📞

Anh với vấn đề Hong Kong: Đòn độc hiểm hóc

Dịch Dung 19:45 | 05/06/2020
TGVN. Thủ tướng Anh Boris Johnson vừa có động thái độc đáo và hiểm hóc liên quan đến những gì vừa diễn ra tại Hong Kong (Trung Quốc). Thực chất là gì? Triển vọng của bộ ba Mỹ-Trung Quốc-Anh ra sao? Phân tích của báo Thế giới & Việt Nam.
Đích thân Thủ tướng Anh Boris Johnson tung chiêu mà lại còn dưới hình thức bài viết đăng trên tờ nhật báo South China Morning Post phát hành ở Hong Kong. (Nguồn: EPA)

Không phải mọi chuyện liên quan đến dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona gây ra, đến Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hay Đài Loan mà Hong Kong hiện mới khiến Trung Quốc khó xử hơn cả trong quan hệ với Mỹ, Anh và EU.

Sau khi Trung Quốc thông qua bộ luật mới về an ninh cho Hong Kong, các đối tác kia đều tỏ thái độ phản đối. Trong khi EU mới chỉ thể hiện thái độ bất bình không thôi thì Mỹ và Anh đều chơi đòn độc đáo và hiểm hóc. Mỹ ngừng áp dụng quy chế ưu đãi đối với Hong Kong. Ngay sau đó, Trung Quốc đã đáp trả Mỹ hiểm hóc không kém. Phía Anh cũng chơi rất nặng tay và Trung Quốc cũng lập tức doạ sẽ trả đũa thích đáng.

Độc đáo và hiểm hóc

Cú đòn của Anh có khác so với cú đòn của Mỹ. Đích thân Thủ tướng Anh Boris Johnson tung chiêu mà lại còn dưới hình thức bài viết đăng trên tờ nhật báo South China Morning Post phát hành ở Hong Kong. Trong đó, ông Johnson thể hiện quan điểm cho rằng bộ luật kia của Trung Quốc không phù hợp với tinh thần và lời văn của những thoả thuận giữa chính phủ Anh và chính phủ Trung Quốc về việc phía Anh giao trả Hong Kong cho Trung Quốc hồi năm 1997, cụ thể là những nội hàm của mô hình "Một nhà nước, hai chế độ" cho Hong Kong và ở Hong Kong. Ông Johnson doạ rằng nếu Trung Quốc áp dụng luật này thì phía Anh sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân hiện sinh sống ở Hong Kong nhập cảnh vào Anh, định cư ở Anh và gia nhập quốc tịch Anh.

Số liệu thống kê công khai ở Hong Kong cho thấy đặc khu hành chính này của Trung Quốc hiện có khoảng 7,5 triệu người, trong đó có khoảng 350.000 người mang hộ chiếu Anh. Phía Anh trù liệu rằng sẽ có ít nhất 2,5 triệu người dân hiện ở Hong Kong sẽ tận dụng biện pháp chính sách nói trên của ông Johnson. Trung Quốc rất đông dân nhưng hoàn toàn không dễ dàng gì có thể nhanh chóng thay thế được vai trò của đông đảo người bỏ Hong Kong theo Anh như thế ở Hong Kong và lại còn không thể tránh khỏi bị tổn hại về thể diện quốc gia và về chính trị trên thế giới. Giống như Mỹ, phía Anh coi việc không còn trên thực tế tình trạng "Một nhà nước, hai chế độ" ở Hong Kong là không thành công chứ không phải là thành công của Trung Quốc trong việc thực hiện mô hình này cho Hong Kong và ở Hong Kong.

Cảnh báo và răn đe

Cho đến nay, ông Johnson không khác biệt quan điểm cơ bản gì với tổng thống Mỹ Donald Trump về cách thức Trung Quốc đưa tin và ứng phó dịch bệnh cũng như về những chuyện có liên quan đến WHO và Đài Loan, nhưng Trung Quốc cũng chỉ khẩu chiến với Mỹ và Anh.

Chỉ khi Mỹ và Anh động chạm đến quyết sách mới của Trung Quốc về Hong Kong, Trung Quốc mới đáp trả quyết liệt và mau lẹ. Qua đó có thể thấy chuyện Hong Kong đặc biệt nhạy cảm và quan trọng như thế nào đối với Trung Quốc cả về chính trị đối nội lẫn đối ngoại. Qua đó cũng còn có thể thấy mối quan hệ giữa Trung Quốc với Mỹ và Anh trong thời gian tới sẽ còn trắc trở, phức tạp và căng thẳng hơn nữa.

Trung Quốc sẽ không vì sự phản đối của Mỹ, Anh và EU hay vì những cú đòn độc hiểm hóc kia của Mỹ và Anh mà rút lại bộ luật mới thông qua về an ninh cho Hong Kong. Nhưng nếu Trung Quốc thực hiện nó thì ông Trump ở Mỹ và ông Johnson ở Anh không thể không thực hiện những quyết sách đã tuyên cáo liên quan trực tiếp đến Hong Kong. Cho nên Trung Quốc phải tìm cách có được hiệu ứng cảnh báo và răn đe tối đa đối với Mỹ và Anh khi cả hai đối tác này mới chỉ tuyên cáo chứ chưa triển khai thực hiện quyết sách của họ về Hong Kong trên thực tế.

Tuy Mỹ ra đòn trước nhưng việc ngăn cản Trung Quốc thực thi bộ luật mới về an ninh cho Hong Kong cần thiết và cấp thiết đối với Anh còn hơn nhiều so với đối với Mỹ. Mỹ có được con chủ bài là Hong Kong trong xử lý quan hệ với Trung Quốc trong khi cả thể diện quốc gia lẫn uy danh quốc tế của Anh cũng như vai trò và ảnh hưởng của Anh trong Khối Thịnh vượng chung đều liên quan trực tiếp đến tương lai chính trị của Hong Kong, cụ thể là đến việc Trung Quốc tiếp tục thực hiện mô hình "Một nhà nước, hai chế độ" cho Hong Kong và ở Hong Kong - đương nhiên theo cách tiếp cận và xác định nội hàm của phía Anh.

Cả ba đều có khó khăn và khó xử riêng về Hong Kong và bởi sự đáp trả của Trung Quốc. Vì thế, bộ ba này rồi sớm muộn cũng sẽ tìm cách cùng cài số lùi mà giữ được thể diện và không bị coi là yếu thế chứ không bất chấp nhau hay làm găng nhau đến cùng.