📞

APEC Việt Nam 2017: Khẳng định vị thế đối ngoại Việt Nam

13:41 | 31/12/2017
Từ 6-11/11/2017, tại Đà Nẵng đã diễn ra Tuần lễ cấp cao APEC. Đây là hoạt động cuối cùng và quan trọng nhất trong năm APEC Việt Nam 2017. 

Với hơn 10.000 đại biểu, gần 3.000 phóng viên và khoảng 4.000 doanh nghiệp tham gia, đây là sự kiện có quy mô lớn nhất của APEC với sự tham dự đông đủ của các nhà lãnh đạo kinh tế APEC. Năm APEC Việt Nam 2017 còn đặc biệt thành công về phương diện nội dung với 08 văn kiện, trong đó có 02 tuyên bố quan trọng là Tuyên bố chung của Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao – Kinh tế APEC 2017 và Tuyên bố Đà Nẵng của lãnh đạo cấp cao APEC. Các văn kiện này đã phản ánh được lợi ích của tất cả các bên, thể hiện đầy đủ các mục tiêu, ưu tiên và dấu ấn rõ nét của chủ nhà Việt Nam (VN). Thành công này khẳng định bản lĩnh, vị thế đối ngoại VN ngày càng cao, nhất là trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực có nhiều diễn biến phức tạp.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang cùng các nhà lãnh đạo các nền kinh tế APEC tại Tuần lễ Cấp cao APEC 2017. (Ảnh: Tuấn Anh)

Bối cảnh mới, yêu cầu mới

Năm 2017, khi VN đảm nhận cương vị chủ nhà APEC, tình hình thế giới và khu vực có nhiều diễn biến mới rất đáng chú ý.

Một là, sự nổi lên mạnh mẽ của chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch và xu hướng chống toàn cầu hóa ở nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt là tại Mỹ. Sự cọ xát mạnh mẽ giữa nhu cầu thúc đẩy thương mại tự do và liên kết kinh tế với xu hướng chống toàn cầu hóa và chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch đã tác động mạnh tới APEC 2017 tại Việt Nam.

Hai là, thế giới đang bước vào thời đại công nghệ số với nhiều đặc trưng mới. Kinh tế mạng, kinh tế số, kinh tế chuỗi và công nghệ số đang làm thay đổi sâu sắc nền tảng của kinh tế thế giới. Điều này đặt ra những vấn đề mới mà VN phải xử lý như vấn đề thúc đẩy tăng trưởng bao trùm trong thời kỳ toàn cầu hóa, vấn đề lao động, việc làm trong kỷ nguyên số, thương mại điện tử xuyên biên giới…

Ba là, xu thế cải cách, sáng tạo, gắn với phát triển bền vững, bao trùm và ứng phó tốt hơn với các thách thức toàn cầu đang được thúc đẩy mạnh mẽ. Các nền kinh tế thành viên APEC đều có nhu cầu tái cơ cấu, hiện đại hóa nền kinh tế, đồng thời đổi mới tư duy về quản lý và quản trị toàn cầu.

Bốn là, hợp tác, liên kết kinh tế để phát triển ngày càng sâu rộng hơn. Nhiều thỏa thuận toàn cầu về phát triển bền vững, gắn với ứng phó tốt hơn các vấn đề môi trường, mất cân bằng sinh thái đã ra đời như các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc (SDGs), các thỏa thuận về biến đổi khí hậu trong khuôn khổ COP 21-23… Tương quan so sánh lực lượng trên thế giới đang thay đổi sâu sắc với sự nổi lên của Trung Quốc và Ấn Độ.

Trọng tâm đối ngoại của Việt Nam trong thế kỷ 21

Châu Á – Thái Bình Dương là khu vực phát triển năng động và trở thành một trung tâm quyền lực mới của thế giới. Với mật độ dân số đông, chiếm tới 39% dân số thế giới, đóng góp 57% GDP toàn cầu và chiếm tới 49% thương mại toàn cầu, đây là khu vực đặc biệt đa dạng, nơi hội tụ của nhiều nền kinh tế hàng đầu thế giới, tập trung hầu hết các đối tác quan trọng của VN.

Thực tiễn đối ngoại của Việt Nam trong hai thập niên đầu thế kỷ 21 đã cho thấy châu Á – Thái Bình Dương là trọng tâm trong chính sách đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa, tích cực, chủ động hội nhập quốc tế của VN. Châu Á – Thái Bình Dương cũng là cái nôi của nhiều cơ chế hợp tác khu vực, tiểu khu vực và liên khu vực. Từ sau chiến tranh Lạnh đến nay, hàng loạt cơ chế, diễn đàn hợp tác đã ra đời trên nhiều lĩnh vực, nhiều tầng nấc khác nhau nhằm đáp ứng nhu cầu hợp tác ngày càng gia tăng giữa các nước trong và ngoài khu vực. Bên cạnh đó, châu Á – Thái Bình Dương cũng là nơi tiềm ẩn nhiều nguy cơ, thách thức, kể cả những thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống.

