Ảnh ấn tượng tuần (6-12/4): Lễ Phục sinh online, tranh cãi về hố chôn tập thể bệnh nhân Covid-19 ở New York và nước mắt đoàn tụ ở Vũ Hán
06:58 | 13/04/2020
TGVN. Thảm họa Covid-19 tại New York, giãn cách xã hội tại nhiều nước trên thế giới, Vũ Hán dỡ lệnh phong tỏa, tuần lễ Phục sinh… là những ảnh ấn tượng trong tuần được NBC, The Guardian, CNN… tổng hợp.
Nhân viên y tế Patricia Rodriguez mệt mỏi nhập dữ liệu các báo cáo vào máy tính xách tay trên xe ô tô sau ca chăm sóc bệnh nhân nhiễm viêm đường hô hấp cấp Covid-19 kéo dài 12 tiếng đồng hồ tại Yonkers, New York, Mỹ, ngày 6/4. (Nguồn: Getty Images)
Các y tá đưa thi thể bệnh nhân Covid-19 đến những chiếc xe tải lạnh, nơi được cải tạo thành nhà xác tạm thời tại Bệnh viện Wyckoff ở Brooklyn, New York, Mỹ, ngày 6/4. Tính đến 22h ngày 12/4, Covid-19 đã lan tới 211 quốc gia, vùng lãnh thổ trên toàn cầu. Thế giới ghi nhận 1.787.071 người mắc; 109.288 người tử vong, trong đó, Mỹ là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất với 533.115 người mắc; 20.580 ca tử vong; tiếp theo là các nước Tây Ban Nha, Italy và Đức.
Bức ảnh được chụp bằng thiết bị bay không người lái cho thấy hoạt động chôn cất thi thể trên đảo Hart, bang New York, Mỹ trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 hoành hành ở thành phố này. Những hình ảnh trên mạng xã hội về hố chôn tập thể trên đảo như thế này đã lan truyền nhanh chóng và nhiều người không tránh khỏi bị ám ảnh. Tuy nhiên, Thị trưởng thành phố New York Bill de Blasio cho biết, mặc dù số người được chôn cất trên đảo tăng, nhưng đây chỉ là những người chết khi không có người thân hoặc gia đình tới nhận. (Nguồn: Reuters)
Lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Mitch McConnell trả lời phỏng vấn báo chí trong bối cảnh áp dụng lệnh giãn cách xã hội vì Covid-19, bên ngoài phòng họp tại đồi Capitol ở Washington, Mỹ, ngày 9/4. (Nguồn: AP)
Các tình nguyện viên của đội cứu hộ Sonko phun thuốc khử trùng trên đường phố Nairobi, Kenya để ngăn chặn sự lây lan của Covid-19, ngày 6/4. Tổng thống Kenya Uhuru Kenyatta đã áp đặt lệnh phong tỏa trong 3 tuần đối với 4 khu vực được coi là “điểm nóng” Covid-19, bao gồm cả Thủ đô Nairobi, trước khi bước vào tuần lễ Phục sinh. (Nguồn: Getty Images)
Mục sư Stuart Elliott ban phước cho ngọn lửa mới, một phần của lễ Phục sinh, trên bờ hồ Llyn Mymbyr, xứ Wales, ngày 8/4. Đây là năm thứ 14 mục sư Elliott thực hiện nghi lễ truyền thống ngoài trời, ban phước cho ngọn lửa mới. Năm nay, do ảnh hưởng dịch bệnh, không có giáo dân dự lễ. Ông đã quay video các buổi lễ để phát trên mạng internet, phục vụ người dân thực hiện các nghi thức trong ngày lễ Phục sinh. (Nguồn: Getty Images)
Người dân cầu nguyện trong buổi lễ ban phước của Tổng giám mục Paris, Michel Aupetit, trước cửa Nhà thờ Sacre-Coeur trong tuần lễ Phục sinh tại Paris, Pháp. (Nguồn: Getty Images)
