Đường ống Baltic Pipe là phương án giúp Ba Lan tránh phụ thuộc vào khí đốt của Nga. (Ảnh: Maria Tuxen) |
Phát biểu trên đài phát thanh Siódma9.pl, ông Naimsky nói: “Chúng tôi sẽ không gia hạn hợp đồng với Gazprom”.
Theo ông Naimsky, từ tháng 10/2022, Ba Lan có kế hoạch bắt đầu mua khí đốt qua tuyến đường ống Baltic Pipe. Chính phủ nước này cho rằng, nguồn cung này sẽ đáp ứng mọi nhu cầu của nền kinh tế Ba Lan.
Ba Lan hiện mỗi năm mua 10 tỷ m3 khí đốt của Nga. Hợp đồng cung cấp sẽ hết hạn vào năm 2022. Ba Lan cũng đã nhiều lần tuyên bố không muốn gia hạn.
Tháng 4/2020, Thứ trưởng Bộ Tài sản Nhà nước Ba Lan Janusz Kowalski thông báo nước này có kế hoạch từ bỏ hoàn toàn khí đốt của Nga.
Ngày 3/7, Ủy ban Phúc thẩm về Môi trường và Thực phẩm Đan Mạch đã không xác nhận giấy phép xây dựng Baltic Pipe của Cơ quan Bảo vệ Môi trường Đan Mạch ngày 12/7/2019.
Quyết định này cũng đồng nghĩa với việc Cơ quan Bảo vệ Môi trường Đan Mạch phải thực hiện các thử nghiệm bổ sung cần thiết để đánh giá liệu việc đặt đường ống có hủy hoại hay làm hỏng khu vực sinh sản hoặc cư trú của một số loài động vật sống trong khu vực lắp đặt đường ống dẫn khí đốt theo kế hoạch hay không.
Ba Lan thông báo việc xây dựng Baltic Pipe sẽ tiếp tục bất chấp quyết định trên của Tòa phúc thẩm Đan Mạch.
Tuyến đường ống dẫn khí Baltic Pipe giữa Đan Mạch và Ba Lan được lên kế hoạch đưa vào hoạt động năm 2022. Vacsava quảng bá nó như sự thay thế cho dự án Dòng chảy Phương Bắc 2 của Nga-Đức, chạy dọc đáy biển Baltic.
Năm 2020, chính quyền Ba Lan đề nghị Berlin trong trường hợp ngừng triển khai Dòng chảy Phương Bắc-2 sẽ sử dụng cơ sở hạ tầng Baltic Pipe thay thế.