Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Hồng Lan (thứ tư từ trái) tham dự Hội nghị Bộ trưởng Phụ nữ ASEAN lần thứ hai (AMMW) với chủ đề: "Tính đến các kết quả về Bình đẳng giới và tăng cường quyền năng cho phụ nữ trong Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025", ngày 23/10/2015 tại Manila, Philippines. |
Văn kiện Tầm nhìn ASEAN 2020 được thông qua tại Hội nghị Cấp cao ASEAN không chính thức lần thứ hai vào tháng 12/2007, đã đề cập ý tưởng về ASCC nói riêng trong tổng thể Cộng đồng ASEAN nói chung.
Trụ cột hướng tới con người
Là một trong ba trụ cột của Cộng đồng ASEAN, ASCC hướng đến mục tiêu góp phần xây dựng một Cộng đồng ASEAN “cam kết nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân thông qua các hoạt động hợp tác hướng tới con người, xây dựng một cộng đồng ASEAN hướng vào người dân, lấy người dân làm trung tâm và có trách nhiệm xã hội...”.
ASCC tập trung nhiều vào khía cạnh con người, nội dung thiết thực với cuộc sống của toàn thể người dân trong khu vực. Việc đẩy mạnh xây dựng ASCC sẽ thúc đẩy sự gắn kết người dân giữa các quốc gia, khuyến khích người dân tham gia vào tiến trình xây dựng Cộng đồng; đồng thời bổ trợ tích cực cho việc xây dựng hai trụ cột còn lại.
Nhằm thực hiện mục tiêu của Cộng đồng, các nhà lãnh đạo ASEAN đã phê duyệt Kế hoạch tổng thể ASCC giai đoạn 2009–2015 với 40 hợp phần, 339 dòng hành động được triển khai trên sáu lĩnh vực trọng tâm gồm: phát triển con người, phúc lợi và bảo hiểm xã hội; bình đẳng xã hội và các quyền; bảo đảm bền vững về môi trường; xây dựng bản sắc ASEAN và thu hẹp khoảng cách phát triển.
Hoàn thành 99% mục tiêu
Kế hoạch tổng thể ASCC giai đoạn 2009–2015 đã được các nước thực hiện một cách tích cực và có trách nhiệm. Mặc dù có nhiều thách thức liên quan đến việc thực hiện ở cấp khu vực và quốc gia nhưng với nỗ lực chung của ASEAN và các nước thành viên, 99% các dòng hành động đã được giải quyết thông qua việc tiến hành hoạt động của các cơ quan chuyên ngành ASEAN.
Báo cáo đánh giá việc thực hiện Kế hoạch tổng thể ASCC giai đoạn 2009–2015 đã chỉ ra những kết quả phát triển quan trọng của Cộng đồng, góp phần thúc đẩy sự thay đổi xã hội trong khu vực, cụ thể như: hợp tác khu vực tăng cường; giảm đáng kể tình trạng nghèo cùng cực ở một số nước thành viên ASEAN (AMS); cải thiện sức khỏe và giáo dục; gia tăng chất lượng lực lượng lao động đáp ứng nhu cầu lao động khu vực và toàn cầu; phát triển cơ sở hạ tầng và phát triển các phong cách sống tích cực.
Tuy nhiên, đói nghèo, dịch bệnh, thiếu tiếp cận trường học, thảm họa thiên tai, ô nhiễm môi trường vẫn đang là thách thức lớn của Cộng đồng. Do đó, vẫn cần phải làm nhiều việc hơn nữa để bảo đảm lợi ích và kết quả của sự tiến bộ, cần phải tìm các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu trong việc xây dựng một ASEAN bền vững, tự cường.
Việc thực hiện Kế hoạch tổng thể ASCC đến năm 2025 sẽ được triển khai bởi cơ quan chuyên ngành thuộc Cộng đồng trong khi Hội đồng ASCC sẽ chịu trách nhiệm giám sát việc thực hiện, với sự hỗ trợ của Hội nghị các quan chức cấp cao (SOCA) và các cơ quan chuyên ngành. Việc rà soát và đánh giá thực hiện Kế hoạch tổng thể ASCC đến năm 2025 sẽ tận dụng hệ thống giám sát, đánh giá hiện hành, bao gồm hệ thống giám sát và Biểu đánh giá (ASCC scorecard).
Đóng góp của Việt Nam
Trải qua hai thập kỷ gia nhập ASEAN, Việt Nam đã và đang thực hiện đầy đủ, có trách nhiệm nghĩa vụ của mình, góp phần quan trọng vào sự phát triển và thành công của ASEAN. Điều đó được thể hiện ở việc Việt Nam tham gia sâu, rộng và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực hợp tác của ASEAN, trong đó, các hoạt động trong trụ cột ASCC nói chung, trong lĩnh vực lao động và xã hội nói riêng đã đạt thành công đáng kể và hứa hẹn triển vọng tốt đẹp trong tương lai.
