📞

ASEAN 2020: Không có Ấn Độ, tiến trình đàm phán RCEP có thể thuận lợi hơn

14:44 | 26/07/2020
TGVN. Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc đến nay chưa có bất kỳ hiệp định thương mại tự do (FTA) nào nên RCEP sẽ giúp tạo ra quan hệ kinh tế-thương mại mới.
Khi Ấn Độ rút khỏi bàn đàm phán RCEP, ưu điểm của hiệp định này trong việc tạo ra khu vực thương mại tự do lớn sẽ mờ nhạt hơn.

Đây là nhận định của Giáo sư Ryo Ikebe, một chuyên gia về thương mại quốc tế của Đại học Senshu (Nhật Bản), khi trả lời phỏng vấn báo chí về vai trò của Việt Nam trong tiến trình đàm phán hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP).

Đánh giá về ảnh hưởng của việc Ấn Độ quyết định rút khỏi bàn đàm phán tới tiến trình đàm phán RCEP và việc liệu Nhật Bản cùng 14 nước còn lại có ký kết hiệp định này vào cuối năm nay mà không có sự tham gia của Ấn Độ hay không, Giáo sư Ryo Ikebe cho rằng ưu điểm lớn nhất của RCEP đó là các nước lớn như Trung Quốc và Ấn Độ có thể kết nối quan hệ thương mại tự do.

Khi Ấn Độ rút khỏi bàn đàm phán RCEP, ưu điểm của hiệp định này trong việc tạo ra khu vực thương mại tự do lớn sẽ mờ nhạt hơn. Tuy nhiên, do ba quốc gia Đông Bắc Á gồm Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc đến nay chưa có bất kỳ hiệp định thương mại tự do (FTA) nào nên RCEP sẽ giúp tạo ra quan hệ kinh tế-thương mại mới.

Bên cạnh đó, cho đến thời điểm này, vấn đề lớn trong tiến trình đàm phán về RCEP đó là không nhận được sự đồng ý của Ấn Độ. Do đó, việc New Delhi quyết định không tham gia RCEP có thể sẽ làm cho tiến trình đàm phán tiến triển thuận lợi hơn.

Nhận định về kỳ vọng của Nhật Bản - một trong những nước dẫn dắt tiến trình đàm phán RCEP - vào hiệp định này cũng như cơ hội và thách thức đối với Nhật Bản khi tham gia hiệp định, Giáo sư Ryo Ikebe cho rằng Nhật Bản luôn hướng tới các FTA có mức độ tự do hóa cao. Việc Ấn Độ đã rời bàn đàm phán khiến các nước còn lại tham gia đàm phán RCEP, trong đó có Trung Quốc, có thể đạt được đồng thuận về các tiêu chuẩn cao như hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) là khó khăn. Mặc dù vậy, ở điểm này, RCEP mang lại ý nghĩa thúc đẩy hoạt động thương mại giữa ba nước Nhật-Trung-Hàn.

Mặt khác, do việc các chuỗi cung ứng bị gián đoạn do dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 đã trở thành vấn đề lớn nên việc xem tái bố trí các địa điểm sản xuất đang trở thành bài toán hóc búa. Ở khía cạnh này, có thể thấy, khi RCEP có hiệu lực, việc tái cấu trúc lại các chuỗi cung ứng sang khu vực Đông Nam Á, từ đó giúp phân tán rủi ro một cách linh hoạt, là hoàn toàn khả thi.

Đánh giá tác động tiềm tàng tới CPTPP nếu RCEP được ký kết vào cuối năm nay, Giáo sư Ryo Ikebe nhận định trong tương lai, Mỹ có khả năng sẽ tham gia CPTTP. Khi không có sự tham gia của Mỹ, quy mô kinh tế của CPTTP là không lớn. Tuy nhiên, khi RCEP được ký kết, một khu vực thương mại tự do rộng lớn sẽ hình thành và điều này có thể sẽ góp phần thúc đẩy Mỹ quay trở lại với CPTTP. Mặc dù vậy, có thể thấy, mức độ tự do hóa của CPTTP là rất cao, trong khi mức độ tự do hóa của RCEP lại thấp. Do đó, ảnh hưởng của RCEP đối với CPTTP chỉ có ý nghĩa thúc đẩy Mỹ quay trở lại với hiệp định này.

Nhận định về cơ hội và thách thức đối với Việt Nam khi tham gia RCEP, Giáo sư Ryo Ikebe nhấn mạnh Việt Nam là một quốc gia đã tham gia nhiều FTA, trong đó FTA giữa Việt Nam với Liên minh châu Âu (EU) chuẩn bị có hiệu lực. Mặt khác, với tư cách là thành viên của ASEAN, Việt Nam đã có FTA với tất cả các nước tham gia RCEP. Chính vì thế, cơ hội trực tiếp mà RCEP mang lại cho Việt Nam là không lớn. Mặc dù vậy, việc ký kết RCEP sẽ phát đi hình ảnh Việt Nam tích cực đối với thương mại tự do, từ đó Việt Nam có thể thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài nhiều hơn.

Đánh giá về vai trò của Việt Nam trong tiến trình đàm phán RCEP, Giáo sư Ryo Ikebe nhận định trong khu vực ASEAN, Việt Nam là nước đi đầu trong các hiệp định thương mại tự do. Do vậy, Việt Nam đóng vai trò là quốc gia tập hợp tiếng nói của 10 nước thành viên ASEAN và cô đọng các nội dung đàm phán. Tính trung tâm của ASEAN thể hiện qua tiếng nói của 10 nước thành viên rất được chú ý trong quá trình đàm phán RCEP.

Tuy nhiên, là quốc gia đi đầu trong các hiệp định FTA, Việt Nam đang phát huy được năng lực phát ngôn lớn hơn. Trong thời điểm xuất hiện một số quốc gia đi ngược lại chủ nghĩa thương mại tự do (như Mỹ, Anh) và chủ nghĩa bảo hộ gây ra quan ngại đối với trật tự thương mại thế giới, RCEP, với trung tâm là châu Á, nếu được các nước ký kết, có thể quảng bá cho thế giới thấy hình ảnh khu vực châu Á tiến tới thương mại tự do.

(theo TTXVN)