Cuộc Đối thoại không chính thức lần đầu tiên giữa các nhà lãnh đạo Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), được nhận định là một trong những cuộc đối thoại thu hút nhiều sự chú ý nhất tại Tuần lễ Cấp cao APEC tại Đà Nẵng, tháng 11/2017.
Sáng kiến của Việt Nam
Cuộc Đối thoại có ý nghĩa đặc biệt khi APEC chỉ còn hai năm nữa là bước vào thập niên thứ tư và đang tích cực xây dựng tầm nhìn sau 2020. Trong khi đó, ASEAN kỷ niệm 50 năm thành lập và đang nỗ lực hiện thực hóa Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025. Với những thành công của APEC và ASEAN trong nhiều thập niên qua trong thúc đẩy hội nhập và liên kết khu vực, cả hai Diễn đàn đều được kỳ vọng sẽ tiếp tục góp phần thúc đẩy vai trò của châu Á - Thái Bình Dương là động lực của tăng trưởng và liên kết kinh tế toàn cầu.
Đối thoại không chính thức APEC- ASEAN tại Đà Nẵng, tháng 11/2017. (Ảnh: Nguyên Hồng) |
Với vai trò là một thành viên có trách nhiệm, việc đề xuất ý tưởng và triển khai cuộc Đối thoại này thể hiện đóng góp quan trọng và thiết thực của Việt Nam, tiếp tục góp phần thúc đẩy các ưu tiên và định hình những xu hướng hợp tác lớn của ASEAN trong tương lai. Sáng kiến này còn góp phần củng cố ASEAN như là một cơ chế quan trọng trong trật tự khu vực hiện nay.
Là Chủ nhà Năm APEC 2017, Việt Nam mong muốn các hoạt động của Diễn đàn ngày càng thiết thực, hiệu quả. Bởi thế, cuộc đối thoại ghi dấu ấn nâng cao vị thế của APEC trong thúc đẩy các liên kết kinh tế - thương mại khu vực sâu rộng hơn, tạo tiền đề để APEC bước vào thập niên phát triển thứ 4 với thế và lực mới.
Trong bối cảnh khu vực đang trong giai đoạn chuyển đổi quan trọng. Bên cạnh những thách thức, nhất là liên kết đang chậm lại và các rủi ro về tăng trưởng trong trung hạn và dài hạn, khu vực châu Á – Thái Bình Dương cũng đang xuất hiện những xu hướng tích cực và những vận hội lớn. Chủ đề “Cùng tạo động lực mới vì một châu Á - Thái Bình Dương kết nối toàn diện” được đánh giá cao, kỳ vọng thúc đẩy tăng trưởng, tăng kết nối giữa APEC với tư cách là Diễn đàn hàng đầu khu vực về tự do hóa, thuận lợi hóa thương mại, đầu tư với Hiệp hội ASEAN hiện đang đóng vai trò quan trọng trong nhiều vấn đề then chốt ở khu vực.
Khi các bên thực sự cần nhau
Đối thoại đã thu hút sự quan tâm lớn của tất cả các bên, các thành viên APEC và ASEAN đều chia sẻ những lợi ích chung to lớn ở khu vực và trên thế giới. Từ sau cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính năm 2008-2009 đến nay, nền tảng của kinh tế thế giới đã và đang thay đổi rất cơ bản. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang đòi hỏi mỗi quốc gia, mỗi nền kinh tế phải không ngừng nắm bắt xu thế cải cách, phát triển xanh, bền vững, không ngừng sáng tạo, ứng phó tốt hơn với các thách thức toàn cầu...
Hiện tại được coi là thời điểm bước ngoặt, các thành viên APEC và ASEAN đều có nhu cầu tìm kiếm động lực mới để thúc đẩy tăng trưởng và liên kết kinh tế, thương mại ở khu vực. Đặc biệt, ASEAN từ khi hình thành Cộng đồng ASEAN (2015) đến nay, hơn bao giờ hết càng có nhu cầu thúc đẩy hợp tác với các đối tác để duy trì động lực tăng trưởng, thúc đẩy cải cách…, mà trong đó các thành viên APEC là những đối tác quan trọng và phù hợp nhất.
