Hà Nội là Thủ đô nghìn năm văn hiến, nơi hội tụ, tỏa sáng những giá trị văn hóa của đất nước. Chính vì thế, những điều khoản cho sự phát triển văn hóa Thủ đô cũng là tạo điều kiện cho sự tỏa sáng của văn hóa đất nước.
Thủ đô rất quan tâm đến phát triển công nghiệp văn hóa. Thành ủy Hà Nội đã có Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 22/2/2022 về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn tới năm 2045”.
Nghị quyết 09-NQ/TU đặt ra mục tiêu tạo bước phát triển toàn diện ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô cả về quy mô, chất lượng sản phẩm, dịch vụ và thị trường, bảo đảm phát triển bền vững, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có tốc độ, tỷ trọng, giá trị gia tăng cao; hoạt động có tính chuyên nghiệp với kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Cùng với đó là dịch vụ, sản phẩm văn hóa đa dạng, có chất lượng, có thương hiệu, đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ của người dân trong nước, thúc đẩy phát triển du lịch và xuất khẩu.
ĐBQH. Bùi Hoài Sơn nhận định, Luật Thủ đô (sửa đổi) là "cú hích" cho phát triển văn hóa Hà Nội. (Ảnh: Thành Châu/TGVN) |
Đến năm 2025, ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô trở thành ngành kinh tế quan trọng, tạo động lực mới thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; phấn đấu đóng góp khoảng 5% GRDP của Thành phố. Đến năm 2030, ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô cơ bản trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác. Hà Nội nằm trong nhóm các thành phố có ngành công nghiệp văn hóa phát triển hàng đầu có thương hiệu, sản phẩm uy tín, khả năng cạnh tranh cao với các TP trong khu vực. Phấn đấu doanh thu từ các ngành công nghiệp văn hóa tăng dần qua từng năm...
Ngày 28/6/2024, Luật Thủ đô (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua với tỷ lệ phiếu tán thành rất cao. Đây là một sự kiện có ý nghĩa lịch sử đối với sự phát triển Thủ đô nói chung, văn hóa Thủ đô nói riêng.
Trong Luật Thủ đô (sửa đổi), có rất nhiều quy định liên quan văn hóa. Không chỉ tại Điều 21 quy định riêng về các vấn đề liên quan văn hóa, thể thao, du lịch mà trong các điều khoản khác cũng có những quy định về các khu công nghiệp văn hóa, không gian sáng tạo... Đặc biệt, Luật đã tháo gỡ các vấn đề vướng mắc trong đầu tư PPP (đầu tư theo hình thức đối tác công tư), trong Luật Quản lý, sử dụng tài sản công. Từ đó tạo ra những thuận lợi giúp lĩnh vực văn hóa có những bước phát triển mới.
Nhiều chính sách thuận lợi cho phát triển văn hóa
Luật Thủ đô (sửa đổi) được thông qua với nhiều chính sách, quy định tạo thuận lợi cho sự phát triển văn hóa. Trong Luật đã nhấn mạnh: “Việc bảo vệ và phát triển văn hóa Thủ đô phải xứng tầm với truyền thống nghìn năm Thăng Long - Hà Nội; xây dựng Hà Nội là trung tâm hội tụ, kết tinh văn hóa của cả nước; xây dựng văn hóa người Hà Nội hào hoa, thanh lịch, nghĩa tình, văn minh, tiêu biểu cho văn hóa, lương tri và phẩm giá con người Việt Nam”.
Điều này được cụ thể hóa bằng các biện pháp ưu tiên nguồn lực cho bảo vệ và phát triển văn hóa Thủ đô; việc đầu tư các nguồn lực nhằm quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả đáp ứng yêu cầu bảo vệ, phát triển văn hóa Thủ đô và hội nhập quốc tế. Cùng với đó là đầu tư nguồn lực phát triển thể thao thành tích cao, xây dựng công trình thể thao hiện đại đạt tiêu chuẩn khu vực và thế giới; đào tạo, bồi dưỡng vận động viên, huấn luyện viên đạt trình độ quốc gia, quốc tế; khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia phát triển thể thao thành tích cao, thể thao chuyên nghiệp.
Chia sẻ với Báo Thế giới và Việt Nam, ĐBQH. Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, đối với Hà Nội, việc phát triển các ngành công nghiệp văn hóa có ý nghĩa hết sức quan trọng. Hà Nội là thành phố đầu tiên tham gia mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO, dành riêng một nghị quyết của Thành ủy cho phát triển các ngành công nghiệp văn hóa.
