📞

AUKUS, sự chia rẽ của phương Tây và 'ngôi sao sáng' Ấn Độ

Hồng Phúc 14:28 | 24/09/2021
Với những mối quan hệ "mến thương" với phương Tây, Ấn Độ có thể đóng vai trò đáng kể trong việc ngăn chặn sự chia rẽ trong liên minh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Trong bài viết đăng trên tờ The Indian Express (Ấn Độ) ngày 22/9, nhà bình luận chính trị quốc tế Raja Mohan, Giám đốc Viện Nghiên cứu Nam Á, Đại học Quốc gia Singapore cho rằng lợi ích của Ấn Độ vừa phụ thuộc vào quan hệ chiến lược sâu sắc hơn với Pháp và châu Âu cũng như với nhóm Bộ tứ (Quad) và các nước nói tiếng Anh.

Vậy Ấn Độ có vai trò gì trong bối cảnh thỏa thuận an ninh ba bên giữa Australia, Anh và Mỹ (AUKUS) có nguy cơ gây chia rẽ phương Tây?

Nhà bình luận chính trị quốc tế Raja Mohan cho rằng Ấn Độ hiện là một phần của cuộc đối thoại khó khăn giữa Mỹ, Anh, Australia với Pháp và châu Âu. (Nguồn: Indian Express)

"Ngoại giao Tarapur" cho AUKUS?

Hơn bốn thập niên trước, vụ thử hạt nhân của Ấn Độ đã gây ra phản ứng gay gắt trong Quốc hội Mỹ và hệ quản là Washington quyết định chấm dứt cam kết cung cấp nhiên liệu hạt nhân cho nhà máy điện nguyên tử Tarapur của Ấn Độ mà Mỹ giúp xây dựng. New Delhi đã rất tức giận trước chủ nghĩa đơn phương của Mỹ.

Sau khi ông Ronald Reagan nắm quyền điều hành Nhà Trắng năm 1981, các cố vấn của ông mong muốn cải thiện mối quan hệ với Ấn Độ. Tuy vậy, việc khắc phục vấn đề Tarapur không hề dễ dàng. Luật không phổ biến vũ khí hạt nhân mới của Mỹ cấm cung cấp nhiên liệu hạt nhân cho Ấn Độ.

Thực tế là các quy tắc hạt nhân quốc tế lại không quy định như vậy. Washington đã khéo léo để Paris "thế chân" Mỹ trở thành nhà cung cấp nhiên liệu cho Tarapur với chiến lược "ngoại giao Tarapur", trong đó đôi bên cùng có lợi.

Kết quả là, Ấn Độ phải điều hành Tarapur, Mỹ vẫn đảm bảo trong giới hạn quy định của luật trong nước và Pháp đã có được hợp đồng.

Chính sách "ngoại giao Tarapur" nhắc nhở chúng ta rằng vẫn có cách giải quyết vấn đề nếu có thiện chí.

Liên hệ với AUKUS, thỏa thuận ba bên này đã thổi bùng cơn thịnh nộ chưa từng có của Pháp. Rõ ràng là "vụ tàu ngầm" đã không được xử lý hiệu quả.

Phản ứng giận dữ của Paris, được đánh dấu bằng động thái hiếm hoi là triệu hồi các đại sứ từ Washington và Canberra, cho thấy phải mất một thời gian nữa cuộc khủng hoảng mới có thể được khắc phục.

Có lo ngại rằng AUKUS có thể để lại vết sẹo sâu cho quan hệ giữa Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), đồng thời làm suy yếu liên minh quốc tế ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Liệu New Delhi có thể làm gì để hàn gắn rạn nứt giữa những người bạn quan trọng chiến lược của mình hay không? Một loạt hoạt động ngoại giao con thoi của Ấn Độ ở New York và Washington trong tuần này sẽ trả lời câu hỏi đó.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tới Washington tham dự Hội nghị thượng đỉnh song phương trực tiếp đầu tiên với Tổng thống Mỹ Joe Biden vào ngày 23/9. Thủ tướng Modi dự kiến có các cuộc hội đàm song phương với Thủ tướng Australia Scott Morrison và Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide.

Ngày 24/9, ông tham dự Hội nghị thượng đỉnh trực tiếp đầu tiên của nhóm Bộ tứ tại Nhà Trắng trước khi tới Liên hợp quốc dự phiên họp thường niên của Đại hội đồng.

Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar cũng sẽ có mặt tại New York, gặp gỡ nhiều nhà lãnh đạo thế giới khác. Paris đã hủy một cuộc họp dự kiến giữa các Ngoại trưởng Australia, Pháp và Ấn Độ tại Liên hợp quốc, song Ngoại trưởng Jaishankar sẽ gặp song phương với người đồng cấp Pháp Jean-Yves Le Drian.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi gặp Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris trước thềm Hội nghị thượng đỉnh Bộ tứ tại Washington D.C, Mỹ. (Nguồn: AFP)

Mảnh ghép không thể thiếu

Giờ đây, New Delhi là một phần của cuộc đối thoại khó khăn giữa Mỹ, Anh, Australia với Pháp và châu Âu. Điều này cũng cho thấy mối quan hệ ngày càng sâu sắc và đa dạng của Ấn Độ với các khu vực khác nhau của phương Tây.

Lâu nay, những tuyên bố phổ biến và có tính học thuật về chính sách đối ngoại của Ấn Độ thường bị ám ảnh bởi khái niệm "không liên kết". Câu thần chú này đã giữ khoảng cách giữa Ấn Độ với phương Tây nói chung.