Bởi vậy, việc thúc đẩy kết nối toàn diện khu vực châu Á – Thái Bình Dương được các thành viên ASEAN và APEC bày tỏ ủng hộ mạnh mẽ. Một khu vực đa dạng, trải dài ở cả hai bờ Đông và Tây Thái Bình Dương, được tăng cường kết nối là phương thức hàng đầu để đưa mỗi thành viên xích lại gần nhau hơn. Đây cũng là điều kiện tiên quyết bảo đảm tăng trưởng và phát triển bền vững trong bối cảnh phức tạp hiện nay.
Nhận thức rõ tầm quan trọng của kết nối, từ nhiều năm qua, cả APEC và ASEAN đều coi tăng cường kết nối khu vực là ưu tiên cao trong chương trình nghị sự của mình. Nhưng chỉ đến cuộc Đối thoại lần này tại Việt Nam, ASEAN và APEC, với tư cách là hai cơ chế đa phương quan trọng nhất ở khu vực, mới cùng ngồi lại, đối thoại để hiểu nhau hơn và cùng tìm biện pháp thúc đẩy hợp tác, kết nối toàn khu vực.
Các thành viên đều nhất trí sẽ thúc đẩy kết nối toàn diện, từ hạ tầng cơ sở, tới tài chính-ngân hàng, hậu cần, dịch vụ, du lịch, văn hóa và quan trọng nhất là kết nối con người thông qua tăng cường giao lưu nhân dân. Thúc đẩy kết nối đang trở thành hướng hợp tác then chốt không chỉ giữa ASEAN với APEC, mà còn với nhiều đối tác khác nhằm hướng tới xây dựng một cộng đồng khu vực châu Á – Thái Bình Dương phát triển ổn định, năng động và bền vững lâu dài.
Đối thoại với ASEAN, kết nối với các nền kinh tế thành viên APEC là một hướng đi đúng đắn, có thể giúp ASEAN phát huy được các thế mạnh của mình, góp phần duy trì vai trò trung tâm của ASEAN ở khu vực, đồng thời góp phần bảo đảm cho tương lai tương sáng của ASEAN trong 50 năm tới.
Vạn sự khởi đầu
Đúng như kỳ vọng của Việt Nam, cuộc Đối thoại đặc biệt giữa APEC và ASEAN đã diễn ra thành công với những nội dung và đồng thuận quan trọng. Đối thoại đã chuyển tải đầy đủ các thông điệp của lãnh đạo cấp cao hai diễn đàn, phản ánh mong muốn trong việc cùng nhau tạo động lực mới cho liên kết, kết nối kinh tế khu vực và ứng phó có hiệu quả với những thách thức chung. Đồng thời, Đối thoại cũng cho thấy kỳ vọng và tầm nhìn chung của các nhà lãnh đạo trong việc xây dựng một châu Á - Thái Bình Dương kết nối toàn diện, vì hòa bình, ổn định, ngày càng gắn bó, phát triển năng động và bền vững lâu dài.
Trên cơ sở hướng tới tầm nhìn chung đó, các nhà lãnh đạo APEC và ASEAN thảo luận và đưa ra nhiều đề xuất tăng cường hợp tác và tính bổ trợ giữa hai cơ chế trong đối phó những thách thức chung và xây dựng một cấu trúc kinh tế khu vực bền vững, minh bạch và có khả năng thích ứng cao. Các nhà lãnh đạo đã nhấn mạnh tới nhiều nội dung hợp tác giữa hai cơ chế có tiềm năng, bao gồm thương mại và đầu tư, kết nối toàn diện về con người, cơ sở hạ tầng và thể chế, chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị, toàn cầu hóa các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, phát triển nguồn nhân lực, ứng phó với biến đổi khí hậu…