Chỉ khi Nga chứng tỏ là một bên tham gia mạnh mẽ và độc lập trong khu vực thì Ấn Độ mới tìm kiếm tình hữu nghị với Moscow. (Nguồn: CII) |
Một vụ bê bối đã xảy ra trong quan hệ Ấn Độ-Nga. Phái đoàn Ấn Độ đã không được mời tham dự cuộc đàm phán về vấn đề Afghanistan diễn ra ở Moscow hôm 18/3, nhưng Nga lại không quên gọi điện mời đoàn Pakistan đến dự.
Bộ Ngoại giao Nga giải thích rằng Ấn Độ không chính thức được mời vì chỉ những nước "có ảnh hưởng đến cả hai bên xung đột ở Afghanistan" mới tham gia cuộc họp. Ấn Độ về cơ bản từ chối đối thoại với Taliban (vốn bị cấm ở Liên bang Nga), ủng hộ Kabul và không đáp ứng tiêu chí này.
Điều này đã gây ra một làn sóng phẫn nộ ở New Delhi. Báo giới cũng như các chuyên gia thân Mỹ đã kêu gọi Ấn Độ xem xét lại quan hệ với Nga. Hơn nữa, khác với Moscow, Washington đối xử rất lịch thiệp với New Delhi trong vấn đề Afghanistan khi mời phái đoàn Ấn Độ đến dự các cuộc đàm phán trong tương lai tại Istanbul.
Chưa rõ những mong muốn của New Delhi sẽ được quan tâm đến ở mức độ nào khi một thỏa thuận cuối cùng với Taliban được đưa ra. Nhưng lời mời đã được gửi đi, Ấn Độ cảm thấy được tôn trọng và kết quả là trong mắt New Delhi, Washington đã giành điểm so với Moscow.
Từ "Hindi-Rusi bhai-bhai"
Sau vụ việc này, có lẽ đây là lúc thích hợp để thảo luận về những khía cạnh mang tính nguyên tắc trong quan hệ Nga-Ấn: hai bên sẽ đi về đâu, họ cần gì ở nhau, điều gì ngăn cách và điều gì đưa hai bên đến gần nhau hơn.
Khi nói về quan hệ đối tác chiến lược Nga-Ấn, người ta thường hồi tưởng về thời kỳ Liên Xô, thậm chí đôi khi còn xa xưa hơn: về Afanasy Nikitin, về tòa nhà thương mại Ấn Độ ở Astrakhan (thế kỷ XVII), và về những sứ giả của các lãnh chúa Hindu cầu cứu triều đình Nga hoàng nhằm ngăn chặn sự bành trướng của Anh.
Một nhà Ấn Độ học người Mỹ từng viết: “Người Ấn Độ cảm thấy tự tin và an tâm khi xây dựng các cấu trúc chính trị mới dựa trên nền tảng cổ xưa”. Nền văn minh Ấn Độ đã hàng nghìn năm tuổi, còn nền văn minh Nga thì non trẻ hơn, nhưng cả hai đều đã vượt qua chiến tranh, khủng hoảng, nhà nước sụp đổ mà vẫn tồn tại đến ngày nay.
Nhìn vào lịch sử, ta có thể hình dung được những đỉnh cao mà quan hệ Nga-Ấn có thể đạt được nếu cả hai bên quan tâm đến điều đó.
Vào nửa sau của những năm 1960, tình hữu nghị Liên Xô-Ấn Độ bắt đầu nảy nở, được thể hiện qua câu khẩu hiệu “Hindi-Rusi bhai-bhai” (có nghĩa là “Ấn Độ và Nga là anh em”) từng rất thịnh hành.
Liên Xô đã giúp Ấn Độ xây dựng ngành công nghiệp nặng, thực hiện các chương trình xã hội (bao gồm việc gia tăng mạnh mẽ tỷ lệ dân số biết chữ) và trang bị vũ khí cho quân đội Ấn Độ mà rốt cuộc đã đánh bại Pakistan trong cuộc chiến năm 1971.
