Syria, nơi “Mùa xuân Ảrập” đi qua. |
Kỳ vọng lớn lao
Ba năm trước, vụ tự thiêu của người bán hàng rong Mohammed Bouazizi đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh người dân Tunisia về sự hà khắc, chuyên quyền của chế độ Zine Abidine Ben Ali và những khó khăn kinh tế mà người dân nước này đang phải đối mặt. Như một hiệu ứng Domino, sự kiện này đã đưa đến các cuộc biểu tình rộng khắp, quét phăng chế độ Ben Ali vào mùa xuân 2011 và sau đó bùng lên thành biển lửa, đe dọa nhấn chìm toàn bộ thế giới Ảrập. Các cuộc biểu tình ôn hòa đã nhanh chóng nhuốm màu bạo lực, lật đổ các chế độ độc tài như Muammar Qaddafi (Libya), Hosni Mubarak (Ai Cập) và Ali Abdullah Saleh (Yemen).
Thắng lợi bước đầu của phong trào Mùa xuân Ảrập đã khiến người dân khu vực kỳ vọng vào việc xây dựng các chính quyền mới dân chủ, cải thiện đời sống kinh tế và chính trị, công ăn việc làm cho giới trẻ, công lý xã hội và giải phóng phụ nữ…
Kết quả hạn chế
Tuy nhiên, chỉ chưa đầy ba năm sau, một cảm giác thất vọng và không khí bi quan đã bao trùm lên toàn khu vực. Ở hầu hết các quốc gia mà Mùa xuân Ảrập đi qua như Tunisia, Ai Cập, Yemen, Libya hay Syria, tình trạng vô chính phủ và hỗn loạn đã thay thế trạng thái không tưởng ban đầu.
Tại Tunisia, mặc dù chế độ Ben Ali không còn tồn tại, quân đội và các nhóm thế tục vẫn duy trì vị thế của họ.
Tại Ai Cập, tình hình chính trị hậu cách mạng đã trở thành tấn bi kịch. Ai Cập có thể được dán cái mác dân chủ nhờ tiến trình bầu cử “tự do”. Tuy nhiên, việc quân đội nước này phế truất vị Tổng thống dân cử Morsi (7/2013) và tiếp đó đặt nhóm Huynh đệ Hồi giáo ngoài vòng pháp luật đã đưa tiến trình “dân chủ” nước này trở lại vạch xuất phát.
Trong khi đó, tại Libya, tình hình cũng không khả quan hơn khi nước này đang phải đối mặt với tình trạng hỗn loạn do Chính quyền trung ương GNC (Đại hội Nhân dân Toàn quốc) không có thực quyền. Vụ lực lượng an ninh bắt giữ Thủ tướng Libya Ali Zeidan ngày 10/10/2013 cho thấy an ninh nước này thời kỳ “Hậu Gaddafi” vẫn là một vấn đề nan giải. Tại Syria, tình hình còn tồi tệ hơn khi cộng đồng quốc tế không thể vận chuyển kho vũ khí hóa học ra khỏi nước này để tiêu hủy trước ngày 31/12/2013. Trong khi đó, phe đối lập vẫn chưa chịu tham dự Hội nghị Hòa bình Geneva II và tuyên bố thành lập Liên minh Hồi giáo mới (tháng 11/2013) bao gồm 11 nhóm để củng cố lực lượng tiếp tục cuộc chiến.
Những bất ổn chính trị đã làm tồi tệ hơn các vấn đề kinh tế - xã hội trong khu vực. Ở các quốc gia có chính biến như Tunisia, Ai Cập, Yemen, Bahrain, Libya và Syria, mức sống tuyệt đại đa số người dân đã đồng loạt giảm sút. Cùng với kinh tế, nạn thất nghiệp tăng cao, các quyền con người khác cũng bị chà đạp nhiều hơn với những vụ bạo hành, xung đột sắc tộc và ngược đãi phụ nữ. Chẳng hạn, từ một xứ sở tương đối yên bình, Ai Cập nay đã trở thành một trong những nơi tồi tệ nhất trong thế giới Ảrập đối với nữ quyền.
Nguyên nhân sâu xa
Có nhiều nguyên nhân lý giải cho tình trạng bất ổn của Bắc Phi - Trung Đông nhưng phải thừa nhận rằng “Mùa xuân Ảrập” không phải là giải pháp cho các vấn đề cơ bản tại khu vực như sự phân phối của cải không đều, các mâu thuẫn vốn được tích tụ từ lâu, thất nghiệp và bất công xã hội. Mặc dù có nhiều tài nguyên phong phú, đặc biệt là trữ lượng dầu lửa, nhưng tình trạng thất nghiệp cao, kinh tế kém phát triển, lạm phát phi mã vẫn là những vấn nạn tại các quốc gia khu vực.
