TIN LIÊN QUAN | |
Thương mại điện tử - cơ hội cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa | |
“Chiến lược P.L.A.C.E marketing” trong bán hàng là gì? |
Với sự phát triển của thương mại điện tử (TMĐT), bán lẻ kiểu “thuần túy đơn kênh” sẽ dần biến mất mà thay bằng Omnichanel (Bán hàng đa kênh).
Cơ hội cho doanh nghiệp nhỏ và vừa
Bán hàng đa kênh, hình thức kết hợp giữa bán hàng truyền thống và bán hàng trực tuyến (hay TMĐT) đã trở thành xu hướng của các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Những năm gần đây, doanh thu từ TMĐT ở Việt Nam đã có tốc độ tăng trưởng bình quân 22%/năm, thuộc nhóm nhanh nhất trên thế giới.
Theo Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam (VECOM), TMĐT là công cụ hữu ích cho việc triển khai hoạt động kinh doanh trực tuyến, giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận thị trường, quảng bá hình ảnh và giới thiệu sản phẩm đến tay người tiêu dùng nhanh và hiệu quả nhất.
Ảnh minh họa. (Nguồn: transperfect) |
Cũng theo VECOM, hiện có trên 40% doanh nghiệp đạt được doanh thu cao hơn nhờ TMĐT và khoảng 52% dân số của Việt Nam có kết nối internet, 65% trong số đó đã từng mua hàng trực tuyến. Khoảng 70% người tiêu dùng trước khi trực tiếp đến cửa hàng họ chọn phương pháp lên mạng tìm kiếm thông tin và địa chỉ nơi bán sản phẩm. 82% người dùng vào điện thoại để quyết định mua gì ngay khi đang ở trong cửa hàng.
Bên cạnh đó, theo dự báo của Google, đến năm 2020, cứ 10 người Việt sẽ có 8 người sử dụng điện thoại thông minh, 46% người sở hữu máy tính cá nhân.
Bên lề Hội nghị quan chức cao cấp APEC lần thứ 2 (SOM 2) vừa qua, bà Mari Pangtesu, nguyên Bộ trưởng Thương mại Indonesia, Chủ tịch nhóm Adhoc về Kinh tế mạng của APEC cũng cho rằng, trong bối cảnh toàn cầu hóa, TMĐT là cơ hội để các doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể bán sản phẩm ra nước ngoài.
Mari Pangtesu, nguyên Bộ trưởng Thương mại Indonesia. (Ảnh: NH) |
VECOM cũng dự báo, giai đoạn 2016 - 2020 sẽ là giai đoạn phát triển rất nhanh của TMĐT. Điều này được lý giải bởi các lý do: Kinh tế Việt Nam đã qua khỏi khủng hoảng, phát triển ổn định với tốc độ khá cao (khoảng 6%/năm); Quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, toàn cầu hóa đang diễn ra mạnh mẽ; Chính phủ đã có Kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT giai đoạn 2016 - 2020; Số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng nhanh…
Còn nhiều thách thức...
Tại một hội thảo về TMĐT mới đây do VECOM tổ chức, ông Phạm Thành Công, Công ty nghiên cứu Nielsen nhận định, TMĐT sẽ là xu hướng phát triển tất yếu. Tuy nhiên, TMĐT tại Việt Nam còn gặp nhiều thách thức để phát triển, như vấn đề thanh toán trực tuyến, giao hàng hay sử dụng công nghệ di động.
Khách hàng hiện nay có thể đến từ rất nhiều nguồn. Họ xem thông tin từ nhiều thiết bị khác nhau, đôi khi đến cửa hàng truyền thống để “sờ tận tay" sản phẩm nhưng rồi lại quyết định mua món hàng đó bằng hình thức online vì giá rẻ hơn và được miễn phí vận chuyển. Xu hướng hiện nay là thương mại đa kênh, đa chiều và tương tác với người tiêu dùng: tìm kiếm thông tin trên mạng, ra mua hàng tại cửa hàng hoặc tìm thông tin ở cửa hàng rồi đặt hàng qua mạng.
Trên thực tế, có nhiều cửa hàng đã được tối ưu hóa để đem lại những trải nghiệm thực sự thú vị. Điện thoại di động sẽ đóng một vai trò lớn hơn trong mua sắm theo kiểu “chạm tay - thu nhận hàng”.
Vậy, đối với các doanh nghiệp, làm sao có thể quản lý được thông tin? Làm sao thống nhất các trải nghiệm từ thực tế tới ảo để mang lại trải nghiệm tốt nhất cho người tiêu dùng?