Chính sách ngoại giao đương đại của Ấn Độ có cách tiếp cận chiến lược linh hoạt về các động lực nội tại ở phương Tây, vừa công nhận quan điểm chính trị của từng quốc gia vừa phát triển mối quan hệ rộng rãi với các quốc gia phương Tây.

Trong quan hệ với Pháp, theo học giả Raja Mohan, Paris luôn có quan điểm độc lập về thế giới, trong khi vẫn nằm trong khuôn khổ rộng lớn của liên minh Mỹ. Những năm 1990, Paris đã vô địch trong việc xây dựng một thế giới đa cực, hạn chế vị thế "siêu cường" của Mỹ. New Delhi đã không nắm bắt cơ hội khi chấp nhận "phiên bản đa cực" Nga-Trung.

Tuy nhiên, gần đây, Ấn Độ tăng cường cam kết chiến lược với Pháp. Ví dụ, chính phủ cầm quyền do đảng Quốc đại (NDA) lãnh đạo đã vượt qua sự miễn cưỡng trước đó ở New Delhi để làm việc với Paris về an ninh Ấn Độ Dương.

Chính phủ NDA tăng cường can dự chính trị với châu Âu với tư cách là một tập thể cũng như các tiểu vùng, từ Baltic đến Balkan và từ bán đảo Iberia ở châu Âu đến khu vực Trung Âu (Mitteleuropa).

Khi nhận thức rằng mọi quốc gia châu Âu, từ Luxembourg nhỏ bé đến một Ba Lan đang phát triển, đều có thứ gì đó để cung cấp, châu Âu trở thành một trung tâm phát triển mạnh mẽ trong các mối quan hệ quốc tế của Ấn Độ.

Nhờ di sản thuộc địa cay đắng, quan hệ Ấn Độ-Anh luôn ở tình trạng khó khăn và kém phát triển. Trong vài năm gần đây, New Delh nỗ lực quyết tâm để xây dựng quan hệ đối tác mới với London, nền kinh tế lớn thứ 5 trên thế giới, một trung tâm tài chính hàng đầu, một cường quốc công nghệ...

Có ý kiến cho rằng khu vực nhóm các nước nói tiếng Anh (Anglosphere) không còn ý nghĩa nữa. Tuy nhiên, chuyên gia Raja Mohan nhận định, AUKUS là một lời nhắc nhở rằng mối quan hệ chính trị Anglo-Saxon vẫn tồn tại lâu dài.

Thay vì coi thường Anglosphere, New Delhi bắt đầu can dự mạnh mẽ với “các thuộc địa của người định cư” vốn sở hữu nhiều thứ mà Ấn Độ cần như tài nguyên thiên nhiên, giáo dục đại học, các công nghệ quan trọng...

Ngoài Mỹ, Vương quốc Anh và các thuộc địa của người định cư từ lâu đã là điểm đến ưa thích của cộng đồng người Ấn Độ. Trong khi cộng đồng người hải ngoại có xu hướng kết nối chính trị trong nước của Anglosphere với chính trị của Ấn Độ, New Delhi đang nhận ra rằng chính trị cộng đồng có thể được thực hiện theo cả hai cách.

Sự chuyển đổi quan hệ của Ấn Độ với Australia đã xảy ra bất chấp sự hoài nghi cố hữu trong bộ máy chính sách đối ngoại. Còn Nhật Bản trở thành một phần của phương Tây trong thời kỳ hậu chiến tranh và mối quan hệ của New Delhi với Tokyo chưa bao giờ được vẹn tròn như ngày nay.

Hai thông điệp quan trọng

Theo ông Raja Mohan, việc Ấn Độ can dự sâu rộng với phương Tây giúp truyền tải hai thông điệp quan trọng tới các đối tác trong tuần sôi động này.

Trước hết là nhắc nhở Pháp, Australia, Anh và Mỹ về những lợi ích chung trong việc đảm bảo an ninh ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và những nguy cơ mà cuộc khủng hoảng ngoại giao gây ra có thể làm suy yếu mục tiêu lớn hơn đó.

Thứ hai là nêu bật các yêu cầu rộng lớn của khu vực đối với khả năng răn đe hiệu quả ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và có đủ khả năng để Mỹ, Anh, Pháp và châu Âu hợp tác với các đối tác Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trong các liên minh chồng chéo. Mục đích là phát triển công nghệ cao và hợp tác quốc phòng-công nghiệp trong tất cả các lĩnh vực được AUKUS nhấn mạnh, gồm cả khả năng hoạt động dưới nước hiệu quả của AI, lượng tử điện toán và chiến tranh mạng.

Và không thể không nhắc tới, lợi ích của Ấn Độ nằm ở sự hợp tác chiến lược sâu rộng hơn với Pháp và châu Âu cũng như nhóm Bộ tứ và Anglosphere.

Chính Tổng thống Pháp Jacques Chirac, trong chuyến thăm tới Delhi tháng 1/1998, là người đầu tiên kêu gọi chấm dứt sự cô lập hạt nhân của Ấn Độ. Nhưng điều này đòi hỏi toàn bộ sức mạnh của Tổng thống Mỹ dưới thời George W. Bush để vượt qua tư tưởng thần học không phổ biến vũ khí hạt nhân của phương Tây và sự phản kháng chính trị của Trung Quốc.

Với những mối quan hệ đa dạng với phương Tây, Ấn Độ cần triển khai đầy đủ các biện pháp để ngăn chặn sự chia rẽ trong liên minh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.