Khẳng định vị thế đối ngoại Việt Nam

Tại Đà Nẵng, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí có những lúc các hội nghị cấp Bộ trưởng và cấp cao trong khuôn khổ Tuần lễ cấp cao APEC 2017 tưởng chừng rơi vào bế tắc, nhưng cuối cùng tất cả các sự kiện trong Tuần lễ cấp cao đều đã thành công tốt đẹp. Vị thế đối ngoại, bản lĩnh VN đã được khẳng định rõ nét tại Đà Nẵng. Tuyên bố Đà Nẵng của Lãnh đạo các nền kinh tế 21 thành viên APEC và tuyên bố chung của Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao – Kinh tế APEC 2017 đã khẳng định điều này và được thể hiện ở 7 nội dung chính:

Một là, lần đầu tiên APEC đã thông qua Chương trình hành động APEC về thúc đẩy phát triển bao trùm trên cả ba lĩnh vực là kinh tế, tài chính và xã hội nhằm khẳng định quyết tâm của các nền kinh tế thành viên hướng tới xây dựng cộng đồng APEC phát triển bao trùm và bền vững, nhất là trong thế giới toàn cầu hóa hiện nay.

Hai là, để tạo động lực mới cho liên kết kinh tế khu vực, các nền kinh tế thành viên APEC cam kết thúc đẩy thương mại, đầu tư mở và tự do, cam kết đạt được các mục tiêu Bogor, nhất trí đẩy nhanh nỗ lực xử lý các rào cản thương mại và đầu tư không phù hợp với WTO và có các hành động cụ thể nhằm hoàn thành các mục tiêu Bogor vào năm 2020; cam kết cùng hành động hơn nữa để thúc đẩy môi trường thuận lợi cho đầu tư trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương… Các nhà lãnh đạo các nền kinh tế APEC đã đưa ra những thông điệp mạnh mẽ để ủng hộ một hệ thống thương mại đa biên dựa trên quy tắc, tự do, công bằng, mở, minh bạch và bao trùm.

Ba là, để cùng vun đắp tương lai chung, theo sáng kiến của Việt Nam, APEC đã thành lập Nhóm Tầm nhìn APEC nhằm hỗ trợ các quan chức cấp cao (SOM) trong việc xây dựng Tầm nhìn sau 2020.

Bốn là, nhằm tạo động lực mới cho thương mại tự do, tăng trưởng bền vững và bao trùm, các nhà lãnh đạo APEC đã trao đổi sâu rộng về các biện pháp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và sáng tạo của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs). APEC đã thông qua Chiến lược APEC về MSMEs xanh, bền vững và sáng tạo.

Năm là, APEC cũng cam kết tăng cường quản lý bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên và thông qua Kế hoạch hành động nhiều năm về biến đổi khí hậu và an ninh lương thực giai đoạn 2018 – 2020, khẳng định vai trò then chốt của APEC trong việc bảo đảm an ninh lương thực và nông nghiệp…

Sáu là, đàm phán về TPP đã diễn ra rất căng thẳng, kịch tính đến phút chót. Với sự vào cuộc quyết liệt của Nhật Bản, sự phối hợp có trách nhiệm của VN, 11 thành viên còn lại của TPP đã đạt được thỏa thuận và đổi tên TPP thành Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) với những nội dung cốt lõi của CPTPP cơ bản được giữ nguyên từ các nội dung chủ chốt của TPP. Việc đàm phán và thông qua thành công CPTPP có ý nghĩa đáng kể, góp phần tiếp tục thúc đẩy các xu hướng lớn hiện nay về thương mại tự do và phát triển bền vững; cùng chung tay vun đắp tương lai chung cho cả khu vực.

Bảy là, bên lề các hoạt động đa phương, VN đã chủ trì và đón tiếp thành công nhiều đoàn lãnh đạo cấp cao. Nổi bật nhất là chuyến thăm song phương của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, diễn ra ngay sau APEC và sau Đại hội 19 Đảng Cộng sản Trung Quốc; chuyến thăm VN của Tổng thống Mỹ Donald Trump ngay trong năm đầu nhiệm kỳ. Cả hai chuyến thăm này và các chuyến thăm song phương khác, cùng với các hoạt động ngoại giao sôi nổi, hiệu quả bên lề Diễn đàn APEC đã góp phần củng cố quan hệ đối tác của VN với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới.

Dù gặp nhiều khó khăn, nhưng với nỗ lực và quyết tâm cao nhất, VN đã tổ chức rất thành công Tuần lễ cấp cao APEC, tạo được tiếng vang lớn, được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. Vị thế đối ngoại VN trong quan hệ với các nước ở khu vực và trên thế giới, đặc biệt là trong chiến lược của các nước lớn được khẳng định rõ nét. VN đã đạt được cả 5 mục tiêu đề ra, đó là: Triển khai thành công đường lối đối ngoại được thông qua tại Đại hội lần thứ XII, tranh thủ tốt sự ủng hộ và các nguồn lực của APEC để phục vụ Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 – 2020, thông qua APEC củng cố và làm sâu sắc hơn quan hệ với các đối tác chủ chốt, tranh thủ cơ hội ký các thỏa thuận với những đối tác then chốt, thu hút các nguồn lực cho phát triển; góp phần nâng cao vị thế VN trên trường quốc tế, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người VN với bạn bè thế giới; giới thiệu Đà Nẵng với tư cách là một thành phố phát triển năng động, là trung tâm mới của cả khu vực và tạo động lực mới cho việc thúc đẩy sự phát triển cho cả khu vực miền Trung.

TS. Trần Việt Thái

Học viện Ngoại giao