Bạn đã biết nghi thức lễ tân ở một số nước quy định như thế nào chưa? |
Nhiều tập quán về nghi lễ ngoại giao được đặt ra trong thời gian trước kia, khi mà quan hệ ngoại giao và những hoạt động quốc tế ít hơn nhiều so với hiện nay. Có những nghi thức được đề ra từ thời xa xưa, nay vẫn tồn tại và có hiệu lực hầu như nguyên vẹn, mặc dù điều kiện cuộc sống ngày nay đã thay đổi.
Lấy ví dụ như nghi thức trình Thư ủy nhiệm của các đại diện ngoại giao được đề ra từ thời phong kiến với những cỗ xe hoa, những trang phục lộng lẫy, đội nhạc binh, đơn vị danh dự… biểu hiện cho sự giàu sang và sức mạnh của quốc gia.
Xu hướng chung hiện nay là cải tiến nghi thức lễ tân theo hướng đơn giản hơn, bỏ bớt phần phô trương hình thức, tốn kém và chỉ giữ lại những phần thiết thực cần thiết để tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển các mối quan hệ và biểu hiện sự tôn trọng lẫn nhau trong giao thiệp quốc tế.
Những năm gần đây, nhiều nước đã đơn giản nghi thức lễ tân, đặc biệt trong việc đón tiếp các đoàn khách nước ngoài để tránh làm cồng kềnh chương trình cuộc đi thăm, mất nhiều thời gian của lãnh đạo và nhân dân.
Về nghi thức đón tiếp, đối với Nguyên thủ Quốc gia, phần lớn các nước đã bỏ lệ cho phi đội phản lực hộ tống khi chuyên cơ của khách vào vùng trời quốc gia, bỏ lệ bắn đại bác chào mừng, bỏ lệ mời Đoàn ngoại giao tham dự đón tiễn và chiêu đãi. Đối với nghi thức đón Thủ tướng nước ngoài thăm chính thức, có nước đã bỏ lệ cử quốc thiều và duyệt đội danh dự.
Về địa điểm tổ chức lễ đón chính thức, để giản tiện trong việc đi lại phần lớn các quốc gia đã không tổ chức ở sân bay cách xa thủ đô mà làm ở nhà khách hoặc một quảng trường trong thành phố. Tổng thống Mỹ đón chính thức Nguyên thủ Quốc gia nước ngoài tại Nhà Trắng, Tổng thống Nga đón tại cung điện lớn Kremlin. Ở Trung Quốc, lễ đón chính thức Nguyên thủ và Thủ tướng nước ngoài đều tổ chức ở quảng trường Đại Lễ đường, ở Ấn Độ trước dinh Tổng thống, ở Indonesia trong dinh Độc Lập, ở Việt Nam ở Phủ Chủ tịch…
Việc huy động quần chúng vẫy cờ hoa đón tiễn khách và tổ chức míttinh chào mừng không còn được duy trì ở nhiều nước. Việc tổ chức chiêu đãi ngày càng đơn giản và tiết kiệm. Đối với các cuộc chiêu đãi, nhiều nước quy định nghiêm ngặt, hạn chế dùng rượu đắt tiền, còn món ăn thì yêu cầu chủ yếu là ngon và tinh khiết, không cần cao lương mỹ vị với những đặc sản quý hiếm đắt tiền. Tặng phẩm nếu có thường là vật lưu niệm rất giản dị có tính dân tộc.
Việc đài thọ cho khách viếng thăm theo xu hướng chung là đề cao tiết kiệm. Có nước quy định thời gian tối đa cho các cuộc thăm viếng, nếu chương trình chuyến thăm dài hơn thời gian ấn định thì khách phải tự đài thọ. Đa số các nước quy định số lượng tối đa thành viên của một đoàn được nước chủ nhà đài thọ.
Ví dụ, Nhật Bản quy định đối với đoàn Nguyên thủ Quốc gia thăm nhà nước, chỉ đài thọ cho Nguyên thủ cùng Phu nhân và 9 thành viên khác trong thời gian 3 ngày 2 đêm. Nga cũng quy định tương tự như vậy. Trung Quốc quy định đối với đoàn Nguyên thủ Quốc gia đài thọ chi phí cho Nguyên thủ, Phu nhân và 12 thành viên khác.
| Nghi lễ ngoại giao ra đời và phát triển như thế nào? TGVN. Nghi lễ ngoại giao hình thành và phát triển cùng với sự phát triển của chế độ kinh tế, xã hội của các quốc ... |
| Ngôi thứ xã giao sắp xếp như thế nào? TGVN. Bên cạnh ngôi thứ theo pháp lý còn có ngôi thứ xã giao, vậy sắp xếp như thế nào để tránh tranh chấp giữa ... |
| Trong ngoại giao, vị trí danh dự trong bàn tiệc và trên xe ô tô thường được xếp như thế nào? TGVN. Trong hoạt động ngoại giao, bạn đã biết vị trí danh dự trong bàn tiệc hay trên ô tô chưa, hãy cùng chúng tôi ... |