Đổi lại, Ấn Độ, với tư cách một trong những nước dẫn dắt Phong trào Không liên kết, đã ủng hộ các sáng kiến của Liên Xô trên trường quốc tế, trở thành đồng minh không chính thức của Moscow trên thực tế.
Ngoài ra, cả hai nước đều lo ngại về sự xâm lược của Trung Quốc: Ý nghĩa của việc hình thành trục Moscow-New Delhi là nếu Trung Quốc quyết định gây chiến với một trong các đồng minh, thì đồng minh kia sẽ tấn công Trung Quốc từ phía sau.
Mối quan hệ chính trị và an ninh tốt đẹp đã được củng cố thêm về mặt kinh tế: Liên Xô là một trong những đối tác thương mại quan trọng nhất của Ấn Độ.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Tổng thống Nga Vladimir Putin trong chuyến thăm Vladivostok tháng 9/2019. (Nguồn: PTI) |
Đến thực tế phũ phàng
Sự sụp đổ của Liên Xô đã giáng một đòn chí mạng vào mô hình quan hệ này. Tham vọng chính sách đối ngoại của nước Nga mới đã tạm thời bị thu hẹp lại trong phạm vi của Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG), và việc thu hút sự ủng hộ của Ấn Độ cũng không còn cấp bách như trước: Moscow đã cải thiện quan hệ với Bắc Kinh và không còn cần đến gọng kìm Nga-Ấn để kiềm chế sự xâm lược của Trung Quốc.
Kim ngạch thương mại song phương, vốn được duy trì ở mức cao nhờ việc Moscow sẵn sàng chịu thua lỗ, thì nay đã giảm xuống rất thấp trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế ở Nga. Giờ đây, hợp tác kinh tế Nga-Ấn dựa trên ba trụ cột là vũ khí, năng lượng nguyên tử và không gian vũ trụ, và trong tất cả các lĩnh vực này, vị thế của Nga đều đang lung lay dần qua từng năm.
Một nhà Ấn Độ học người Mỹ từng viết: “Người Ấn Độ cảm thấy tự tin và an tâm khi xây dựng các cấu trúc chính trị mới dựa trên nền tảng cổ xưa”. |
Trong khi Nga vật lộn để thoát khỏi cuộc khủng hoảng những năm 1990, thì Ấn Độ lại phát triển nhanh chóng.
New Delhi có được vũ khí hạt nhân, một hạm đội hùng mạnh, một nền công nghiệp quốc phòng riêng, vượt qua cuộc khủng hoảng về xác định lập trường chính sách đối ngoại sau Chiến tranh Lạnh, và hiện được coi là một trong những trung tâm quyền lực ở châu Á, có phạm vi ảnh hưởng của riêng mình, bao gồm Nam Á và khu vực Ấn Độ Dương.
Vai trò của hai bên cũng đã thay đổi. Nếu như trước đây, Liên Xô là “người anh cả” giúp Ấn Độ phát triển, thì hiện nay Nga không chỉ ghen tị với tốc độ tăng trưởng GDP của Ấn Độ mà còn cả những nguồn tiền mà New Delhi dành riêng cho các dự án quốc gia và cải tiến quốc phòng.
Nền kinh tế Ấn Độ lớn hơn gấp rưỡi so với nền kinh tế Nga về GDP danh nghĩa và hơn gấp đôi về GDP bình quân đầu người.
Về vũ khí, Ấn Độ đang ngày càng tự chủ sản xuất nhờ mua công nghệ của nước ngoài, và ngay cả khi có điều gì đó không như ý (chẳng hạn như vấn đề máy bay chiến đấu Tejas), nhưng họ đã hạ thủy chiếc tàu sân bay đầu tiên do chính họ chế tạo và đang tính đến chiếc thứ hai.
Về điện hạt nhân, Nga không có đối thủ cạnh tranh thực sự trên thị trường Ấn Độ, nhưng Ấn Độ đang ngày càng chuyển hướng sang sử dụng năng lượng mặt trời vì điều kiện khí hậu thuận lợi.
