📞

Bản dịch 'Nhật ký trong tù' của Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng tiếng Na Uy có gì đặc biệt?

Võ Xuân Quế 16:54 | 20/01/2021
TGVN. Cách đây hơn nửa thế kỷ, 'Nhật ký trong tù' của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng được dịch ra một ngôn ngữ Bắc Âu khác là tiếng Na Uy, có tên 'Ho Chi Minh: Dagbok frå fengslet'.

Trong một bài viết tháng 12/2020 về các bản dịch Nhật ký trong tù của Chủ tịch Hồ Chí Minh, TG&VN có viết: “Với việc có thêm bản dịch tiếng Phần Lan và tiếng Albania, cho đến nay 'Nhật ký trong tù' đã được dịch ra ít nhất 33 ngôn ngữ nước ngoài”

Nhưng, theo thông tin mới, Nhật ký trong tù của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã từng được dịch ra một ngôn ngữ Bắc Âu khác là tiếng Na Uy. Đó là bản dịch có tên Ho Chi Minh: Dagbok frå fengslet (Hồ Chí Minh: Nhật ký trong tù) do Tor Obrestad dịch, nhà xuất bản Pax Forlag AS xuất bản lần đầu tiên ở Oslo năm 1969 và lần thứ hai năm 1973.

Bản dịch chưa được nhắc đến

Theo lời dịch giả Tor Obrestad ghi ở trang cuối cùng của bản dịch, Ho Chi Minh: Dagbok frå fengslet được dịch ra tiếng Na Uy dựa trên bản dịch tiếng Anh Prison Diary của Aileen Palmer, nhà xuất bản Ngoại văn xuất bản năm 1967 (bản in lần thứ 4) tại Hà Nội và bản dịch tiếng Pháp Carnet de Prison của Phan Nhuận, Nhà xuất bản Ngoại văn xuất bản năm 1967 tại Hà Nội.

Bìa sách ‘Nhật ký trong tù’ bằng tiếng Na Uy. (Ảnh: Võ Xuân Quế)

Bản dịch gồm 100 bài thơ được tập hợp và in trong cuốn sách gồm 53 trang, khổ 13,6x 19,7cm. Trong lần xuất bản thứ hai, 46 trang đầu là các bài thơ dịch, mỗi trang có thể gồm 1 hoặc 3 bài thơ tùy theo độ dài của bài thơ.

Từ trang 47 đến trang 53 là Lời tựa cho lần xuất bản thứ hai (trang 47) và Lời nói đầu của dịch giả Tor Obrestad (trang 48-49), trong đó ông giới thiệu vắn tắt về sự ra đời của Nhật ký trong tù và vài nét về cuộc đời hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Trang 50-53, Obrestad trích dịch một số lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào các năm 1947, 1948, 1949 và lời kêu gọi nhịn ăn để góp gạo chống đói năm 1945.

Trong lời tựa cho lần xuất bản thứ hai, viết ngày 4/1/1973, Tor Obrestad đã viết: “Chúng ta, những người dân phương Tây sẽ không bao giờ quên Hồ Chi Minh và nhân dân Việt Nam. Một quốc gia nhỏ bé chưa từng tấn công ai đã đánh bại cỗ máy chiến tranh mạnh nhất của chủ nghĩa đế quốc.

Đối với nhiều người trong chúng ta đang sống dưới chủ nghĩa đế quốc, Hồ Chí Minh và nhân dân của Người là biểu tượng của ý chí chống lại áp bức trên thế giới; bóng râm ban ngày và ánh lửa ban đêm cho ý chí độc lập của một dân tộc nhỏ. Nhân dân Việt Nam là một bảo chứng cho những dân tộc nhỏ bé có quyền và sức mạnh để bảo vệ quyền này và các quốc gia lớn mạnh không thể hủy diệt. Những bài thơ của Hồ Chí Minh cho ta biết một ít lý do vì sao lại như vậy. Đó là một phần sự giải phóng của chúng ta để giúp đỡ Việt Nam xây dựng đất nước của họ”.

Những dòng giới thiệu trên đây đã cho chúng ta biết được phần nào tình cảm yêu mến và quý trọng của dịch giả, nhà thơ Tor Obrestad đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng như đối với nhân dân Việt Nam lúc bấy giờ.