Ông Phạm Thành Công, Công ty nghiên cứu Nielsen. (Ảnh: DL) |
Để giải được bài toán đó, theo đại diện Nielsen, các nhà bán hàng phải sẵn sàng để mang lại trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng ở tất cả các kênh bán hàng, trên tất cả các thiết bị. Cuộc đua của các nhà bán lẻ giờ đây không chỉ là một cửa hàng vật lý mở ra và chờ đợi khách hàng tiện chân ghé vào, mà là cuộc đua liên tục của quá trình phân tích hành vi mua sắm, dự đoán được món hàng khách hàng quan tâm và tạo mọi điều kiện dễ dàng nhất cho khách hàng mua hàng.
Nói cách khác, khi bán hàng đa kênh, nhà bán lẻ không cần phải mở cửa hàng tại tất cả tỉnh thành mà chỉ cần một nền tảng công nghệ trực tuyến là có thể phủ sóng khắp mọi miền đất nước và “có mặt” mọi lúc mọi nơi khi khách hàng có nhu cầu mua hàng.
Doanh nghiệp bán lẻ cần làm gì?
Theo Nielsen, khi TMĐT phát triển, chiến lược về giá sẽ không còn bí mật, không còn là “con bài đinh” cho các doanh nghiệp. Khi đó, vấn đề của các doanh nghiệp là phải ứng dụng được các công nghệ chuyên sâu của TMĐT.
“Vì vậy, doanh nghiệp cần cập nhật những giải pháp, phần mềm của điện thoại thông minh cho các hoạt động kinh doanh của mình”, chuyên gia từ Nielsen chia sẻ.
Từ thực tế đó, các công nghệ mới như Điện toán đám mây (Cloude Computing), Dữ liệu lớn (Big Data) sẽ phát triển mạnh. Công nghệ sẽ đóng vai trò cốt lõi thay đổi bộ mặt của ngành bán lẻ.
Để thành công, các nhà bán lẻ cần áp dụng các biện pháp về công nghệ để tăng cường cá nhân hóa những kinh nghiệm mua sắm của khách hàng tại cửa hàng thông qua việc sử dụng các hình ảnh 3 chiều và màn hình thực tế ảo, tạo ra những trải nghiệm mua sắm sống động.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần cập nhật những giải pháp, phần mềm TMĐT, ứng dụng của điện thoại thông minh cho hoạt động kinh doanh của mình. Doanh nghiệp cũng cần gắn kết hơn với người tiêu dùng và nhà cung ứng bằng cách sử dụng những mã QR code của sản phẩm hay tận dụng các công cụ tìm kiếm đang được người tiêu dùng yêu thích hiện nay.
Nhìn chung, để thực hiện thành công chiến lược bán hàng đa kênh, các nhà bán lẻ sẽ cần phải phân tích những hiểu biết từ dữ liệu khách hàng, đánh giá tác động công nghệ và kinh doanh trong các chiến lược của họ và phân bổ hợp lý các nguồn lực của mình.
Bà Mari Pangtesu chia sẻ, tại Indonesia, thị trường TMĐT đang khá phát triển và chính phủ đã có nhiều diễn đàn TMĐT nhằm cung cấp dịch vụ trực tiếp giữa người tiêu dùng với nhau (C2C – customer to customer) mà không chỉ dừng lại là giữa doanh nghiệp và khách hàng, như mô hình của Ebay. “Hiện nay, còn xuất hiện những diễn đàn ở cấp khu vực ASEAN như Shopee. Tôi nghĩ Shopee cũng được biết khá nhiều ở Việt Nam. Đây là một mô hình rất thú vị vì nó là dịch vụ giữa người tiêu dùng với nhau, và là cơ hội của các doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể tham gia để bán sản phẩm ra nước ngoài”, bà Mari Pangtesu nhận định. |
Amazon và Flipkart “làm nóng” thị trường thương mại điện tử Ấn Độ Với 100 triệu người dùng mới Internet mỗi năm, Ấn Độ là mảnh đất màu mỡ của "gã khổng lồ" Amazon. Tuy nhiên, cuộc gọi ... |
Alibaba thành lập trung tâm thương mại điện tử ở Malaysia Trung tâm này sẽ bao trùm các lĩnh vực hậu cần, điện toán đám mây và dịch vụ tài chính nhằm thúc đẩy buôn bán ... |
Thương mại điện tử Trung Quốc tăng mạnh Số người sử dụng Internet của Trung Quốc đang tăng nhanh giúp cho thương mại điện tử nước này phát triển mạnh. |