📞

Áp lực công việc, người trẻ Nhật Bản lựa chọn 'nghỉ hưu sớm'

Thái An 07:30 | 30/09/2021
Tiết kiệm 80% thu nhập, cắt giảm tối đa chi tiêu khi đi làm, sau hơn chục năm đi làm, nhiều người trẻ Nhật Bản quyết định nghỉ hưu sớm.

Kể từ khi tốt nghiệp đại học, anh Yuiki Hotaka (30 tuổi) đã vào làm việc tại Tập đoàn nổi tiếng Mitsubishi với mức lương khá. Sau một thời gian dài làm việc vất vả, cật lực, anh Hokata tiết kiệm được số tiền khoảng 70 triệu Yen (tương đương 14,4 tỷ đồng) và quyết định sẽ nghỉ việc và chuyển về vùng nông thôn Kanto sinh sống.

Dựa trên các tính toán, anh Hotaka dự định sẽ sống bằng cổ tức cho đến cuối đời và theo đuổi sở thích và đam mê cá nhân như làm nông, đi bộ và viết blog. “Đối với tôi, sự tự do và thời gian quan trọng hơn tiền bạc. Tôi không muốn gắn cả cuộc đời của mình ở văn phòng", anh Hokata chia sẻ.

Lối sống "độc lập tài chính, nghỉ hưu sớm" (viết tắt là FIRE) mà anh Hokata đang theo đuổi là trào lưu sống đang khá phổ biến được nhiều người trẻ Nhật Bản lựa chọn thời gian gần đây. Được du nhập từ Mỹ, những người theo đuổi trào lưu này sẽ giảm thiểu tối đa chi phí của bản thân và tạo thu nhập từ nguồn tiền tích lũy thông qua các khoản đầu tư.

Mặc dù đã manh nha xuất hiện từ vài thập kỷ trước, nhưng trào lưu này chỉ thực sự thịnh hành tại Nhật Bản một vài năm trở lại đây, phản ánh thực trạng kinh tế bấp bênh sau gần ba thập kỷ lạm phát và tăng trưởng thấp. Đặc biệt, kể từ sau khi đại dịch Covid-19 bùng phát, tâm lý bất mãn với công việc của người trẻ Nhật Bản vì thế cũng ngày càng gia tăng.

Ngày càng có nhiều người trẻ Nhật Bản lựa chọn lối sống FIRE. (Nguồn: Getty)

Quy tắc FIRE

Những người ủng hộ lối sống FIRE thường đề cập đến “quy tắc 25x” và “quy tắc 4%”. Quy tắc 25x dùng để ước tính tổng số tiền một người cần tiết kiệm để nghỉ hưu. Quy tắc 4% là số tiền lý thuyết mà một người về hưu có thể rút ra từ danh mục đầu tư trong năm đầu tiên nghỉ hưu. Sau đó, họ sẽ rút số tiền với tỷ lệ tương tự, được điều chỉnh theo lạm phát để ít nhất 30 năm không bị hết tiền.

Ở Nhật Bản, quy tắc 4% thường được dùng để chỉ khoản thu nhập tạo ra từ các kênh đầu tư, phổ biến đến từ việc chia cổ tức có lợi suất cao mà không bị ảnh hưởng bởi sự biến động giá cổ phiếu ngắn hạn.

Anh Hotaka cho biết, anh đầu tư rất nhiều vào chứng khoán Mỹ có tỷ suất lợi nhuận cao và tăng trưởng cổ tức. Kênh đầu tư này giúp anh thu về trung bình khoảng 200.000 Yen (khoảng 41 triệu đồng) mỗi tháng sau thuế từ thời điểm anh chính thức nghỉ việc vào năm 2019. Anh cho biết, tài sản của anh kể từ đó đã lên đến 100 triệu Yen (khoảng 20 tỷ đồng).

Thêm vào đó, anh còn có nguồn thu từ việc bán sách và quảng cáo trên trang blog cá nhân. Hiện anh đang tận hưởng một cuộc sống khá thoải mái, an nhàn.

Tuy nhiên, anh Hokata chia sẻ, để có thể nghỉ hưu sớm, mỗi người cần phải dựa vào chiến lược tài chính cá nhân và tập trung làm việc để có được nền tảng tài chính trong thời gian ngắn.

Với cá nhân Hokata, anh đã tiết kiệm được khoảng 80% thu nhập của mình và cắt giảm đáng kể chi phí khi chuẩn bị cho FIRE. Anh có thói quen tiêu dùng tiết kiệm, tránh mua các sản phẩm từ các cửa hàng tiện lợi do giá thường cao hơn siêu thị và hình thành thói quen thường xuyên mang theo phích nước để tiết kiệm việc mua nước bên ngoài.

Theo nhiều người Nhật Bản, chọn sống theo trào lưu FIRE giúp họ trút bỏ được gánh nặng về sự phụ thuộc vào công việc. Mùa Thu năm ngoái, anh Okeydon rời công ty mà anh đã làm việc 25 năm sau khi tích lũy được khoảng 100 triệu Yen (khoảng 20 tỷ đồng).

