COP29 được kỳ vọng sẽ là một bước ngoặt quan trọng trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. (Nguồn: Apa.az) |
Thụy Sỹ đã thể hiện vai trò tiên phong trong việc thúc đẩy hợp tác quốc tế về biến đổi khí hậu. Nước này kêu gọi cộng đồng quốc tế, đặc biệt là các nước giàu có và có lượng khí thải cao, tăng cường đóng góp tài chính vào quỹ khí hậu toàn cầu, nhằm hỗ trợ các nước đang phát triển ứng phó với biến đổi khí hậu và chuyển đổi sang nền kinh tế xanh.
Trong khi đó, Anh dự kiến công bố một mục tiêu khí hậu đầy tham vọng, cam kết đến năm 2035 cắt giảm 81% lượng khí thải so với mức năm 1990. Đây là một trong những mục tiêu khí hậu mạnh mẽ nhất đưa ra tại COP29 và được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.
Tài chính khí hậu là một trong những vấn đề thu hút sự quan tâm hàng đầu tại Hội nghị.
Các tổ chức phi chính phủ ước tính cần khoảng 1.000 tỷ USD mỗi năm cho đến năm 2035 để đạt được các mục tiêu khí hậu toàn cầu. Tuy nhiên, các nước phát triển hiện chỉ cam kết cung cấp 100 tỷ USD/năm từ công quỹ.