TIN LIÊN QUAN | |
Môi trường kinh doanh Việt Nam hướng tới chuẩn mực hàng đầu APEC | |
Khai mạc Hội nghị tổng kết các quan chức cao cấp của APEC 2017 |
Thông báo với giới truyền thông, Chủ tịch SOM APEC Bùi Thanh Sơn cho biết, Hội nghị các Quan chức Cao cấp APEC 2017 - sự kiện mở màn cho hàng loạt sự kiện được tổ chức trong khuôn khổ Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 tại thành phố Đà Nẵng đã thành công tốt đẹp.
Hội nghị CSOM diễn ra trong hai ngày 6-7/11, có sự tham dự của 21 Trưởng SOM APEC cùng gần 200 đại biểu, bao gồm đại diện các nền kinh tế thành viên, Giám đốc điều hành Ban Thư ký APEC, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Hội đồng hợp tác kinh tế Thái Bình Dương (PECC), Hội đồng Tư vấn kinh doanh APEC (ABAC)…
Chủ tịch SOM APEC 2017, Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn chủ trì Họp báo kết thúc Hội nghị các Quan chức Cao cấp APEC 2017 (CSOM). (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Thông báo các kết quả chính của Hội nghị CSOM, Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, trong 2 ngày làm việc, Hội nghị CSOM đã tổng kết toàn bộ hoạt động của hơn 50 Ủy ban, các nhóm công tác triển khai chủ đề “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung” và 4 ưu tiên hợp tác mà Việt Nam đề xuất. Theo đó, Hội nghị đã thông qua báo cáo tổng kết hoạt động của 4 Ủy ban APEC là Thương mại và Đầu tư, Kinh tế, Hợp tác Kinh tế - Kỹ thuật, Ngân sách. Các báo cáo cho thấy sự phát triển tích cực của các nước thành viên trong việc triển khai thực hiện các kế hoạch, chương trình hành động chung APEC, nổi bật trong lĩnh vực phát triển nhân lực và hợp tác giáo dục…
Thứ hai, Hội nghị đã thảo luận về nỗ lực duy trì thương mại tự do và thuận lợi hóa đầu tư. Việc ủng hộ hệ thống thương mại đa phương được nhiều đại biểu đề cập. Các quan chức cao cấp đã thông qua lộ trình về kinh tế mạng, kinh tế số để báo cáo lên các Bộ trưởng APEC. Các nền kinh tế thành viên đánh giá cao sáng kiến của Việt Nam về phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới.
Họp báo thu hút sự tham gia của phóng viên Việt Nam và quốc tế. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Thứ ba, Hội nghị đã thông qua Kế hoạch hành động chung của Ủy ban Kinh tế, với tiến trình Các quan chức cao cấp Tài chính, nhất trí duy trì lâu dài cơ quan hỗ trợ chính sách cho APEC. Đây là kết quả quan trọng, phản ánh nỗ lực dài hạn của các thành viên nhằm tăng cường hợp tác các tiến trình của APEC, hướng tới nâng cao hiệu quả hoạt động của APEC trong thời gian tới.
Cuối cùng, Hội nghị nhất trí trình lên Hội nghị Bộ trưởng và Hội nghị Cấp cao các nhà lãnh đạo APEC một số văn kiện mang tính định hướng chiến lược cho sự hợp tác APEC trong những thập niên tới.
Phóng viên tác nghiệp tại Họp báo Hội nghị Tổng kết các quan chức cao cấp APEC. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Tại Hội nghị CSOM, Đoàn Việt Nam đã chủ trì và tham gia đóng góp tích cực vào quá trình điều hành, tham vấn quan điểm và vận động các thành viên ủng hộ cho sự thành công của Hội nghị. Các thành viên đánh giá cao vai trò chủ nhà của Việt Nam trong năm qua, nhất là trong vai trò dẫn dắt và điều phối cũng như đưa ra các sáng kiến thực chất trong hợp tác APEC nhằm hiện thực hóa chủ đề và các ưu tiên hợp tác APEC năm 2017.
Trả lời câu hỏi của phóng viên đến từ Papua New Guinea về những thách thức của một số nền kinh tế kém phát triển hơn trong các thành viên APEC, Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh hợp tác trong APEC rất đa dạng, gồm các nền kinh tế phát triển hàng đầu và những nền kinh tế đang phát triển. Trong bối cảnh đó, cách tiếp cận của Việt Nam là tích cực hội nhập quốc tế, tranh thủ kinh nghiệm quốc tế để phát triển.
Phóng viên quốc tế đặt câu hỏi cho Chủ tịch SOM APEC 2017. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Trả lời câu hỏi được giới truyền thông đặc biệt quan tâm, về tương lai thúc đẩy hợp tác giữa các nền kinh tế APEC trong kỷ nguyên số và các sáng kiến mới thúc đẩy thương mại tự do trong khu vực, Chủ tịch SOM APEC 2017 Bùi Thanh Sơn cho biết, trong bối cảnh thế giới và khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang tiến vào cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, các nền kinh tế APEC ủng hộ mạnh mẽ chủ đề của APEC Việt Nam năm nay: “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung”. Năm nay, sau 9 hội nghị bộ trưởng, 6 hội nghị quan chức cao cấp, Việt Nam đã cùng phối hợp với các nền kinh tế thành viên APEC để đưa ra những sáng kiến dựa trên 4 ưu tiên nêu trên, để tiếp cận với những thuận lợi của Cách mạng công nghiệp 4.0.
Cụ thể, Việt Nam và các nền kinh tế APEC đã thống nhất trong việc tạo thuận lợi thương mại điện tử xuyên biên giới. Đây là vấn đề mà tất cả các thành viên APEC đều quan tâm và muốn đẩy mạnh. Ngoài ra, sáng kiến liên quan đến phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số, đã được các Bộ trưởng nhất trí thông qua bằng văn kiện. Sáng kiến của Việt Nam liên quan đến phát triển bao trùm trong các lĩnh vực tài chính, xã hội cũng đã theo sát xu thế chung của toàn cầu hóa, góp phần vào sự phát triển chung của khu vực và thế giới.
Chủ tịch SOM APEC 2017 cũng khẳng định, tự do thương mại là một vấn đề cốt lõi trong nguyên tắc hợp tác của APEC. Từ năm 1989, tiến trình hợp tác trong APEC đã, đang và tiếp tục thể hiện rõ APEC là cơ chế hàng đầu khu vực về hợp tác và tự do hóa thương mại, đem lại kết quả tích cực cho các nền kinh tế thành viên APEC, chẳng hạn, hàng rào thuế quan đã giảm rất nhiều, trao đổi thương mại tăng nhanh và nhiều lợi ích khác… Cụ thể, ở Việt Nam, quá trình đổi mới trong nước và hội nhập quốc tế đã đưa Việt Nam trở thành một nước thu nhập trung bình, số dân trong mức đói nghèo giảm mạnh… Đó là những lý do để hầu hết các nền kinh tế APEC đều muốn thúc đẩy hợp tác, tự do hóa thương mại và đầu tư, dù trình độ phát triển khác nhau.
APEC vững bước trên con đường cải cách thương mại và đầu tư Sau gần 30 năm thành lập, Diễn đàn APEC đã lớn mạnh, trở thành động lực tăng trưởng kinh tế quan trọng và tiếp tục ... |
Năm APEC Việt Nam 2017: Triển khai ngoại giao đa phương tích cực và chủ động Kể từ khi gia nhập Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) năm 1998, chỉ trong vòng chưa đầy ... |