📞

APEC: Thực hiện mục tiêu Bogor và hướng tới tương lai

17:24 | 18/05/2017
Hội nghị lần thứ hai các quan chức cao cấp APEC (SOM 2) đã kết thúc tốt đẹp, đánh dấu nửa chặng đường của Năm APEC 2017 và góp phần vào thành công chung của năm đặc biệt này. 

Tại buổi họp báo kết thúc SOM 2 do Chủ tịch Hội nghị các quan chức cao cấp APEC 2017, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn chủ trì, các đại biểu đã chia sẻ nhiều kết quả của Hội nghị cũng như nhận định về các vấn đề trong APEC.

Phải hiểu rõ về toàn cầu hóa

Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc APEC đã điều chỉnh chương trình nghị sự như thế nào để phù hợp với xu hướng suy giảm toàn cầu hóa, ông Alan Bollard, Giám đốc điều hành Ban Thư ký APEC quốc tế cho biết Ban Thư ký đã có một số ý kiến từ các nhà lãnh đạo của APEC từ cuộc họp ở Lima năm ngoái.

Ông Alan Bollard, Giám đốc điều hành Ban Thư ký APEC quốc tế. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Theo đó, các thành viên APEC buộc phải hiểu về thế giới một cách tốt hơn, rõ ràng hơn và tập trung vào ảnh hưởng thực tế của toàn cầu hoá. APEC là một tổ chức mang yếu tố tự nguyện và đồng thuận, là một sân chơi dễ dàng hơn cho tất cả các nền kinh tế thành viên, phục vụ mục tiêu chung là hội nhập kinh tế quốc tế. APEC cũng là nơi thử nghiệm các ý tưởng mới, chú trọng đến tầm ảnh hưởng, tác động của các sáng kiến đến đến các bộ phận của lực lượng lao động. Hiện nay các nền kinh tế thành viên APEC vẫn đang gặp phải nhiều áp lực trong những hoạt động ở khu vực chế biến; giải quyết các vấn đề thương mại, dịch vụ, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, thương mại điện tử và các vấn đề mang tính thế hệ cũ – mới.

Ông Alan Bollard đánh giá cao đóng góp của nước chủ nhà Việt Nam trong SOM 2. Theo ông, năm nay không phải là một năm diễn ra dễ dàng và thông suốt đối với APEC. Các nền kinh tế APEC phải đối phó với hiện thực về toàn cầu hoá. Việt Nam đã góp phần rất nhiều để cải thiện các vấn đề trong lĩnh vực này. “Trong cuộc họp SOM 1 tại Nha Trang, Ban Thư ký APEC quốc tế đã hiểu về những ưu tiên và sáng kiến của Việt Nam. Tại cuộc họp lần này, chúng tôi cũng nhận được đóng góp của các nền kinh tế khác. Việt Nam đã hỗ trợ chúng tôi trong việc định hướng các nội dung hoạt động diễn ra trong năm nay”, ông Alan Bollard nói.

Liên quan tới các rào cản đối với hoạt động thương mại trong APEC, ông Eduardo Pedrosa, Tổng Thư ký Hội đồng Hợp tác Kinh tế Thái Bình Dương (PECC), nhấn mạnh đây là lúc phải hiểu được lợi ích của toàn cầu hóa mang lại. Việt Nam là một minh chứng, các nền kinh tế đều thấy được nỗ lực của Việt Nam hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu và đạt được nhiều thành quả phát triển so với 10 năm trước.

Ông Eduardo Pedrosa cho biết thông tin từ cựu Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) rằng hiện nay những hàng rào thuế quan đã giảm rất nhiều. APEC chính là kênh giúp định hướng chính sách. Theo ông Pedrosa, những rào cản hiện nay đối với các nền kinh tế là rào cản phi thuế quan như quy chuẩn an toàn thực phẩm, đây là những vấn đề cần phải đàm phán. Tuy nhiên, APEC không phải là nơi đàm phán mà là khuôn khổ để thảo luận. “Chính vì vậy, chúng ta đã cùng thảo luận tích cực về những rào cản khiến chúng ta không được lợi ích như mong muốn từ toàn cầu hóa và về khoảng cách chênh lệch phát triển. Những điều chúng ta làm là nỗ lực tạo điều kiện để tất cả nền kinh tế thành viên tham gia vào hoạt động thương mại”, ông Pedrosa nói.

Thương mại điện tử hiện tại đang rất phát triển, không chỉ ở các nền kinh tế phát triển mà ở cả các nền kinh tế đang phát triển. Ông Eduardo Pedrosa nhận thấy giá cả hàng hóa ở những kênh buôn bán điện tử của Việt Nam thấp hơn nhiều ở Singapore, đây là một cơ hội và lợi thế. Song xu hướng này cũng có những thách thức như vòng đời công nghệ ngày càng ngắn. Những vấn đề được nêu ra sẽ nằm trong chương trình nghị sự sắp tới, đảm bảo thời đại số diễn ra thông suốt.

