Đây là hội nghị lần thứ 2 được tổ chức tại TP Đà Nẵng.Tham dự Hội nghị ngoài thành viên các nước ASEAN còn có đại diện của hơn 35 quốc gia và tổ chức đối tác như: Australia, Canada, Ủy ban châu Âu, Nhật Bản, New Zealand, Mỹ, Anh… Các đại biểu đã dành một phút mặc niệm để tưởng nhớ các nạn nhân trong cơn bão Haiyan ở Philippines.
Hiệp định AADMER được các nước thành viên ASEAN thông qua năm 2009. Trên cơ sở Hiệp định, Ủy ban ASEAN về quản lý thiên tai đã xây dựng chương trình công tác 5 năm, với 2 giai đoạn. Trong đó giai đoạn 1 đã được thực hiện từ năm 2010 đến năm 2012 với thành tựu nổi bật nhất là việc thành lập Trung tâm ASEAN về điều phối hỗ trợ nhân đạo. Hội nghị lần này nhằm xúc tiến khởi động giai đoạn 2 của chương trình, trong đó điểm nhấn là việc công bố khởi động 21 hoạt động về giảm thiểu rủi ro thiên tai và ứng phó với biến đối khí hậu, thảm họa.
Phát biểu tại lễ khai mạc, bà Alicia Dela Rosa Bala, Phó Tổng Thư ký ASEAN phụ trách Cộng đồng Văn hóa-Xã hội ASEAN, cho rằng với những tác động bất lợi của biến đổi khí hậu, thiên tai đang có xu hướng khó dự báo hơn và cực đoan hơn trước đây. Thực tế đó đòi hỏi các nước trong khu vực ASEAN nói riêng và trên thế giới nói cung phải xích lại gần nhau trong cuộc chiến chống thảm họa. Đặc biệt, các nước ASEAN cần phải phát huy sức mạnh, huy động các nguồn lực để tìm cách đối phó nhằm giảm thiểu những thiệt hại do thiên tai gây nên. Muốn vậy, chúng ta cần phát huy vai trò của một số ngành như y tế, truyền thông… kêu gọi cả hệ thống chính trị vào cuộc
Được hoàn thiện vào năm 2005 và thông qua bởi các quốc gia thành viên ASEAN vào năm 2009, AADMER là một "khung xương sống" về quản lý thiên tai trong khu vực. Hiệp định được coi như một khuôn khổ khu vực về hợp tác, điều phối, hỗ trợ kỹ thuật và huy động nguồn lực.Để đưa Hiệp định AADMER vào hành động, Ủy ban ACDM đã xây dựng chương trình công tác 5 năm (chương trình AADMER 2010-2015). Chương trình công tác được thiết kế để tăng cường năng lực của các quốc gia thành viên ASEAN trong nhiều lĩnh vực khác nhau của quản lý thiên tai; từ đánh giá rủi ro, cảnh báo sớm, giám sát, giảm thiểu rủi ro thiên tai đến phòng ngừa, ứng phó và hồi phục sau thiên tai.
Chương trình công tác AADMER được thực hiện trong 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 đã được thực hiện trong năm 2010-2012 đã đạt được nhiều thành quả, trong đó có việc thành lập Trung tâm ASEAN về điều phối hỗ trợ nhân đạo (trung tâm AHA). Bước vào giai đoạn 2 thực hiện chương trình công tác AADMER, Ủy ban ACDM bao gồm các cơ quan quốc gia về quản lý thiên tai ở khu vực ASEAN đã báo cáo hoàn thành giai đoạn 1 và những ưu tiên cho giai đoạn hai của chương trình công tác AADMER.
Hội nghị đối tác tập hợp các đối tác của ASEAN đang hỗ trợ ASEAN trong việc thực hiện chương trình công tác AADMER cũng như các đối tác tiềm năng sẽ chia sẻ mối quan tâm chung trong việc xây dựng các quốc gia có khả năng chống chịu thiên tai và các cộng đồng an toàn hơn trong khu vực ASEAN. Hội nghị sẽ là một kênh truyền thông thể hiện ASEAN là một cộng đồng và là kênh truyền thông cho các đối tác để tìm hiểu hợp tác về quản lý thiên tai với các nước ASEAN.
Để đạt được điều đó, 21 dự án sẽ được thực hiện trong giai đoạn 2 sẽ chính thức được công bố bởi ASEAN. 21 dự án sẽ được xem xét xây dựng để đạt được một tiến trình tích cực cần phải được để đảm bảo tối đa hóa thành tựu vào năm 2015.
Ông Nguyễn Xuân Diệu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi (Bộ NNPTNT) nhấn mạnh với vai trò Chủ tịch đương nhiệm Ủy ban ASEAN về quản lý thiên tai, Việt Nam cam kết nỗ lực tăng cường thể chế chính sách, tạo nên mối liên kết chặt chẽ giữa các nước trong khu vực và các nước đối tác để tiếp tục thúc đẩy chương trình giai đoạn 2 đạt nhiều kết quả tích cực.
Cúc Nhi