📞

APEC bàn về việc “Làm sao để mọi người dân đều được hưởng lợi?”

16:07 | 02/03/2017
Sáng 2/3, trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ nhất các quan chức cao cấp APEC 2017 (SOM 1) tại thành phố Nha Trang, Khánh Hòa, đã diễn ra hoạt động chính thức đầu tiên của các quan chức cao cấp APEC 2017.

Hội  nghị đã thu hút sự quan tâm tham dự của hơn 170 đại biểu là các quan chức cao cấp từ 21 nền kinh tế thành viên APEC, đại diện Hội đồng hợp tác kinh tế Thái Bình Dương (PECC) và Hội đồng tư vấn doanh nghiệp APEC (ABAC).

Trong buổi làm việc đầu tiên, các quan chức cao cấp đã thông qua chương trình nghị sự của Hội nghị, sau đó Chủ tịch SOM APEC 2017, Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã thông báo về các ưu tiên về năm APEC 2017, cụ thể là, Thúc đẩy tăng trưởng bền vững, sáng tạo, bao trùm; Đẩy mạnh hội nhập liên kết kinh tế khu vực; Thúc đẩy sức cạnh tranh của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa; Đảm bảo an ninh lương thực và thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu. Đây là 4 ưu tiên mà Việt Nam đã đề xuất tại APEC năm nay.

Dấu hỏi về toàn cầu hóa và tự do hóa thương mại

Theo thông tin từ Ban Thư ký Quốc gia APEC 2017, nhiều nền kinh tế thực sự quan tâm đến các nội dung do Việt Nam đưa ra về cải cách kinh tế, thúc đẩy hợp tác trong hỗ trợ doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa. Đã có tới 17 đoàn tham gia, đóng góp ý kiến (17/21 nền kinh tế) về các vấn đề. Nhiều đại biểu hoan nghênh sáng kiến của Việt Nam liên quan đến việc tăng cường hợp tác trong lĩnh vực phát triển nguồn nhân lực. Vấn đề quan trọng này sẽ tiếp tục được thảo luận trong buổi chiều ngày 2/3.  

Chủ tịch SOM APEC 2017, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu tại Hội nghị  SOM 1, ngày 2/3. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Thảo luận cuối cùng trong phiên họp sáng nay là làm sao để đẩy mạnh được tính bao trùm của tăng trưởng. Đây là ưu tiên đầu tiên của Việt Nam và cũng là quan tâm chung của các nền kinh tế. Làm sao để mọi người dân, tầng lớp, doanh nghiệp có thể được hưởng lợi đầy đủ nhất và nhiều nhất từ toàn cầu hóa, tiến trình tăng trưởng và liên kết kinh tế khu vực. Nội dung này sẽ còn tiếp tục được đề cập và thảo luận trong các phiên tiếp theo.

Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch SOM APEC 2017 nhấn mạnh, 2017 sẽ là một năm thách thức đối với các nền kinh tế, do tăng trưởng kinh tế và thương mại toàn cầu còn thấp và đối mặt nhiều bất ổn. Ở nhiều nền kinh tế, đã có ý kiến lo ngại về việc lợi ích của toàn cầu hoá không được phân bổ một cách công bằng đến mọi người. Trong khi đó, nền tảng công nghệ, nếu không sử dụng đúng đắn, có thể sẽ làm gia tăng hơn nữa khoảng cách phát triển.

Trong tình hình đó, APEC – với vai trò tiên phong trong liên kết toàn cầu, thúc đẩy tự do hóa thương mại và đầu tư,  Chủ tịch SOM APEC 2017 khẳng định Diễn đàn APEC có đủ nguồn lực, khả năng để vượt qua khó khăn, đồng thời biến thách thức thành động lực cho tăng trưởng và phát triển.

Bình luận về khả năng này, TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, thành viên Ban Thư ký APEC 2017 cho biết, trong bối cảnh hiện nay có rất nhiều hoài nghi, lo ngại về tiến trình hội nhập ở khu vực cũng như toàn cầu hóa, tự do hóa thương mại và đầu tư. Đây chính là thời điểm mà chúng ta cần phải nỗ lực để khẳng định để có những quyết định hành động theo hai hướng cơ bản.