Giống như bản dịch tiếng Phần Lan, bản dịch tiếng Na Uy cũng không có bài Word-Play (Chơi chữ) do đó không có 1 trang chữ Hán bài này và không có chữ Hán trang Fac-simile of President HO CHI MINH’s autograph như bản nguồn tiếng Anh của Aileen Palmer. Tuy nhiên, khác với bản dịch tiếng Phần Lan, Nhật ký trong tù bằng tiếng Na Uy không có bài 芭鄉狗肉 - Thịt chó ở Bào Hương.

Ngoài ra, bên cạnh phần giới thiệu và phụ lục ở cuối sách, bản dịch tiếng Na Uy còn có một số chú thích (10 chú thích) trong một số bài dịch, trong đó có 6 chú thích không có trong bản tiếng Anh của Palmer. Đáng chú ý, trong bản dịch tiếng Na Uy, các chú thích này không phải để cuối sách như bản tiếng Anh của Aileen Palmer hay của Đặng Thế Bính, mà được để cuối trang của bài thơ có chú thích. Điều này nói lên sự làm việc chu đáo, công phu của dịch giả Tor Obrestad đồng thời giúp cho người đọc dễ hiểu hơn xuất xứ và nội dung của các bài thơ.

Chẳng hạn, dưới bản dịch bài Thanh minh - 清明 (Tsingmig-festen) của bản tiếng Na Uy, Obrestad chú thích: “Thanh minh là một khoảng thời gian trong lịch cổ đại của Trung Quốc tương ứng với mười bốn ngày đầu tiên của tháng Tư. Trong văn học cổ điển Trung Quốc, có một bức tranh về mùa Xuân, thời kỳ cây trái và cây cảnh nở hoa. Nhưng ở miền Nam Trung Quốc lúc này trời mưa dầm”. Hay sau bài cuối cùng của tập thơ “Mới ra tù học leo núi - 新出獄學登山” (Gå I Fjellet etter Fanetida), dịch giả chú thích: “Dãy núi phía Tây là dãy núi nơi người ta có thể nhìn thấy Lio Chou khi tác giả được thả. Bài thơ này không được đưa vào ấn bản sớm nhất của Nhật ký Hồ Chí Minh. Ông được trả tự do vào mùa Xuân năm 1943. Vào thời điểm đó, có tin đồn ở Việt Nam rằng ông đã qua đời. Một thời gian sau, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói: "Chúng tôi nhận được một tờ báo của Trung Quốc, trên bìa có ghi câu này, và chúng tôi biết bản thảo".

Dịch giả của hai nhà thơ lớn Việt Nam

Tor Obrestad là một nhà văn, nhà thơ và nhà báo người Na Uy, sinh ngày 12/2/1938 tại Hå på Jæren, mất ngày 25/1/2020 tại Nærbø, một thành phố phía Tây Nam Na Uy, cách Oslo khoảng 50km. Tor Obrestad từng học tại trường Cao đẳng sư phạm ở Elverum và làm giáo viên, sau đó học tại Đại học Oslo.

Bản dịch thơ Giang Lam bằng tiếng Na Uy. (Ảnh: Võ Xuân Quế)

Tor Obrestad nổi tiếng là một người có sức khỏe tốt. Hồi còn trẻ, ông là vận động viên chạy cự ly trung bình đầy triển vọng ở cự ly 800 và 1.500 mét và có kỷ lục chạy cự ly 1.000 mét. Ông từng giành được Huy chương Đồng trong cuộc thi Marathon ở Oslo với thành tích 2.37.00 phút, khi ở tuổi 43 tuổi. Từng tham gia trong một cuộc đua trượt tuyết ở Na Uy khi ở 60 tuổi, Tor Obrestad có 6 người con, trong đó cặp sinh đôi sau cùng ra đời năm 2001.

Tor Obrestad là một người có tư tưởng dân chủ xã hội ở Na Uy vào thập niên 60-70 và được coi là người đi đầu trong việc thành lập các nhóm theo chủ nghĩa Mác-Lênin, tiền thân của Đảng Cộng sản Na Uy - AKP (tiếng Na Uy: Arbeidernes Kommunistparti - AKP).

