngọc Thành ở Ba Lan sáng lập và tổ chức thành công Hội nghị quốc tế về khoa học máy tính và toán học ứng dụng - nơi tập hợp trên 50 các nhà khoa học Việt Nam làm về toán ứng dụng, công nghệ thông tin ở châu Âu.
TS. Trần Lê Hữu Nghĩa. |
“Ngôi sao’ của tinh thần kết nối toàn cầu
Mới đây, Hiệp hội các nhà nghiên cứu học thuật xuyên biên giới (Star Scholars) đã thông báo kết quả giải thưởng Noam Chomsky 2021 dành cho sáu học giả. Đây là giải thưởng được trao cho những những người có đóng góp đặc biệt cho nghiên cứu xuyên biên giới, thể hiện sự hợp tác học thuật giữa các học giả trên khắp thế giới.
Và thật tự hào khi TS. Trần Lê Hữu Nghĩa, hiện là nghiên cứu viên tại Trường Kinh doanh và Kinh tế (Đại học Quốc gia Australia) được trao Giải thưởng Noam Chomsky chứng nhận học giả Ngôi sao mới nổi năm 2021.
Với vinh dự này, Trần Lê Hữu Nghĩa là người Việt thứ ba từng nhận giải thưởng Noam Chomsky. Trước đó, vào năm 2020, hai người Việt cũng nhận giải thưởng này là PGS. Trần Xuân Bách, Đại học Y Hà Nội và GS. Trần Thị Lý, Đại học Deakin.
Không ngừng làm việc và nghiên cứu, cho đến nay, anh đã công bố khoảng 30 bài báo/sách được chỉ mục trên các danh mục của ISI, Scopus. Chủ đề nghiên cứu của anh chủ yếu về việc làm sinh viên sau tốt nghiệp, học tập tích hợp đi làm, đào tạo giáo viên, giáo dục quốc tế và giảng dạy tiếng Anh.
TS. Trần Lê Hữu Nghĩa từng là thành viên của nhiều dự án của Việt Nam và quốc tế về chủ đề giáo dục. Điển hình như tại Đại học Tôn Đức Thắng, anh là nghiên cứu viên Nhóm trắc lượng thông tin.
Thông qua các buổi nói chuyện, TS. Trần Lê Hữu Nghĩa đã đem đến nguồn cảm hứng khởi nghiệp cho sinh viên, giúp họ xác định được những việc cần chuẩn bị cho nghề nghiệp bên cạnh nhiệm vụ hoàn thành tốt chương trình học tập.
Ngoài ra, với kinh nghiệm thực tế từ chính bản thân, anh cũng đã chia sẻ với các các bạn trẻ những thông tin quan trọng khi quyết định tiếp tục con đường học vấn bằng cách du học như tìm học bổng, chuẩn bị hồ sơ, phỏng vấn...
| Các dấu ấn đối ngoại 2021 Báo Thế giới & Việt Nam bình chọn các dấu ấn đối ngoại của Việt Nam năm 2021. |
| Bộ Ngoại giao và Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh ký kết chương trình phối hợp công tác Ngày 29/12, tại trụ sở Bộ Ngoại giao, Bộ Ngoại giao và Trung ương Đoàn đã tổ chức Lễ ký kết “Chương trình phối hợp ... |