TS. Võ Trí Thành trả lời phỏng vấn báo chí sau phiên họp sáng ngày 2/3. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Thứ nhất, tiếp tục hội nhập tự do hóa thương mại, đầu tư vốn đã đem lại rất nhiều thành tựu cho sự phát triển của APEC. Nhưng mặt khác, chúng ta cũng phải tính đến hoàn cảnh mới, điều kiện mới đặt ra yêu cầu về một cách hội nhập, toàn cầu hóa thông minh hơn, thích hợp hơn để ít nhất thể đáp ứng được 3 vấn đề lớn sau đây:

Thứ nhất, đáp ứng các vấn đề về xã hội, những vấn đề về phát triển không đồng đều, bất bình đẳng, bởi bản thân toàn cầu hóa đã không giải quyết được các vấn đề đó. Cho nên, chúng ta cần tính đến những công cụ và chính sách khác nữa.

Thứ hai, thế giới đang trong tiến trình thay đổi lớn, trong đó có thể kể đến cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, mà chi phí chuyển đổi có thể rất lớn. Vì vậy, một cách ứng xử mới về chính sách là một đòi hỏi rất nghiêm túc hiện nay.

Tóm lại, chúng ta cần phải nỗ lực tiếp tục con đường hội nhập, tự do hóa thương mại đầu tư vào dịch vụ, nhưng với cách thức thông minh hơn, khôn khéo hơn để đem lại lợi ích chung, chia sẻ cho từng nền kinh tế và từng khu vực. 

Tạo sự cộng hưởng trong hợp tác tài chính và kinh tế

Một trong những nội dung quan trọng trong phiên họp SOM 1 đầu tiên là trọng tâm của hợp tác tài chính và kinh  tế. Trong vai trò chủ trì Hội nghị Thứ trưởng Tài chính và Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương APEC ngày 23 - 24/2/2017 tại thành phố Nha Trang và cuộc họp Hội đồng tư vấn kinh doanh APEC (ABAC) lần thứ nhất năm 2017 ngày 19/02/2017 tại Bangkok, Thái Lan, Việt Nam đã thông báo kết quả các cuộc họp và ưu tiên hợp tác của tiến trình tài chính và doanh nghiệp trong năm 2017. Các bài trình bày đều nhấn mạnh sự bổ trợ của các nội dung là trọng tâm của hợp tác tài chính và doanh nghiệp đối với chủ đề và các ưu tiên của Năm APEC 2017.

Về phía các nền kinh tế, các quan chức cao cấp tham dự Hội nghị đều đánh giá cao và khẳng định sự ủng hộ đối với chủ đề và các ưu tiên Việt Nam đề xuất cho Năm APEC 2017. Các quan chức cao cấp cũng nhấn mạnh tầm quan trọng và sự cần thiết tăng cường tương tác, đối thoại với kênh hợp tác tài chính và doanh nghiệp của APEC.

Các đại diện chụp ảnh lưu niệm sáng ngày 2/3. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Đặc biệt, tiến trình hợp tác tài chính và chương trình nghị sự của Ủy ban Kinh tế APEC có nhiều điểm tương đồng, là trọng tâm của hợp tác APEC hiện nay, như cải cách cơ cấu, đầu tư cơ sở hạ tầng,… Theo đó, trong năm 2017, cần có cơ chế để tạo sự cộng hưởng hơn giữa hai kênh hợp tác tài chính và kinh tế.

Trong khi đó, hợp tác và kiến nghị từ ABAC là hết sức quan trọng để các quan chức cao cấp nắm bắt được những khó khăn, tồn tại của môi trường đầu tư, kinh doanh. Các quan chức cao cấp cũng đánh giá cao mong muốn của cộng đồng doanh nghiệp APEC đóng góp vào việc thúc đẩy tăng trưởng bao trùm, đặc biệt trên những vấn đề thiết thực như giải quyết rào cản phi thuế, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, tăng cường đóng góp của phụ nữ vào kinh tế...

Qua đó, tự do hoá thương mại và đầu tư sẽ không chỉ là nhu cầu của các doanh nghiệp, mà quan trọng hơn là mang lại lợi ích cho từng người dân và thịnh vượng cho toàn xã hội.

(từ Nha Trang, Khánh Hòa)