APEC đang ngày càng có nhiều tiến bộ trong công tác trao quyền cho phụ nữ. (Nguồn: APEC) |
Trong nhiều thập kỷ qua, Tổ chức Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) luôn xây dựng chương trình nghị sự với nền tảng là hội nhập kinh tế khu vực cũng như thúc đẩy yếu tố giới trong công việc. Hiện nay, APEC đã và đang đạt được những tiến bộ trong công tác lồng ghép các vấn đề liên quan đến giới trong khu vực cũng như tạo ra nhiều cơ hội để thúc đẩy hoạt động này.
Mới đây, APEC đã cho xây dựng dự án Phụ nữ và Biểu đồ Kinh tế, trong đó đưa ra 80 chỉ số về vấn đề pháp lý, chính trị, giáo dục, tài chính và khả năng truy cập công nghệ của phụ nữ trong khu vực. Mục tiêu của dự án này là nâng cao nhận thức về địa vị phụ nữ trong xã hội, cũng như giám sát các rào cản gây ảnh hưởng đến việc tham gia hoạt động kinh tế của phụ nữ. Bằng cách cho phép so sánh trực tiếp giữa các nền kinh tế khác nhau, biểu đồ này đã giúp các nhà hoạch định chính sách xác định các nền kinh tế thành công hơn trong một số lĩnh vực nhất định liên quan đến phụ nữ, cũng như khuyến khích các nền kinh tế khác học hỏi.
Chủ tịch Nhóm phụ nữ và kinh tế APEC Emmeline L.Verzosa cho biết: "Việc lồng ghép bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ là trọng tâm trong chương trình nghị sự toàn diện của APEC". Theo bà Verzosa, bản biểu đồ này là một "công cụ cụ thể" để đo lường quá trình tiến bộ của phụ nữ trong hoạt động kinh tế của họ, cũng như biểu thị tiến độ mà các nền kinh tế APEC đang làm được.
"Thực tế, các lãnh đạo APEC nhận ra dự án Phụ nữ và Biểu đồ Kinh tế đang biểu thị sự cam kết cao trong công tác thu thập dữ liệu và sử dụng các công cụ", bà Verzosa lý giải. Theo đó, các biểu đồ này sẽ mang đến một khuôn khổ hành động mà các nền kinh tế APEC cần xây dựng cũng như dựa vào để đưa ra các kế hoạch hành động riêng trong 5 năm tiếp theo. "Với các nhóm công tác cũng như sự hợp tác về chính sách hướng đến triển vọng về giới, chúng tôi hy vọng sẽ thấy được nhiều nữ doanh nhân nâng cao vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu", Chủ tịch Nhóm phụ nữ và kinh tế APEC tuyên bố.
Philippines đang dẫn đầu
Được phát triển bởi Huani Zhu và Carlos Kuriyama (Ban Hỗ trợ Chính sách APEC), dự án này bao gồm 22 bản báo cáo riêng - cho mỗi nền kinh tế thành viên APEC và một bản chung cho toàn thể tổ chức. Tổng hợp dữ liệu của bản thân các nền kinh tế với các thông tin được công bố bởi nhiều tổ chức toàn cầu như Liên hợp quốc, Ngân hàng Thế giới, Tổ chức Lao động Quốc tế, Diễn đàn Kinh tế Thế giới và Tổ chức Y tế Thế giới.
Bằng việc sử dụng các biểu đồ này như một công cụ để đo lường sự tiến bộ, APEC đã tạo ra một mối liên kết rõ ràng giữa thách thức xã hội và cơ hội kinh tế. "Năm ngoái, chương trình nghị sự của APEC đã nhấn mạnh các vấn đề liên quan đến sự cần thiết tăng trưởng toàn diện trong phát triển kinh tế, trong đó bàn thảo các biện pháp thúc đẩy các vấn đề liên quan đến giới, đặc biệt trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa", ông Kuriyama nói.
Chuyên gia Kuriyama đề cập đến Philippines - Chủ tịch APEC năm 2015, nền kinh tế không chỉ hỗ trợ ý tưởng này mà còn đạt kỷ lục trong công tác thu hẹp rào cản giới. Theo Chỉ số của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, Philippines đang dẫn đầu ở châu Á trong công tác thu hẹp khoảng cách giới. Một cuộc khảo sát do Viện Quản lý châu Á (Philippines) cho thấy, phụ nữ đang là chủ sở hữu hoặc quản lý của khoảng 63% doanh nghiệp Philippines.
Đầu năm 2016, dự luật mở rộng quyền lợi thai sản cho phụ nữ trong lĩnh vực tư nhân đã được Thượng viện Philippines thông qua không mấy khó khăn. Dự luật này sẽ tăng thời gian nghỉ thai sản lên 60-100 ngày, bất kể chế độ sinh. Vấn đề này rất đáng được lưu tâm bởi ở Philippines, phụ nữ sinh thường sẽ được hưởng ít lợi ích thai sản hơn sinh mổ. Trong khi chờ đợi dự luật này hoàn tất các giai đoạn trở thành luật, đây vẫn được ca ngợi là thúc đẩy sự chăm sóc sức khỏe toàn diện cho thai phụ.
