Kính cải thiện tầm nhìn
Một số nghiên cứu cho thấy, phần lớn người khiếm thị dù hạn chế về khả năng nhìn nhưng không hoàn toàn mất khả năng quan sát. Lấy ý tưởng từ nghiên cứu này, TS. Stephen Hicks cùng các cộng sự ở Đại học Oxford (Anh) đã phát minh ra sản phẩm kính thông minh với mục đích mang lại cho người dùng có thị lực kém khả năng tự do đi lại giữa những nơi không quen thuộc và phát hiện vật cản trên lộ trình di chuyển.
Kính giúp cải thiện tầm nhìn được thiết kế với hai camera nhỏ gắn trên góc kính đảm nhiệm chức năng ghi lại hai hình ảnh khác nhau như mắt người. Các hình ảnh sẽ hiển thị thông tin từ camera lên màn hình LED trong suốt trên mắt kính, nhờ đó người đeo kính sẽ nhìn thấy hình ảnh được rõ nét hơn và vẫn có thể sử dụng tầm nhìn hiện tại của họ.
Kính thông minh cũng được gắn một la bàn, một thiết bị định vị GPS và một con quay hồi chuyển để đo đạc cũng như duy trì phương hướng. Bộ tai nghe thực hiện chức năng tiếp nhận và chuyển thông tin ở dạng văn bản như các con số, ký hiệu thành đoạn âm thanh giúp định hướng cho người đeo kính.
Thời gian tới, các nhà nghiên cứ hy vọng có thể phát triển phần mềm với nhiều chức năng như kính thông minh có thể đọc to địa điểm hay số xe buýt...
Ngón tay đọc sách
Do các nhà khoa học đến từ Viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ) phát triển, FingerReader (Ngón tay đọc sách) có hình dạng như chiếc nhẫn đeo trên ngón tay người dùng. Khi người đọc đặt ngón tay trên những dòng chữ của trang giấy, máy sẽ tự động đọc nội dung nhờ một máy ảnh nhỏ có khả năng quét văn bản và hệ thống chuyển đổi văn bản thành dạng âm thanh. Để hoạt động hiệu quả, thiết bị này có gắn tín hiệu phản hồi, rung nhẹ khi ngón tay lệch khỏi dòng chữ hoặc nhận biết điểm bắt đầu và dòng cuối của văn bản.
Dù mẫu thiết kế hiện tại vẫn còn trong giai đoạn thử nghiệm, FingerReader là công cụ tuyệt vời giúp người khiếm thị có thể đọc sách và sử dụng các phương tiện truyền thông như người bình thường.
Gậy giúp nhận diện người quen
Các nhà khoa học Anh vừa sáng chế ra một loại gậy dẫn đường thông minh, có chức năng giúp người khiếm thị nhận diện được khuôn mặt của bạn bè, người thân dù đang ở những nơi đông đúc.
Cây gậy đặc biệt này có tên XploR, được thiết kế dựa trên công nghệ điện thoại thông minh, có thể nhận diện khuôn mặt từ khoảng cách 10m.
Cây gậy hoạt động bằng cách chụp khuôn mặt người ở xung quanh, sau đó so sánh với một kho hình ảnh lưu trữ trong thẻ nhớ bằng cách sử dụng phần mềm nhận diện khuôn mặt. Khi tìm được hình ảnh trùng khớp, nó sẽ báo cho người khiếm thị bằng cách rung và phát ra âm thanh đến một tai nghe thông qua kết nối bluetooth. Gậy cũng được trang bị hệ thống GPS để giúp người dùng di chuyển.
Ứng dụng giúp leo núi
Việc leo núi những tưởng là không tưởng đối với người khiếm thị thì giờ đây, nhờ một cây gậy dò đường kết nối với điện thoại thông minh, những người khiếm thị ưa thích khám phá đã có cơ hội biến điều này thành sự thật.
Ứng dụng trên điện thoại thông minh sẽ sử dụng công nghệ định vị GPS được cập nhật mười giây mỗi lần giúp người khiếm thị biết các ngã rẽ hoặc cảnh báo họ về nguy cơ tiềm ẩn ở phía trước.
Được phát minh bởi một nhóm nghiên cứu tại Đại học Strasbourg (Pháp), ứng dụng là một trong những phát minh đáng chú ý trong cuộc cách mạng khai thác sức mạnh công nghệ nhằm cải thiện cuộc sống của những người khiếm thị.
“Với sự hỗ trợ của ứng dụng này, những người khiếm thị như tôi có thể tự do khám phá thế giới xung quanh, thậm chí tham gia một số môn thể thao”, anh Nicolas Linder, 30 tuổi, một người khiếm thị chia sẻ.
Mai Trần (tổng hợp)