Về không gian vũ trụ, Cơ quan vũ trụ liên bang Nga Roskosmos vẫn là một trong những đơn vị đi đầu trong việc khám phá vũ trụ, nhưng chương trình không gian của Ấn Độ đang phát triển với tốc độ nhanh chóng. Ấn Độ đã trở thành cường quốc thứ tư đưa tàu vũ trụ vào quỹ đạo sao Hỏa và cho đến nay là cường quốc duy nhất làm được điều này trong lần thử đầu tiên.
Kim ngạch thương mại Nga-Ấn vẫn chưa vượt mức 12 tỷ USD, bất chấp những lời kêu gọi rầm rộ và kế hoạch hoành tráng. Trong khi đó, kim ngạch thương mại của Ấn Độ với Trung Quốc (vốn không phải là đối tác chiến lược của New Delhi) trong năm 2019 đã lên tới hơn 92 tỷ USD.
Việc củng cố hành lang Bắc-Nam và hành lang biển Chennai-Vladivostok, cũng như khả năng đạt được thỏa thuận về khu thương mại tự do giữa Ấn Độ và Liên minh kinh tế Á-Âu (EAEU) mới chỉ dừng lại ở mức... hy vọng.
Vấn đề không chỉ là thiếu các hành lang vận tải, mà còn sâu xa hơn nhiều: Nga và Ấn Độ không thể mang lại cho nhau bất kỳ điều gì có thể nhanh chóng tăng cường thương mại. Nga không phải và sẽ không trở thành công xưởng toàn cầu trong tương lai gần giống như Trung Quốc; trong khi đó, việc nhập khẩu hàng hóa giá rẻ của Trung Quốc là cơ sở của thương mại Ấn-Trung.
Nga cũng không có nhu cầu sử dụng dịch vụ của lập trình viên và nhà điều hành Ấn Độ, và chính hướng đi này đã có lúc trở thành động lực chính thúc đẩy sự phát triển của thương mại Ấn Độ-Mỹ.
Ấn Độ cần dầu mỏ, nhưng việc đưa dầu từ các nước vùng Vịnh và bán đảo Arab, thậm chí từ châu Phi, rẻ hơn nhiều so với nhập từ Nga. Nền kinh tế của cả Nga và Ấn Độ đều rất cần các khoản đầu tư nước ngoài, nhưng trong vấn đề này họ cũng không thể giúp đỡ lẫn nhau bằng bất kỳ cách nào.
Tin liên quan |
Ấn Độ-Nga: Khi sự đặc quyền vượt ngoài tầm tay của 'người chồng ghen tuông' |
Về chính sách đối ngoại, mọi thứ dường như ít nhiều tốt đẹp: Moscow và New Delhi ủng hộ một trật tự thế giới đa cực và hỗ trợ lẫn nhau trên các diễn đàn quốc tế.
Tuy nhiên, có hai yếu tố nghiêm trọng là Trung Quốc và Mỹ đang dần phá hoại cục diện ổn định này. Khác với Nga, Ấn Độ chưa thể giải quyết các tranh chấp với Trung Quốc. Vì lý do này, Washington đang muốn New Delhi trở thành đồng minh của họ trong cuộc đối đầu toàn cầu mới với Bắc Kinh.
Khó có thể trách Ấn Độ nếu nước này nhận những món quà hào phóng từ một đối tác nước ngoài giàu có, không đòi hỏi điều gì đáp lại. Nhưng động lực của “chiến tranh lạnh” Mỹ-Trung đang ngày càng kéo các quốc gia tách rời nhau để vào các phe khác nhau.
Một ví dụ chính là khái niệm về khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương: Moscow, vốn không hoàn toàn ủng hộ Bắc Kinh trên bình diện quốc tế, nhận thấy rằng Mỹ có âm mưu, còn New Delhi lại nhận thấy ở đó cơ hội để hàn gắn quan hệ với các nước ASEAN và khẳng định khả năng chi phối Ấn Độ Dương.
