📞

AT&T và tham vọng xây dựng "đế chế" truyền thông

20:00 | 25/10/2016
Việc kết hợp giữa tập đoàn viễn thông khổng lồ AT&T với hãng sản xuất nội dung hàng đầu Time Warner là một bước đi đầy táo bạo. Tuy nhiên, điều đó chưa chắc sẽ mang lại thành công.

Sự kiện chấn động

Dù đánh giá ở góc độ nào thì thương vụ sáp nhập Time Warner vào AT&T trị giá 85,4 tỷ USD vẫn là một sự kiện chấn động làng truyền thông Mỹ cũng như thế giới. Đặc biệt, sự kết hợp giữa hai “ông lớn” này cũng báo hiệu một giai đoạn mới trong ngành truyền thông mà ở đó, các tập đoàn công nghệ lớn có xu hướng liên kết với các hãng sản xuất nội dung. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng, vụ sáp nhập - được AT&T và Time Warner đồng công bố vào tối 22/10 vừa qua, chưa chắc sẽ mang lại thành công cho AT&T.

Thương vụ giữa AT&T và Time Warner chưa chắc sẽ mang lại thành công. (Nguồn: Reuters)

Năm ngoái, AT&T đã mua lại công ty cung cấp dịch vụ truyền hình qua sóng vệ tinh DirecTV với giá 48,5 tỷ USD, qua đó đưa AT&T trở thành nhà cung cấp truyền hình trả tiền lớn nhất tại Mỹ với 25 triệu thuê bao (subscriber). Bên cạnh đó, AT&T hiện là công ty cung cấp dịch vụ viễn thông di động lớn thứ hai ở Mỹ, chỉ đứng sau Verizon.

Đặc biệt, thông qua việc sáp nhập Time Warner, AT&T sở hữu thêm những studio hiện đại nhất ở Hollywood, kênh truyền hình cáp phim truyện HBO, các kênh truyền hình tin tức nổi tiếng như CNN, TNT, TBS, cũng như hàng loạt show truyền hình ăn khách khác như “Harry Potter” hay “Trò chơi vương quyền” (Game of Thrones)…

Theo chiến lược phát triển của AT&T, trong tương lai, HBO Now, một ứng dụng xem phim qua mạng internet, có thể sẽ là lựa chọn hợp lý cho những khách hàng không muốn dùng gói truyền hình cáp trả tiền đắt đỏ. Nếu như vậy, HBO Now có thể trở thành đối thủ cạnh tranh với Netflix, Amazon và các dịch vụ video trực tuyến khác.

HBO Now được dự báo sẽ trở thành đối thủ cạnh tranh với Netflix. (Nguồn: Mashable)

Time Warner không giống với các hãng sản xuất nội dung khác, chẳng hạn như Disney, ở chỗ ban giám đốc của Time Warner sẵn sàng bán tập đoàn cho các tập đoàn khác lớn mạnh hơn. Cách đây 2 năm, hãng 21st Century Fox từng ra giá mua Time Warner với giá 75 tỷ USD, nhưng con số này được Tổng Giám đốc Time Warner khi đó là Jeff Bewkes đánh giá là khá thấp. Đầu năm nay, Apple cũng ngỏ ý muốn mua lại Time Warner, tuy nhiên, cuối cùng thì ông Bewkes quyết định chọn hợp tác với AT&T khi hãng viễn thông này trả giá mỗi cổ phiếu ở mức 107,5 USD, cao hơn mức của Fox đưa ra trước đây.

Tương lai bấp bênh

Như vậy, nếu tính cả giá cổ phiếu và tiền mặt thì việc AT&T mua lại Time Warner có tổng giá trị lên đến 109 tỷ USD, được đánh giá là thương vụ sáp nhập lớn nhất trong ngành truyền thông Mỹ trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, việc sáp nhập này cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn. Các nhà lập pháp liên bang đang lo ngại vụ việc này sẽ làm tăng sự tập trung thị trường trong ngành kinh doanh truyền thông. Trước đó, các nhà làm chính sách của Mỹ cũng từng hối tiếc khi vội vàng phê chuẩn cho một vụ sáp nhập tương tự giữa Comcast và NBC Universal cách đây 5 năm.