Vẫn còn những trở ngại
Để hỗ trợ cho công tác nghiên cứu, các báo cáo được sắp xếp thành 5 lĩnh vực chính mà phụ nữ đang gặp trở ngại: Lĩnh vực tiếp cận vốn và tài sản; tiếp cận thị trường; kỹ năng, nâng cao năng lực và sức khỏe; sự lãnh đạo, tiếng nói cũng như là sự đổi mởi và công nghệ. Dựa vào các số liệu trong lịch sử, hệ thống biểu đồ cho thấy, đây là các lĩnh vực tạo ra nhiều thách thức nhất cho các nền kinh tế APEC.
Bà Zhu cho biết: "Các biểu đồ cho thấy các số liệu thống kê thú vị, như 59% phụ nữ ở độ tuổi trên 15 tham gia hoạt động kinh tế từ năm 2008 đến 2013, chỉ 38.5% có tài khoản tiết kiệm và khoản thu tài chính. Điều này có nghĩa là chúng ta cần nỗ lực hơn nữa để nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ tài chính cũng như là tham gia vào thị trường lao động của phụ nữ. Ngoài ra, tỉ lệ phụ nữ tham gia vào hàng ngũ lãnh đạo nhìn chung vẫn thấp. Ví dụ như việc vẫn còn có ít phụ nữ tham gia vào các cấp cao nhất của quá trình ra quyết định chính trị hay các vị trí khác có sức ảnh hưởng đến truyền thông, tư pháp hay học thuật.
Trong đó, thách thức lớn nhất của phụ nữ APEC được chỉ ra là việc tiếp cận với thị trường lao động và có một sự nghiệp lâu dài. Ông Kuriyama chỉ ra rằng, chính những lỗ hổng pháp lý lớn đã hạn chế khả năng phát triển của người phụ nữ. "Chỉ có một nửa hệ thống pháp luật của APEC đảm bảo cho phụ nữ quyền làm những công việc như nam giới. Gần một nửa các nền kinh tế APEC không thể đưa việc chống phân biệt đối xử trong quá trình tuyển dụng trở thành nghĩa vụ theo pháp luật", ông cho biết.
Do đó, dự án này đã chỉ ra các biện pháp cụ thể mà APEC có thể thông qua để cho phép phụ nữ theo đuổi sự nghiệp và đạt được các vị trí lãnh đạo. Chúng sẽ bao gồm cả những biện pháp bảo vệ chế độ thai sản của lao động nữ. Theo ông Kuriyama, 11 nền kinh tế trao cho phụ nữ quyền pháp lý về một "vị trí tương đương" khi trở về làm việc sau kỳ nghỉ thai sản, nhưng chỉ có 7 nền kinh tế thực hiện việc trả thù lao như nhau cho cả nam và nữ là một quyền lợi hợp pháp; Ttrong khi đó, chỉ có 3 nền kinh tế quy định cấm hỏi về tình trạng gia đình khi phỏng vấn tuyển dụng.
Thúc đẩy trao quyền thực tế
Bằng cách tổng hợp số liệu về sự tham gia của phụ nữ trong nền kinh tế, cũng như đưa ra sự so sánh giữa 21 nền kinh tế thành viên, APEC đang tạo ra cơ hội tham chiếu mạnh mẽ, có thể thông báo những chính sách, khuyến khích tranh luận và theo dõi tiến độ cho hoạt động thúc đẩy bình đẳng giới trong khu vực.
"Nó cho phép mỗi nền kinh tế so sánh tình trạng của mình với các nền kinh tế láng giềng", bà Verzosa cho biết. Và, sau đó các nhà lãnh đạo sẽ sử dụng những kết quả so sánh này để thực hiện những chính sách, hành động hiệu quả. Hệ thống biểu đồ của Dự án cung cấp các dữ liệu cần thiết để các nhà hoạch định chính sách đề xuất và đưa ra những dẫn chứng thuyết phục cho sự thay đổi.
Khi lợi ích của dự án này lan tỏa trên toàn khu vực, ông Kuriyama tin rằng, nó sẽ trở nên toàn diện hơn và dần trở lên hữu ích hơn. "Bên cạnh việc thúc đẩy hành động, các biểu đồ này hoạt động như một chất xúc tác cho việc thu thập dữ liệu", ông nói. Theo đó, với những dữ liệu tốt hơn, các chuyên gia có thể có cái nhìn toàn diện hơn về hoạt động kinh tế của phụ nữ trong tất cả các nền kinh tế APEC, cũng như sẽ giúp các nhà hoạch định chính sách tìm cách xây dựng một xã hội toàn diện hơn.