"Sức sống của sự phát triển các ngành công nghiệp văn hóa có thể thấy hàng ngày qua các sự kiện văn hóa, nghệ thuật, ở phố đi bộ, những cây cầu vượt, hay ngay cả những khu tập thể cũ, nhà máy cũ. Thậm chí cả những nơi trước đây đã từng là bãi rác ô nhiễm, không ai muốn tới, giờ đây đã trở thành địa điểm thơ mộng, check-in cho giới trẻ, phục vụ cho đời sống người dân. Luật Thủ đô (sửa đổi) như một 'cú hích', tiếp sức cho làn sóng đổi mới, sáng tạo của công nghiệp văn hóa, là sự động viên rất lớn đối với các nghệ sĩ, những người thực hành và kinh doanh văn hóa, nghệ thuật ở Hà Nội", ĐBQH. Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh.
Hoa bằng lăng và hoa phượng khiến Hà Nội trở nên mộng mơ hơn. (Ảnh: Minh Châu) |
Nơi hội tụ văn hóa cả nước
Không chỉ dừng lại ở những quy định ở Điều 21 (Phát triển văn hóa, thể thao, du lịch), tinh thần phát huy giá trị văn hóa Hà Nội để sự phát triển văn hóa Thủ đô trở thành ngọn hải đăng dẫn dắt, điều tiết sự phát triển văn hóa của đất nước còn được thể hiện ở những quy định rất cởi mở, tháo gỡ được những điểm nghẽn trong hợp tác công tư trong lĩnh vực văn hóa khi quy định cho phép “Áp dụng phương thức đối tác công tư đối với các dự án thuộc lĩnh vực văn hóa, thể thao trên địa bàn Thành phố. Quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu đối với dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư thuộc lĩnh vực văn hóa, thể thao thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư thuộc lĩnh vực y tế, giáo dục - đào tạo” (tại Điều 39).
"Luật Thủ đô (sửa đổi) cùng với Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 đã tạo ra nền tảng pháp lý và kế hoạch phát triển đồng bộ, giúp thúc đẩy phát triển văn hóa, kinh tế - xã hội". |
Hay điểm nghẽn trong quản lý, sử dụng tài sản công bằng cách quy định “Cơ quan, tổ chức đang được giao quản lý, sử dụng công trình, hạng mục công trình là tài sản công quy định tại khoản 2 Điều này trên địa bàn Thành phố được ký hợp đồng nhượng quyền khai thác, quản lý với nhà đầu tư, doanh nghiệp để khai thác công trình, hạng mục công trình trong một thời gian nhất định” (tại Điều 41).
Những quy định này thể hiện được hai thông điệp quan trọng. Thứ nhất, đây là những điểm nghẽn lớn đã được chỉ ra trong nhiều hội nghị, hội thảo và các phiên chất vấn, giải trình gần đây do Quốc hội tổ chức nhưng chưa có cách xử lý phù hợp nhất trong bối cảnh hiện nay. Thứ hai, việc các quy định này không chỉ áp dụng cho các đơn vị, dự án của Hà Nội, mà còn cho cả các đơn vị, dự án trên địa bàn Hà Nội, đã thể hiện rõ tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội”.
ĐHQH. Bùi Hoài Sơn đánh giá, những tháo gỡ này sẽ không chỉ giúp cho các thiết chế văn hóa của Thủ đô phát triển mạnh mẽ hơn, xứng tầm với trái tim văn hóa của cả nước, mà còn giúp cho các thiết chế văn hóa, thể thao lớn của Trung ương ở Hà Nội phát huy hơn nữa giá trị của mình, đóng góp nhiều hơn vào bức tranh văn hóa, thể thao chung của đất nước từ Thủ đô.
Luật Thủ đô (sửa đổi) cùng với Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 đã tạo ra nền tảng pháp lý và kế hoạch phát triển đồng bộ, giúp thúc đẩy phát triển văn hóa, kinh tế - xã hội.
"Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trên cơ sở bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, lịch sử của Hà Nội; định hướng phát triển hạ tầng giao thông, đô thị và các dịch vụ công cộng hiện đại, đáp ứng nhu cầu phát triển của Thủ đô, cải thiện chất lượng sống của người dân… tạo nên một Hà Nội 'Văn hiến, Văn minh, Hiện đại', xanh, thông minh, nơi hội tụ tinh hoa văn hóa của cả nước và thế giới", ĐBQH. Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh.