Số liệu của Bloomberg cho thấy, tổng nợ toàn cầu đã vượt qua con số 200 nghìn tỷ USD, tăng từ mức 140 nghìn tỷ USD năm 2007 trước khi Lehman Brothers sụp đổ. Trong đó, nợ xấu hiện đã chạm gần mốc 3.000 tỷ USD.
Bước tiếp trên vết xe của Lehman, số lượng trái phiếu lãi suất cao được phát hành bởi các doanh nghiệp đến từ châu Âu và Mỹ đã đạt 1.900 tỷ USD – nhiều hơn gấp đôi so với 8 năm trước.
Tổng nợ toàn cầu đã vượt qua con số 200 nghìn tỷ USD. (Nguồn: Vinabrand) |
Sau khi Lehman phá sản, nhà đầu tư chuyển hướng đổ tiền vào châu Á và đặc biệt là Trung Quốc. Theo Bank for International Settlements, tổng nợ tư nhân tại các nền kinh tế mới nổi đã tăng từ 75% GDP lên 125%, đặc biệt tại Trung Quốc, con số này đã gấp đôi nền kinh tế thứ 2 thế giới này. Nợ của Trung Quốc đã tăng gấp 3 so với 8 năm trước, tăng từ 10.000 tỷ USD lên tới gần 30.000 tỷ USD.
Trong những năm 1980, chiến lược vay nợ nhiều để tăng tài sản khá hiệu quả, đã làm xuất hiện một thế hệ nhà đầu tư sẵn sàng vay nợ, chấp nhận rủi ro để đầu tư sinh lời. Thậm chí năm 2001, sau cách mạng dotcom và vụ khủng bố ngày 11/9 ở New York, Tổng thống Mỹ George Bush đã kêu gọi người tiêu dùng Mỹ mở rộng hầu bao đi mua sắm, đến các khu giải trí, nhà hàng… giúp nền kinh tế phục hồi nhanh hơn. Với nền kinh tế chiếm đến 70% tiêu dùng, chính sách của ông Bush lúc đó đã đem lại những kết quả tốt đẹp cho cả các nhà đầu tư và nền kinh tế.
Tuy nhiên, ngày nay người tiêu dùng đã không còn sẵn sàng tiêu tiền nhiều như trước. Các nhà quản lý quỹ cũng không còn quá mặn mà với các loại giấy tờ ghi nợ.