Hành khách tại ga xe lửa Hankou ở Vũ Hán, Hồ Bắc, Trung Quốc sau khi thành phố này được dỡ bỏ lệnh phong tỏa vì Covid-19, ngày 8/4. Trung Quốc đã phong tỏa thành phố 11 triệu dân vào ngày 23/1, một quyết định mạnh mẽ nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus gây bệnh. (Nguồn: Reuters)
Nhân viên y tế tại tỉnh Cát Lâm, Trung Quốc (ở giữa), khóc khi ôm các đồng nghiệp vừa trở về từ thành phố Vũ Hán, ngày 8/4. (Nguồn: AFP)
Người dân đeo khẩu trang khi đi bộ qua ga tàu Shinagawa ở Tokyo, Nhật Bản, ngày 8/4. Trước sự lây lan ngày càng mạnh của Covid-19, Thủ tướng Abe Shinzo đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp vào hôm 7/4 đối với 7 trong số 47 tỉnh, thành của Nhật Bản, bao gồm Tokyo và Osaka. Việc ban bố tình trạng khẩn cấp sẽ cho phép chính quyền địa phương được thực hiện các biện pháp chống dịch mạnh tay hơn, bao gồm trưng dụng cơ sở vật chất, vật tư y tế của các công ty tư nhân. (Nguồn: Getty Images)
Y tá chăm sóc cho cụ bà Josefa Ribas, 86 tuổi, đang nằm liệt giường, tại nhà riêng ở Barcelona, Tây Ban Nha, ngày 30/3. Cụ bà Ribas bị chứng mất trí nhớ và chồng bà, cụ ông Jose Marcos (bên trái), lo sợ cho cả hai nếu dịch Covid-19 tấn công hai vợ chồng. "Nếu tôi bị nhiễm virus, ai sẽ chăm sóc vợ tôi?", ông Jose lo lắng nói. Hình ảnh được phát hành ngày 10/4. (Nguồn: AP)
Cầu thủ bóng đá Annalie Longo tập luyện cách ly trong nhà để xe, ngày 8/4, tại thành phố Christchurch, New Zealand khi toàn bộ đất nước áp đặt lệnh phong tỏa từ ngày 26/3 nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. (Nguồn: Getty Images)
Cảnh sát yêu cầu người phụ nữ đang chơi tại công viên ở London, Anh về nhà trong bối cảnh hạn chế đi lại. Công viên chỉ mở cửa cho những người dắt chó đi dạo hoặc tập thể dục. (Nguồn: AP)
Một người đàn ông mang hoa đến ngôi nhà số 10 phố Downing, London, Anh, nơi ở của Thủ tướng Boris Johnson, ngày 7/4. Sau thời gian tự điều trị cách ly tại nhà vì nhiễm Covid-19, ông Johnson đã phải nhập viện khi các triệu chứng nhiễm bệnh trở nên nặng hơn. (Nguồn: Getty Images)
Những em bé sơ sinh tại bệnh viện Princ Suvarnabhumi ở Samut Prakan, Thái Lan được che chắn mặt nạ để phòng ngừa lây nhiễm Covid-19, ngày 8/4. (Nguồn: EPA)
Chuyên gia y tế cầm điện thoại trước mặt bệnh nhân Covid-19, giúp bệnh nhân thực hiện cuộc gọi video với người thân tại bệnh viện Papaamo XXIII, Bergamo, Italy. (Nguồn: AP)
Thiết bị bay bay không người lái được cảnh sát sử dụng để theo dõi người dân và yêu cầu họ tôn trọng quy định về giãn cách xã hội do dịch bệnh trên một đại lộ mua sắm ở Heerlen, Hà Lan. (Nguồn: Getty Images)
Hình ảnh vệ sinh khử khuẩn bộ đồ bảo hộ của một binh sĩ sau khi tham gia khóa huấn luyện phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tại Belo Horizonte, Brazil, ngày 9/4. (Nguồn: Getty Images)