Hiện đang sống cùng cha mẹ ở vùng Kansai, anh Okeydon cho biết, anh kiếm được trung bình khoảng 350.000 Yen/tháng (khoảng 72 triệu đồng), trong đó 100.000 Yen từ cổ tức và phần còn lại từ việc viết bài trên blog, tiền bản quyền từ cuốn sách về FIRE.

“Vào cuối những năm 30 tuổi, công ty của tôi áp dụng hệ thống tính tuổi nghỉ hưu có thể cắt giảm 20% lương của tôi ở tuổi 55. Ngoài ra, giờ làm việc thường xuyên cũng bị kéo dài. Những điều này dần ảnh hưởng đến động lực làm việc của tôi, trong khi tôi nhận ra rằng, đầu tư vào cổ phiếu có thể sẽ mang lại nhiều tiền hơn là hy vọng tăng lương”, anh Okeydon nói.

Anh Okeydon cho biết, anh đã mua cổ phiếu từ năm 25 tuổi và kể từ đó đã đầu tư vào nhiều loại cổ phiếu, từ cổ phiếu tăng trưởng cho đến cổ phiếu vốn hóa nhỏ và lớn.

Anh Okeydon nói rằng, anh ấy biết đến phong trào FIRE khi 39 tuổi và bắt đầu mua cổ phiếu nước ngoài sau đợt tăng giá của thị trường chứng khoán Mỹ. Hiện anh đang đầu tư vào cổ phiếu của 17 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, tập trung vào các cổ phiếu tăng trưởng cho cổ tức và lợi suất cao ở Nhật Bản và Mỹ.

Đáng chú ý, việc từ bỏ công việc hành chính cho phép anh có thêm thời gian chăm sóc cha già và chú ý hơn đến các nhu cầu trong gia đình.

“Những người làm công ăn lương không thể phụ thuộc vào công ty, đặc biệt là khi gần đến tuổi nghỉ hưu. Có lẽ đó là điều đang thúc đẩy nhiều người Nhật Bản hướng tới FIRE”.

Rủi ro từ lối sống tự lập tài chính

Ông Shunsuke Yamazaki, một chuyên gia lập kế hoạch tài chính, người thường xuyên viết về phong trào FIRE ở Nhật Bản, cho rằng, nguyên nhân phát triển trào lưu này đến từ nỗi sợ lâm vào cảnh nghèo khó của giới trẻ Nhật Bản khi công việc làm cố định biến mất và việc tăng tiền lương bị hạn chế.

Một báo cáo năm 2019 được trích dẫn bởi Cơ quan Dịch vụ Tài chính Nhật Bản ước tính, một cặp vợ chồng nếu sống đến năm 95 tuổi thì 30 năm sau khi nghỉ hưu sẽ cần ít nhất 20 triệu Yen (khoảng 4,1 tỷ đồng) từ tiền trợ cấp.

Một cuốn sách về lối sống FIRE được xuất bản tại Nhật Bản. (Nguồn: Japan Times)

Mặc dù chính phủ Nhật Bản sau đó đã rút lại báo cáo này, nhưng ông Yamazaki nhận định, đây là lời cảnh tỉnh cho công chúng và một lời nhắc nhở, mỗi cá nhân cần phải tỉnh táo và chủ động hơn trong việc đảm bảo quỹ hưu trí đầy đủ.

Tuy nhiên, để sống theo trào lưu FIRE không đơn giản và trào lưu này không dành cho tất cả mọi người.

Việc đạt được sự độc lập về tài chính cũng sẽ đòi hỏi một khoản thu nhập đủ lớn để trang trải các chi phí thường xuyên trong khi tiết kiệm và luôn có khả năng xảy ra những biến cố bất ngờ như các vấn đề sức khỏe, thay đổi công việc, các kế hoạch... bị chệch hướng.

Giáo sư Yuki Honda đến từ Đại học Tokyo và là một chuyên gia về thị trường lao động trẻ cho biết: “Tôi hiểu sự hấp dẫn của việc không phải lo lắng về công việc và tài chính, nhưng tôi không nghĩ đó là một lối sống mà nhiều người có thể áp dụng. Tiền lương không tăng và nhiều lao động trẻ đang phải vật lộn để kiếm sống. Cần có một lượng kiến ​​thức tương đối về thị trường tài chính để thực hành mang lại kết quả".

Ngoài ra, vẫn có những lo lắng về sự sụp đổ của thị trường chứng khoán. Anh Hotaka cho biết, danh mục đầu tư của anh đã bị ảnh hưởng đáng kể khi thị trường chứng khoán sụt giảm vào năm ngoái do hoạt động bán hàng hoảng loạn vì đại dịch, nhưng anh đã nhanh chóng bù đắp khoản lỗ của mình bằng cách đầu tư chủ yếu vào chứng khoán Mỹ trong thời kỳ suy thoái.

“Có thời điểm, khoảng 90% tài sản của tôi đến từ đầu tư, nhưng tôi đã cắt giảm tỷ lệ đó để chuẩn bị cho những biến cố bất ngờ. Tôi đã học được rất nhiều điều bằng cách tuân thủ lối sống FIRE. Tôi chắc chắn rằng, mình sẽ có thể kiếm sống bằng cách nào đó”, anh Hotaka nói.

(theo Japan Times)