Việt Nam đã thúc đẩy xây dựng, hoàn thiện các văn kiện định hướng cho việc thực hiện các mục tiêu của ASCC. Trong năm Chủ tịch ASEAN 2010, Việt Nam đã đưa ra sáng kiến, chủ trì xây dựng và trình lãnh đạo cấp cao ASEAN thông qua hai văn kiện quan trọng của ASCC là Tuyên bố Hà Nội về Phúc lợi và Phát triển cho phụ nữ và trẻ em ASEAN và Tuyên bố của Lãnh đạo cấp cao ASEAN về Phát triển nguồn nhân lực và kỹ năng nghề cho phục hồi kinh tế và phát triển bền vững.
Bên cạnh đó, Việt Nam đã đưa ra sáng kiến và cùng các nước ASEAN nỗ lực xây dựng các Tuyên bố khác như Tuyên bố ASEAN về Tăng cường an sinh xã hội; Tuyên bố Bandar Seri Begawan về Thanh niên tình nguyện và Doanh nhân trẻ; Tuyên bố ASEAN về tăng cường hợp tác trong quản lý thảm họa.
Việt Nam còn tích cực triển khai thực hiện các sáng kiến khu vực và Kế hoạch tổng thể ASCC giai đoạn 2009–2015. Việt Nam được đánh giá là có nhiều cố gắng trong việc lồng ghép thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch tổng thể ASCC giai đoạn 2009–2015 vào chương trình, dự án quốc gia và đã đạt được tiến bộ đáng kể trên các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế, môi trường, khoa học và công nghệ. Năm 2013, Việt Nam không chỉ tham gia tích cực vào nhóm công tác về Đánh giá giữa kỳ việc thực hiện Kế hoạch tổng thể ASCC cấp khu vực mà còn đánh giá thành công việc thực hiện ở cấp quốc gia.
Trong giai đoạn 2014–2015, Việt Nam tham gia tích cực vào nhóm Công tác đặc trách cấp cao của ASCC nhằm thực hiện các khuyến nghị của Báo cáo đánh giá giữa kỳ Kế hoạch tổng thể ASCC giai đoạn 2011–2015, xây dựng Tầm nhìn đến năm 2025 và Kế hoạch tổng thể ASCC đến năm 2025 để trình các nhà lãnh đạo cấp cao ASEAN thông qua.
Nỗ lực của Việt Nam trong việc đảm bảo thực hiện nghĩa vụ thành viên và thúc đẩy hợp tác chuyên ngành thông qua việc tổ chức thành công các sự kiện quan trọng cấp Bộ trưởng thuộc ASCC lần thứ ba vào tháng 4/2010 và lần thứ năm vào tháng 8/2010; Hội nghị Bộ trưởng Thanh niên ASEAN 7 năm 2011; Hội nghị Bộ trưởng Văn hóa và Nghệ thuật ASEAN 6 cùng các sự kiện văn hóa, nghệ thuật liên quan vào tháng 4/2014; Hội nghị Bộ trưởng Y tế ASEAN 12 vào tháng 9/2014; Hội thi tay nghề ASEAN vào tháng 10/2014; Hội nghị Bộ trưởng Môi trường ASEAN 13 vào tháng 10/2015.
Con đường phía trước
Khi Cộng đồng ASEAN hình thành, những cơ hội về lao động và xã hội có thể nhận thấy rõ như việc làm, di chuyển lao động có kỹ năng, thúc đẩy, bảo vệ quyền của nhóm yếu thế và an sinh xã hội. Tuy nhiên, Việt Nam cũng sẽ gặp thách thức do hạn chế về nguồn lực tài chính và nhân sự trong việc thực hiện các hoạt động theo cam kết khu vực về lao động và xã hội, ngay cả đối với những sáng kiến do Việt Nam đề xuất. Ngoài ra, nhận thức của người dân về ASEAN nói chung và về ASCC nói riêng vẫn còn rất thiếu.
Vì vậy, để nâng cao hiệu quả hợp tác ASEAN trong hoạt động của ASCC, thời gian tới, chúng ta cần tăng cường nguồn nhân lực, vật lực nhằm đảm bảo sự tham gia và tiếng nói đồng đều của Việt Nam trong tất cả cơ quan chuyên ngành, các hoạt động theo nghĩa vụ thành viên. Đồng thời tăng cường hoạt động thông tin, truyền thông nhằm nâng cao nhận thức về ASCC nói riêng và về ASEAN nói chung, cần có kế hoạch phân bổ nguồn lực tài chính và kỹ thuật để thực hiện cam kết, sáng kiến của Việt Nam trong ASEAN nhằm nâng cao hơn vai trò của Việt Nam.
Với nỗ lực trong việc thúc đẩy hợp tác ASEAN trên nhiều lĩnh vực như văn hóa, lao động, y tế, thanh niên, môi trường, Việt Nam đã thực sự góp phần gìn giữ hòa bình, ổn định trong khu vực, mang lại lợi ích cho các quốc gia thành viên cũng như việc hình thành Cộng đồng ASEAN.
Đặc biệt, Việt Nam đang xây dựng Đề án Thực hiện các mục tiêu của ASCC đến năm 2025, trong đó, các bộ, ngành liên quan sẽ tích cực rà soát và chủ động lồng ghép các hoạt động được đề ra trong Kế hoạch tổng thể của ASCC đến năm 2025 vào chương trình, chiến lược của mình nhằm kết nối chặt chẽ việc thực hiện ở cấp khu vực với nỗ lực của cấp quốc gia trong giai đoạn 2016–2025. |