📞

Anh - Nga trừng phạt lẫn nhau

Tùng Lâm 06:03 | 24/02/2024
Chỉ trong hai ngày 22-23/2, Anh và Nga đã liên tiếp tung ra các biện pháp trừng phạt chống lại nhau, đẩy “cuộc chiến hỗn hợp” giữa Nga và phương Tây ngày càng khốc liệt.

Một tàu dầu của Nga ở gần bờ biển Libya (Nguồn: Reuters)

Trong khi Mỹ đang chuẩn bị công bố “các lệnh trừng phạt quy mô lớn nhất” chống lại Nga vào tối ngày 23/2, nhân hai năm ngày bắt đầu Chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, cũng như sự kiện nhà hoạt động đối lập ở Nga Navalny chết trong tù, thì Anh đã “nhanh tay” đưa ra các biện pháp trừng phạt mới chống lại Moscow sớm hơn Mỹ nửa ngày.

Anh tung đòn hiểm

Sáng 23/2, Ngoại trưởng Anh David Cameron, đã công bố hơn 50 lệnh trừng phạt mới nhằm vào cả cá nhân và pháp nhân ở Nga, cũng như nước ngoài hoạt động cho lợi ích của Moscow, tập trung chủ yếu là vào lĩnh vực dầu khí. Gói trừng phạt là một phần trong nỗ lực của London nhằm giảm doanh thu của Điện Kremlin, ngăn chặn việc lách các lệnh trừng phạt của phương Tây.

Theo Reuters, các hạn chế bao gồm dự án sản xuất khí hóa lỏng LNG-2 Bắc Cực, người đứng đầu và ban lãnh đạo Tập đoàn Novatek, cũng như các chủ tàu châu Âu và Thổ Nhĩ Kỳ vận chuyển dầu và các sản phẩm dầu mỏ của Nga.

Ông Cameron nói, Anh sẽ tăng cường chống lại hành vi lách luật vận chuyển hàng hải của Nga và gần như tất cả các tàu của “hạm đội bóng tối” được Nga sử dụng để làm lách đòn trừng phạt dầu mỏ do Anh cùng các đối tác G7 áp đặt.

Vương quốc Anh đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với chi nhánh Các Tiểu vương quốc Arap thống nhất (UAE) thuộc tập đoàn vận tải biển Fractal của Na Uy-Thụy Sĩ và Beks Ship Management, Active Shipping của Thổ Nhĩ Kỳ.

Tổng cộng, các lệnh trừng phạt dự kiến sẽ làm cho hơn 70 tàu vận chuyển dầu khí từ Nga phải tạm dừng hoạt động. Thông tin của các tàu được thu thập bằng hệ thống định vị tự động. Nhờ đăng ký ở châu Âu và Trung Đông, những con tàu này có thể sử dụng bảo hiểm của phương Tây (cụ thể là London). Phương thức này bây giờ sẽ kết thúc.

Với các hạn chế này, một số hàng hóa có thể sẽ không được giao hoặc bị chậm trễ. Một phần của đội tàu khổng lồ này sẽ phải được mua lại và chuyển sang các khu vực dịch vụ bảo hiểm khác, hoặc phải nhập kho lâu dài. Các chuyên gia cho rằng điều này sẽ không ngăn cản được Nga bởi Moscow luôn có giải pháp cho những tình huống như vậy, nhưng dù sao kịch bản này vẫn rất “khó chịu” đối với Nga.

Nga đáp trả vào “Fish & Сhips”

Trước đó một ngày, 22/2/2024, Moscow đã hủy bỏ thỏa thuận với London ký ngày 25/5/1956 về việc cho phép các thủy thủ Anh đánh cá ở Biển Barents. Dân Anh rất lo về điều này bởi họ sợ không có món “quốc hồn quốc túy” Fish & Chips (cá và khoai tây chiên). Ngược lại, người dân Nga tỏ ra vui mừng khi Tổng thống Putin đã mang “cá trở về với nước Nga, sau Crimea”. Điều gì có thể là lý do đằng sau quyết định chính trị rõ ràng này?

Tờ Daily Mail của nước Anh ca thán: “Một trong những biểu tượng quốc gia của Vương quốc Anh là món ăn khoái khẩu có tên Fish & Chips, được làm từ cá tuyết hoặc cá tuyết chấm đen, cùng với khoai tây. Nhưng giờ đây người Anh có thể mất món ẩm thực này do quyết định của Tổng thống Nga”.