Điển hình là tại Ai Cập, nơi 40% dân số vẫn sống dưới mức nghèo khổ sau khi chế độ Mubarak bị lật đổ. Khi thay đổi chế độ không phải là chìa khóa để giải quyết các vấn nạn tích tụ từ lâu, người dân lại đổ xuống đường, tái diễn màn bạo lực đường phố, và cứ như vậy vòng xoáy luẩn quẩn bất ổn - trì trệ - bất công - bất ổn không ngừng leo thang.
Ngoài ra, góp phần làm tình hình khu vực thêm rối ren còn có vai trò của các lực lượng Hồi giáo chính trị và xung đột sắc tộc. Nếu như mâu thuẫn giữa phe thế tục với Hồi giáo Chính trị đã phá hoại tiến trình dân chủ tại Ai Cập thì sự đối đầu truyền kiếp giữa những người Hồi giáo dòng Sunni với Shiites là nguyên nhân chính dẫn đến tình hình bất ổn và những cuộc chiến huynh đệ tương tàn bất tận tại Syria, Iraq, Lebanon…
Tuy nhiên, bức tranh Bắc Phi – Trung Đông sẽ không thể đầy đủ nếu không đề cập sự can thiệp của Mỹ và phương Tây. Sau phút ngỡ ngàng ban đầu, Mỹ dần nhận ra các mối đe dọa và nguy cơ bất ổn thực sự mà phong trào “Mùa xuân Ảrập” tạo ra cho Mỹ, các đồng minh phương Tây, Israel và các nước Ảrập ôn hòa chứ không phải là kết quả dân chủ hóa, ổn định và thịnh vượng cho khu vực như Mỹ mong muốn. Điều này lý giải việc Mỹ điều chỉnh chính sách, không còn hào hứng với “Mùa xuân Ảrập” nữa và dễ dàng bỏ qua cuộc đảo chính của quân đội Ai Cập lật đổ vị Tổng thống dân cử Morsi tháng 7/2013 vừa qua.
Tương lai mờ mịt
Với những bất ổn hiện hữu và tiềm tàng, có thể dự đoán năm 2014 và những năm tiếp theo sẽ chứng kiến các quốc gia Trung Đông – Bắc Phi tiến theo các hướng khác nhau. Các nước như Tunisia, Libya, Ai Cập… sẽ tiếp tục chứng kiến sự bất ổn trong quá trình chuyển đổi dân chủ thông qua các cuộc bầu cử quốc hội, xây dựng hiến pháp và lập chính quyền mới. Các quốc gia mà “Mùa xuân Ảrập” chưa tràn qua sẽ tiếp tục “câu giờ” với cải cách nửa vời để tiếp tục trì hoãn giải quyết các vấn nạn xã hội, chính trị, kinh tế mà họ đang phải đối mặt.
Syria vẫn chưa thoát khỏi nguy cơ nội chiến và sự can thiệp của phương Tây mặc dù kho vũ khí hóa học đang được chuyển ra khỏi nước này để tiêu hủy. Trong khi đó, vấn đề hạt nhân của Iran vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro vì quan điểm giữa Mỹ và Iran về một thỏa thuận toàn diện vẫn còn quá nhiều khác biệt. Cùng với đó, giới hạn chót 9 tháng mà Mỹ đặt ra cho giải pháp “đột phá” của tiến trình hòa bình Trung Đông đang gần cán đích trong khi Israel và Palestine vẫn chưa tìm được tiếng nói chung trong nhiều vấn đề.
Với các diễn biến trên, nhiều khả năng trong thời gian tới, hầu hết các quốc gia Trung Đông - Bắc Phi đều khó có thể miễn dịch trước các thách thức mà khu vực đang phải đối mặt. Điều đó cho thấy tiến trình chuyển đổi dân chủ thực sự của khu vực sẽ cần nhiều thập niên nữa mới có thể hoàn thành. Do đó sẽ không quá khi nói rằng: Ba năm “Mùa xuân Ảrập” vừa qua mới chỉ là sự khởi đầu của một thời kỳ bất ổn mới, chưa thấy “ánh sáng cuối đường hầm” tại khu vực Bắc Phi – Trung Đông.
Theo thống kê của Liên hợp quốc, trong vòng ba năm từ khi bắt đầu “Mùa xuân Ảrập”, các cuộc xung đột đã cướp đi sinh mạng khoảng 180 nghìn người, làm thiệt hại 800 tỉ USD, khiến 11 triệu người phải rời khỏi nhà cửa và tác động tiêu cực đến đời sống của 200 triệu người dân khu vực. Libya: khoảng 30.000 – 50.000 người đã bị giết trong các cuộc xung đột. Syria: nội chiến làm hơn 120 nghìn người thiệt mạng, khoảng ba phần tư dân số Syria sẽ cần đến viện trợ nhân đạo trong năm 2014. Hiện một phần ba dân số Syria đã và đang chuẩn bị di tản trong khi số người tị nạn tại Lebanon và Jordan hiện đã tương đương với hơn 20% dân số của các quốc gia này.
Nguyễn Văn Bình
Viện Nghiên cứu Chiến lược Ngoại giao