Sáng kiến của Việt Nam

Chia sẻ tại buổi họp báo về Đối thoại nhiều bên về APEC hướng tới 2020 và tương lai, Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn cho biết đây là sáng kiến của Việt Nam để triển khai kết luận của lãnh đạo cấp cao các nền kinh tế thành viên APEC tại Peru năm 2016. Chủ nhà Việt Nam đã đề xuất ý tưởng này và mong muốn phối hợp với các đối tác ở PECC cùng tổ chức. Đối thoại được các nền kinh tế thành viên APEC đồng tình ủng hộ, thu hút gần 350 đại biểu tham dự.

Chủ tịch Hội nghị các quan chức cao cấp APEC 2017, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Nội dung thảo luận tại Đối thoại được đưa ra đúng lúc, thể hiện qua các phát biểu trong cuộc Đối thoại, đặc biệt là trong cuộc trao đổi tại Hội nghị SOM2. Tất cả các nền kinh tế thành viên APEC đều tham gia phát biểu về các vấn đề được bàn thảo tại Đối thoại nhiều bên về APEC hướng tới 2020 và tương lai. Các đại biểu cho rằng sáng kiến của Việt Nam lần này góp phần vào việc tới đây APEC cần phải xây dựng một định hình tương lai của mình, không chỉ đến 2020 (khi thực hiện xong Mục tiêu Bogor) mà còn hướng tới tương lai xa hơn. APEC cần tiếp tục duy trì vai trò diễn đàn của mình, là cơ chế hợp tác, vườn ươm ý tưởng, tăng cường hợp tác, tạo ra khu vực châu Á-Thái Bình Dương hòa bình, năng động, tự cường, bao trùm, gắn kết chặt chẽ, tiếp tục là động lực tăng trưởng khu vực và thậm chí trên toàn cầu.

Theo Thứ trưởng, những kết quả của Đối thoại, đặc biệt là phát biểu của Chủ tịch nước Trần Đại Quang cũng như của các bên, không chỉ quan chức mà cả học giả, doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế và khu vực, các tầng lớp xã hội là cơ sở để các quan chức cao cấp tiếp tục thảo luận, định hình và đưa ra những bước triển khai tiếp theo nhằm xây dựng tầm nhìn APEC 2020, cũng như tìm ra biện pháp đẩy nhanh thực hiện mục tiêu Bogor từ nay đến 2020. Kết quả của Đối thoại là rất khả quan; Việt Nam mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, đóng góp của các nền kinh tế thành viên giúp cho tương lai của APEC trong thời gian tới.

Tận dụng tối đa công nghệ

Đánh giá về công tác chuẩn bị nguồn lực của các doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có nguồn lực con người để phát triển trước những thách thức và cơ hội mới đặt ra trong thời đại kinh tế số, liên kết kinh tế quốc tế ngày một sâu rộng, ông Hoàng Văn Dũng, Chủ tịch Hội đồng tư vấn doanh nghiệp APEC (ABAC) cho rằng, kỹ thuật số là khoa học công nghệ mới giúp các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận thế giới, nâng cao năng suất lao động, đặc biệt là với doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, lực lượng chiếm 97% trong khối doanh nghiệp của Việt Nam.

Ông Hoàng Văn Dũng, Chủ tịch Hội đồng tư vấn doanh nghiệp APEC (ABAC). (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Doanh nghiệp Việt Nam có khoảng cách rất lớn với các doanh nghiệp trong khu vực. Việc tiếp cận khoa học công nghệ sẽ giúp các doanh nghiệp Việt nâng cao năng suất lao động, tiến kịp với các doanh nghiệp trong khu vực. Đây là vấn đề rất quan trọng với các doanh nghiệp Việt. Trên thực tế, trong việc tiếp cận công nghệ thông tin, đặc biệt là công nghệ số, vấn đề xây dựng cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực được coi là then chốt. Tuy nhiên, thời gian qua các doanh nghiệp Việt Nam đã có bước phát triển rất lớn trong lĩnh vực công nghệ, đặc biệt là đối với ngành thương mại điện tử. Đây là điều đáng mừng nhưng hiện còn nhiều vấn đề các doanh nghiệp cần cải tiến để đáp ứng được cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Đánh giá về vai trò và đóng góp của các học giả khu vực đối với việc thúc đẩy hợp tác và liên kết kinh tế giữa các thành viên APEC nói riêng và châu Á-Thái Bình Dương nói chung, ông Trần Việt Thái, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu APEC Việt Nam cho rằng, các học giả trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương trước đây, hiện nay, trong tương lai đang và sẽ tham gia ngày càng sâu rộng vào các cơ chế hợp tác của APEC. Hiện nay, trong khuôn khổ 21 nền kinh tế thành viên APEC có hơn 60 trung tâm nghiên cứu APEC tham gia ở mức độ khác nhau. Các học giả ở các trung tâm này đóng góp ý tưởng, tư vấn cho doanh nghiệp, chính phủ trong quá trình thúc đẩy hợp tác theo khuôn khổ APEC cũng như theo khuôn khổ giữa APEC và các đối tác. Các trung tâm nghiên cứu APEC cũng đóng vai trò quảng bá APEC. Họ chính là lực lượng tiên phong trong việc giúp APEC gần gũi hơn với người dân, để thấy được tính bao trùm, sự phát triển của APEC đem lại lợi ích trong tiến trình hợp tác và phát triển của khu vực.