Một tàu đánh cá ở Biển Barents - nơi Vương quốc Anh sẽ không thể đánh bắt cá sau khi Nga đáp trả các lệnh cấm mới của London. (Nguồn: east2west)

Theo cơ quan thủy sản của Anh, số lượng lớn cá tuyết và cá tuyết chấm đen được bán tại các cửa hàng bán “Cá và khoai tây chiên” trên khắp xứ sở xương mù có nguồn gốc truyền thống từ những vùng biển Barents, với con số khổng lồ trên nửa triệu tấn cá tuyết được đánh bắt ở Biển Barents vào năm 2023. Nhưng giờ đây, với việc Nga rút khỏi thỏa thuận năm 1956 và cấm Anh sử dụng các nguồn dự trữ cá tuyết và cá tuyết chấm đen quý giá của mình, ông chủ Điện Kremli đã tuyên bố cuộc chiến đánh bắt cá với Anh.

Chủ tịch Duma Quốc gia Liên bang Nga Vyacheslav Volodin đã lên tiếng trách móc những người cộng sản năm xưa đã đưa cá của Nga cho người Anh gần 70 năm trước, và ca ngợi Tổng thống Putin, người đã sửa lại sự “bất công lịch sử” này.

Năm 1956, Điện Kremlin đã có một số “cử chỉ thiện chí” với phương Tây. Ngoài Tuyên bố Xô-Nhật năm 1956 (hay Tuyên bố Moscow về quần đảo Kuril), Liên Xô đã ký thỏa thuận trao quyền cho các tàu đánh cá Vương quốc Anh được hoạt động ở vùng nước của biển Barents vào ngày 25/5/1956.

Điều này được thực hiện trong khuôn khổ chính sách của Tổng Bí thư Đảng cộng sản Liên Xô N.Khrushchev nhằm “chung sống hòa bình với phương Tây”. Các tàu đánh cá treo cờ Anh có thể đi vào vùng biển phía bắc Liên Xô và thậm chí thả neo ở đó. Hơn thế nữa, không xa là căn cứ của Hạm đội phương Bắc của Nga và các bãi thử hạt nhân trên Novaya Zemlya. Nhiều nhà quan sát nghi ngờ, một số tàu đánh cá nước ngoài được sử dụng cho mục đích trinh sát khu vực rất quan trọng về an ninh quốc phòng này của Nga.

Ông Volodin nói: “Các nhà lãnh đạo Liên Xô trước đây đơn phương cho phép Anh đánh cá gần bờ biển của chúng tôi. Những người cộng sản xưa không chỉ cho cá, mà còn cho cả bán đảo Crimea. Và bây giờ chúng tôi đang lấy lại nó. Ông Putin lấy lại cá cho người Nga trong khi người Anh đã ăn nó suốt 68 năm. Nước Anh đã thi hành các lệnh trừng phạt đối với chúng tôi, còn bản thân họ sử dụng 40% thực đơn cá tuyết từ biển của chúng tôi. Bây giờ hãy để họ giảm cân và thông minh hơn”.

Tuy nhiên, để nói người Anh sẽ không có Fish & Chips hoặc thay đổi chính sách đối ngoại của London chống Moscow thì không thể. Thực tế là chế độ sử dụng nguồn lợi cá ở Biển Barents được xác định bởi hai quốc gia cạnh biển Barents là Liên bang Nga với tư cách là nước kế thừa hợp pháp của Liên Xô và Na Uy.

Hai nước này chiếm 85% tổng hạn ngạch đánh bắt cá do Ủy ban nghề cá Nga - Na Uy xác định. Trong số 15% còn lại, phần lớn thuộc về Iceland và chỉ khoảng 1% thuộc về Vương quốc Anh. Cho đến tháng 2 năm 2022, khoảng 40% cá tuyết, cá tuyết chấm đen và cá capelin được người Anh tiêu thụ có nguồn gốc từ Nga.

Vào tháng 3/2022, London đã hủy bỏ cơ chế kinh tế thuận lợi cho thương mại với Nga và áp thuế 35% đối với cá tuyết Nga. Ngay sau đó, Na Uy bắt đầu mua cá ở Nga và bán lại cho các nước châu Âu khác đã áp đặt các lệnh trừng phạt chống Nga, tất nhiên phải cộng thêm chi phí.

Nói cách khác, Anh sẽ không bị thiếu cá tuyết, chỉ là nước này sẽ phải trả nhiều tiền hơn cho người bán trung gian để mua lại. Song mức tăng giá chung của Fish & Chips như một món ăn quốc gia chủ yếu là do lạm phát gia tăng, không những giá của cá mà còn cả giá khoai tây. Các vấn đề với khoai tây ở Anh đã bắt đầu từ lâu trước xung đột Nga - Ukraine, liên quan đến Brexit.

Xung đột Nga-Ukraine đã bước sang năm thứ ba, kinh tế các nước châu Âu bắt đầu cảm nhận sự suy giảm vì những lệnh cấm vận, trừng phạt chống nhau. Và giờ đây bức tranh ảm đạm đó xuất hiện ngay tại những bữa ăn của từng người dân bình thường.