Bên cạnh đó, nếu tiến trình sáp nhập được triển khai một cách trôi chảy, thách thức lớn nhất của AT&T là làm thế nào tận dụng được những thế mạnh sẵn có của Time Warner để qua đó, AT&T có thể phát triển các dịch vụ viễn thông không dây, băng thông rộng và truyền hình trả tiền. AT&T không chỉ muốn cung cấp cho những khách hàng những dịch vụ xem truyền hình hay video đơn thuần. Nhưng trong tương lai gần, AT&T cũng không biết họ có thể cung cấp những giá trị đặc sắc nào mà khách hàng không thể tìm thấy ở những hãng khác.

AT&T cần phải khai thác những thế mạnh sẵn có của Time Warner. (Nguồn: AP)

Giám đốc điều hành của AT&T, ông Randall Stephenson cho biết, hiện nay các nội dung của Time Warner vẫn được cung cấp cho nhiều kênh phát sóng khác nhau ở Mỹ. Trong bối cảnh đó, AT&T có thể cung cấp các dịch vụ bổ sung, như họ vẫn đang làm hiện nay với những người đăng ký sử dụng DirecTV. Tuy nhiên, khả năng AT&T cung cấp miễn phí nội dung có thể bị hạn chế, nếu các nhà lập pháp siết chặt những quy định trên thị trường truyền thông.

Trên thực tế, Time Warner không kiểm soát tác quyền của một số sản phẩm ăn khách, vốn đã được bán cho các hãng khác. Ví dụ, công ty con Comcast của NBC Universal đã mua quyền phát sóng trên hệ thống truyền hình cáp đối với 8 phần của phim “Harry Potter” cũng như bộ phim sắp ra mắt “Quái vật huyền thoại” (Fantastic Beasts). Trong khi đó, CBS, Fox và NBC Universal cũng sở hữu quyền phát sóng truyền hình đối với một số nội dung khác của Time Warner.

Việc biến HBO Now trở thành một dịch vụ toàn cầu là một triển vọng lâu dài của AT&T. Việc này cần nhiều thời gian, và quan trọng hơn, AT&T cần phải đóng cửa các nội dung đang “ăn nên làm ra” khác của mình, như dịch vụ truyền hình trả tiền, để dành thêm “đất” cho HBO Now.

Ông Stephenson nhấn mạnh, AT&T xác định xu hướng trong tương lai là người dùng xem video qua điện thoại thông minh. Tuy nhiên, AT&T vốn dĩ là một tập đoàn thu lợi nhuận chủ yếu từ các mô hình kinh doanh truyền thống như các kênh truyền hình trả tiền, vốn đang gặp đe dọa trước các sáng tạo công nghệ mới. Theo quan điểm chiến lược của AT&T, cho dù tương lai của truyền thông ra sao, tập đoàn này vẫn sẽ tập trung vào các nội dung video.

Bản thân Time Warner cũng đã từng đi theo xu hướng này. Vụ Time Warner mua lại American Online (AOL) hồi năm 2000 từng được xem là vụ sáp nhập lớn nhất trong ngành truyền thông Mỹ. Thực tế sau đó chứng minh đây là quyết định sai lầm, khiến hàng nghìn người mất việc làm và thiệt hại hàng trăm tỷ USD khi AOL quyết định tách khỏi Time Warner năm 2009. Thế mà bây giờ, Time Warner lại về chung một mái nhà với AT&T thông qua một kế hoạch sáp nhập nghe có vẻ thú vị nhưng tương lai lại khá bấp bênh.

(theo The Economist)