Đây là khẳng định của bà Eugenia Victorino, chuyên gia kinh tế khu vực Tiểu vùng sông Mekong và ASEAN của Ngân hàng ANZ tại buổi Họp báo “Điều gì sẽ đến trong năm 2017?” ngày 24/2 tại Hà Nội.
Đại diện của ANZ cho rằng, dù TPP có đi vào hiệu lực cũng phải mất 10 năm để Việt Nam bắt đầu có được lợi ích rõ rệt.
Bà Eugenia Victorino phân tích, nhờ việc đa dạng thị trường cũng như mặt hàng xuất khẩu, Việt Nam rất linh động trong việc lựa chọn hiệp định thương mại và hoàn toàn không bị phụ thuộc vào một đối tác xuất khẩu hay một hiệp định cố định nào. Từ một nước chủ yếu xuất khẩu nông sản và hàng dệt may, hiện Việt Nam đã là một mắt xích quan trọng trong chuỗi sản xuất và cung ứng thiết bị điện tử.
Trên thực tế, hàng hóa xuất khẩu sang thị trường Mỹ chỉ có 22% tổng kim ngạch của Việt Nam. Trong khi đó, Việt Nam vẫn đang chủ động tham gia các hiệp định thương mại tự do khác như Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực(RCEP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), hiệp định song phương với các nước và đa dạng ngành hàng xuất khẩu.
RCEP có thể thay thế TPP
Trước những băn khoăn về việc liệu có một Hiệp định nào đủ mạnh sẽ thay thế vai trò của TPP, ông Khoon Goh - Trưởng bộ phận nghiên cứu châu Á của ANZ đánh giá, nếu các nước thành viên của RCEP - hiệp định thương mại tự do gồm 16 nước bao gồm 10 nước ASEAN và 6 đối tác lớn là Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia và New Zealand - đẩy nhanh ký kết. Đây sẽ là một sự thay thế tốt dù chưa phải là hoàn hảo cho TPP.
RCEP được các chuyên gia ANZ nhận định có thể thay thế TPP. (Nguồn: Huffington Post) |
“Sẽ rất khó để so sánh RCEP và TPP, tuy nhiên nếu TPP được 5 điểm thì chúng tôi chấm RCEP 4 điểm”, ông Khoon Goh đánh giá. Dù tổng GDP không có số lượng thành viên hùng hậu như TPP, RCEP lại có lợi thế về khối lượng thương mại và quy mô dân số của các nước thành viên.
“RCEP sẽ mở ra thị trường rộng lớn cho hàng hóa Việt Nam, điều mà TPP được hứa hẹn sẽ mang đến. Trong khi TPP hướng đưa hàng hóa Việt Nam tới Mỹ, RCEP lại mang đến những lựa chọn mới”, bà Victorino cho hay.
GDP năm 2017 đạt 6,4%
Dù dự báo toàn cầu hóa vẫn còn nhiều rủi ro với Việt Nam, các chuyên gia kinh tế của ANZ vẫn lạc quan về tình hình năm 2017 nhờ tính đa dạng về xuất khẩu cũng như sự khởi sắc của thị trường chứng khoán Việt Nam sau đợt mở bán cổ phần các doanh nghiệp Nhà nước.
Theo bà Eugenia Victorino, trong năm 2017, Việt Nam sẽ đạt tốc độ tăng trưởng GDP là 6,4% nhờ khu vực nông nghiệp phục hồi và có kết quả tốt hơn trong năm ngoái.
Năm 2016 chứng kiến ngành nông nghiệp tăng trưởng dương 1,36%, tuy nhiên đây là kết quả thấp nhất kể từ năm 2011 đến nay. Nhóm chuyên gia ANZ dự báo, ngành nông nghiệp Việt Nam trong năm 2017 sẽ thoát đáy và trở thành động lực triển vọng cho tăng trưởng GDP nhờ những dự đoán tích cực về yếu tố môi trường.
Các chuyên gia nông nghiệp nhận định năm 2017 sẽ là một năm bội thu hơn năm ngoái với lượng mưa cao hơn, ít hạn hán”, bà Victorino khẳng định.
Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu đến từ ANZ đánh giá cao tiến trình công nghiệp hoá của Việt Nam vốn đã đạt kết quả tốt trong năm 2016 và dự kiến sẽ tiếp tục duy trì trong năm 2017.
Theo nhóm nghiên cứu, Việt Nam sẽ dẫn đầu trong làn sóng công nghiệp hoá cuối cùng ở khu vực Đông Nam Á nhờ vào hành lang vận tải quan trọng. Việt Nam sở hữu tuyến vận tải kết nối Trung quốc, Ấn Độ và các quốc gia ASEAN.
“Bằng vị trí địa lý quan trọng ấy và tiến trình công nghiệp hoá đang diễn ra ở Việt Nam, Việt Nam sẽ trở thành cây cầu kết nối các nền kinh tế ở ngoại vi với toàn bộ Đông Nam Á”, nhóm nghiên cứu nhận định.