Tìm kiếm xung lực mới
Điều này không có nghĩa là mối quan hệ giữa Nga và Ấn Độ đã kết thúc. Tuy nhiên, xung lực mới sẽ không tự xuất hiện nếu hai bên không nghiêm túc nỗ lực.
Trước hết, cần hiểu rằng quan hệ đối tác chiến lược không nhất thiết đòi hỏi nền tảng kinh tế vững chắc. Quan hệ đối tác chiến lược Liên Xô-Ấn Độ nảy sinh không phải vì Liên Xô thực sự cần Ấn Độ với tư cách đối tác thương mại, mà vì Moscow và New Delhi phải đối mặt với kẻ thù chung và có lợi ích chính trị chung.
Trong khi đó, kim ngạch thương mại khổng lồ giữa Trung Quốc và Mỹ vẫn không thể ngăn cản chiến tranh lạnh bắt đầu giữa Washington và Bắc Kinh. Mặt khác, chúng ta cũng cần loại bỏ nhận thức thiếu sót rằng quan hệ song phương nhất thiết phải dựa trên kim ngạch thương mại hàng tỷ USD và rằng ta phải cố gắng gia tăng nó bằng mọi giá. Mặc dù vậy, việc đẩy mạnh kim ngạch thương mại song phương là không hề dễ dàng, do vậy không nên coi đây là một thất bại.
Thứ hai, phải thừa nhận rằng những yếu tố chính sách đối ngoại khách quan đang cản trở sự phát triển của quan hệ Nga-Ấn. Trong tương lai gần, Nga sẽ không từ bỏ tiến trình cải thiện quan hệ với Trung Quốc, bởi thông qua các lệnh trừng phạt, Mỹ và phương Tây nói chung không cho Moscow lựa chọn nào khác.
Tương tự như vậy, Ấn Độ sẽ không tranh cãi với Mỹ, bởi nước này không có lý do gì để từ chối sự ủng hộ của nước bá chủ thế giới khi phải đối mặt với một nước láng giềng hiếu chiến.
Thứ ba, Ấn Độ và Nga cần tập trung nỗ lực phát triển các lĩnh vực chức năng và khu vực mà cả hai đều quan tâm. Các doanh nhân và nhà đầu tư Ấn Độ rất hào hứng với thông tin rằng vùng Primorye của Nga đang chào đón họ; điều đó có nghĩa là Nga cần cung cấp mọi điều kiện để họ có thể đến và làm việc. Các nhà thiết kế của Nga và Ấn Độ đã cùng nhau tạo ra tên lửa Brahmos rất thành công và có tiềm năng xuất khẩu cao.
Ấn Độ và Nga hợp tác sản xuất tên lửa Brahmos với tiềm năng xuất khẩu cao. (Nguồn: AP) |
Ngoài ra, các nhà khoa học hạt nhân Nga và Ấn Độ đang xây dựng nhà máy điện hạt nhân Rooppur ở Bangladesh; điều đó có nghĩa là các dự án chung ở thị trường các nước thứ ba sẽ trở thành một dấu ấn trong hợp tác Nga-Ấn.
Cuối cùng, Moscow cần xác định chính sách của mình ở Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Trong khi ở Trung Đông và châu Phi, Nga đang hoạt động tích cực và thể hiện rằng họ sẽ không rời khỏi nhóm các cường quốc, thì ở Thái Bình Dương, người ta có ấn tượng rằng chính sách của Nga vẫn trì trệ như những năm 1990: không gợi chuyện, không nổi bật, ủng hộ tất cả những điều tốt đẹp, chống lại tất cả những điều xấu xa.
Trong bối cảnh khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trở thành chiến trường chính của cuộc đối đầu giữa hai siêu cường Trung-Mỹ, chính sách này của Moscow chắc chắn sẽ thất bại. Chỉ khi Nga chứng tỏ rằng họ là một bên tham gia mạnh mẽ và độc lập trong khu vực thì các nước, trong đó có Ấn Độ, mới nhớ tới và tìm kiếm tình hữu nghị với Moscow.