Hình ảnh Cổng Ấn Độ (India Gate) ở New Delhi khi bị bao trùm bởi không khí ô nhiễm (ngày 17/10/2019 - ảnh trên) và khi tình trạng ô nhiễm không khí tại đây giảm đáng kể (ngày 8/4 - ảnh dưới) trong thời gian phong tỏa toàn quốc 21 ngày nhằm hạn chế sự lây lan của Covid-19. (Nguồn: Reuters)
Bức ảnh chụp từ trên không cho thấy người dân ngồi trong ô tô và xem phim tại một rạp chiếu phim ngoài trời ở Marl, Đức, ngày 6/4. Đây là một trong số ít các hoạt động giải trí vẫn được cho phép trong bối cảnh các biện pháp giãn cách xã hội được áp dụng khi dịch bệnh Covid-19 lây lan. (Nguồn: Getty Images)
Người phụ nữ di tản và con gái đến thăm mộ của người thân ở thị trấn Ariha, Syria. (Nguồn: Getty Images)
Cảnh sát bảo vệ một nhà thờ Tin lành ở Santiago, Chile, nơi các thành viên của nhà thờ bị cách ly sau khi Bộ trưởng Bộ giáo hội xét nghiệm dương tính với Covid-19. (Nguồn: Reuters)
Sĩ quan cảnh sát dùng áo phông che mũi, miệng một người đàn ông bị bắt giữ vì vi phạm lệnh giới nghiêm giữa lúc dịch Covid-19 ở El Callao ở ngoại ô Lima, Peru. (Nguồn: AP)
Hình ảnh Pal và con gái Marilou trong gương khi nghỉ ngơi sau buổi tập múa ba lê trong thời gian phong tỏa thành phố ở Brussels, Bỉ. (Nguồn: Reuters)
Cảnh sát bắt giữ các bác sĩ và nhân viên y tế trong một cuộc biểu tình phản đối việc thiếu thiết bị bảo hộ y tế ở Quetta, Pakistan. (Nguồn: Getty Images)
Người dân Nairobi, Kenya chen lấn để nhận thực phẩm được chính quyền phân phối cho những người bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. (Nguồn: AP)
Marianne Falla, Aina Hanssen và Sander Falla Berg xem nhóm nhạc hip-hop Klovner i Kamp biểu diễn trong buổi trình diễn đầu tiên tại bãi đỗ xe ở Lillestrom, Olso, Na Uy. (Nguồn: EPA)
Nhân viên y tế nắm tay bệnh nhân Covid-19 trong phòng chăm sóc đặc biệt tại bệnh viện Đại học Tổng hợp ở Prague, CH. Czech, ngày 7/4. (Nguồn: AP)
Người vô gia cư nghỉ ngơi bên trong các căn lều được dựng tạm thời tại Kuala Lumpur, Malaysia, ngày 7/4. (Nguồn: Reuters)
Người đàn ông tận hưởng những giây phút thư giãn thanh bình tại Vienna, Áo, ngày 7/4. (Nguồn: Getty Images)
Thủ tướng Canada Justin Trudeau tham dự một cuộc họp báo tại Rideau Cottage ở Ottawa, Ontario, Canada, ngày 9/4. (Nguồn: Reuters)
Tàu không gian Soyuz MS-16 đưa các nhà du hành đến Trạm vũ trụ quốc tế (ISS) rời bệ phóng tại trạm vũ trụ Baikonur ở Kazakhstan, ngày 9/4. Phi hành đoàn tham gia nhiệm vụ lần này gồm Anatoly Ivanishin, Ivan Vagner của Cơ quan Vũ trụ Liên bang Nga (Roscosmos) và Chris Cassidy của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA). (Nguồn: AP)
Chiến dịch 'JUMBO VAPE - Chung tay phòng chống bệnh sốt xuất huyết' nhằm tuyên truyền phòng chống bệnh sốt xuất huyết trên toàn quốc vừa được phát động.
Trở lại Nhà Trắng một cách mạnh mẽ, áp đảo, Tổng thống đắc cử Donald Trump sẽ 'đối đãi' với thế giới như thế nào trong nhiệm kỳ 2.0 vẫn là câu hỏi bỏ ngỏ.