Vào năm 1968, Tor Obrestad đã cùng với các nhà văn Dag Solstad, Kjell Askildsen, Bjørn Nilsen, Einar Økland và Arnljot Eggen sáng lập Hội Nhà văn Na Uy. Tor Obrestad là một trong những thành viên chủ chốt của Profil - Tạp chí Văn học nổi tiếng của Na Uy (ra đời năm 1938) và là diễn đàn của những người có tư tưởng thiên tả vào thập kỷ 70 của thế kỷ trước.

Tư tưởng thiên tả đó phần nào đã nói lên việc Tor Obrestad dịch Nhật ký trong tù sang tiếng Na Uy. Hai năm sau, năm 1971, Tor Obrestad cùng với Kjell Heggelund dịch thơ Mao Trạch Đông sang tiếng Na Uy trong tác phẩm Mao Tsetungs. Tiếp đó Tor Obrestad lại dịch một số bài thơ của nhà thơ Giang Nam sang tiếng Na Uy trong cuốn sách có tên Heimlandet mitt (Quê hương) xuất bản năm 1978.

Trong một bài trả lời phỏng vấn trên báo năm 2007, Obrestad đã nói: “Chúng tôi có cảm giác rất mạnh mẽ rằng mọi thứ sẽ trở thành địa ngục. Một là sợ chiến tranh hạt nhân, hai là ô nhiễm toàn cầu, thứ ba là chúng tôi là đồng minh với Hoa Kỳ và do đó cùng chịu trách nhiệm về chiến tranh, đàn áp ở Việt Nam… Chúng tôi cảm thấy bị mắc kẹt bởi một hệ thống đế quốc không có lối thoát. Sau đó tôi đến Pháp vào mùa Đông năm 1968-1969. Ở đó, tôi dịch các bài thơ của Hồ Chí Minh sang tiếng Na Uy, Nhật ký trong tù. Cùng năm đó tôi xuất bản cuốn tiểu thuyết Marionettar (Những con rối). Đó là cảm giác của chúng tôi, chúng tôi là những con rối trên sân khấu”.

Kể từ khi bước vào làng văn năm 1966 với tập thơ Kollisjon và một tập truyện ngắn Vind cho đến tác phẩm cuối cùng vào năm 2009, Tor Obrestad đã xuất bản tất cả 67 tác phẩm: tiểu thuyết, thơ, truyện ngắn, kịch, ký sự nhân vật. Ho Chi Minh: Dagbok frå fengslet là tác phẩm thứ 5, nhưng là tác phẩm dịch thứ 2 trong số 12 tác phẩm dịch của Obrestad, sau tác phẩm dịch đầu tiên William Blake, xuất bản năm 1967. William Blake (1757-1827) là nhà thơ, họa sĩ Anh, một trong những người mà Obrestad hâm mộ.

Dịch giả Tor Obrestad. (Nguồn: http://www.xn--srfylket-54a.no/)

Tor Obrestad đã nhận được một số giải thưởng văn học của Na Uy, trong đó có hai giải thưởng đáng chú ý nhất là: Giải thưởng "Tarjei Vesaa”, dành cho tác phẩm đầu tay (năm 1966) và Giải thưởng Mållag dành cho tác phẩm viết cho thiếu nhi (năm 1985).

Như vậy, với hai tác phẩm Ho Chi Minh: Dagbok frå fengslet (1969) và Heimlandet mitt (1978), Tor Obrestad là nhà văn Na Uy đầu tiên dịch văn học Việt Nam sang tiếng Na Uy và Nhật ký trong tù cũng là tác phẩm văn học Việt Nam đầu tiên đến với bạn đọc Na Uy.

Hơn thế nữa, cho đến thời điểm này Tor Obrestad cũng là người dịch nhiều tác phẩm văn học Việt Nam sang tiếng Na Uy nhất. Đáng tiếc là sau hơn nửa thế kỷ ra đời và tròn một năm sau khi Tor Obrestad về thế giới bên kia, chúng ta mới biết đến tác phẩm dịch của ông.

--------

Tác giả chân thành cảm ơn Vidar Iversen từ Thư viện Quốc gia Na Uy đã nhiệt tình cung cấp một số tư liệu trong bài viết này.