Buổi tọa đàm có sự tham dự của các diễn giả nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, nhà thơ Nguyễn Thụy Kha và họa sĩ Lê Thiết Cương.
Các diễn giả tại buổi tọa đàm gồm nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, nhà thơ Nguyễn Thụy Kha và họa sĩ Lê Thiết Cương. (Ảnh: Kỳ Duyên) |
Tại sự kiện, các diễn giả đã bàn luận xung quanh chủ đề tranh không thể minh họa cho thơ. Mỗi một loại hình nghệ thuật đều có ngôn ngữ riêng của nó. Cho dù với thi ca, hội họa là người hàng xóm nhưng nó vẫn sống độc lập.
Mở đầu buổi tọa đàm, khi nói về những minh họa thơ trong cuốn “Sự mất ngủ của lửa” của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Họa sĩ Lê Thiết Cương có nói: “Những minh họa thơ là một văn bản hai của thơ, một cách cảm thơ khác của bài thơ đó bằng hội họa với hình, với màu, bố cục, bút pháp và chất liệu,...”
Về phần mình, nhà thơ Nguyễn Thụy Kha chia sẻ: “Trong thơ có một khái niệm không thể bác bỏ, đó là thi ảnh. Thơ dường như có thi điệu và có gì đó dựa vào hội họa. Trong đời sống văn nghệ, trong một khoảng thời gian dài, người ta thường nghĩ thơ và nhạc gắn liền với nhau.”
“Và có một thời gian người ta quên lãng đi thơ và họa, nhưng trong thời hiện đại, nhất là ngày hôm nay, việc gắn bó giữa thi và họa ngày càng phát triển. Càng ngày, giữa thi và họa là một cặp song tấu với nhau, họa không phải phần đệm nữa mà mỗi cái có một biểu cảm, hay như họa sĩ Lê Thiết Cương nó nói như “văn bản thứ hai” của thơ. Và nếu như các nhà thơ gắn bó với các họa sĩ thì các tập thơ đều có sự ủng hộ từ sự rung cảm của các họa sĩ.”
Một bức tranh trong triển lãm 'Về bến lạ' của họa sĩ Lê Thiết Cương |
Chia sẻ trong buổi tọa đàm, Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam khẳng định: “Mỗi bài thơ có một hình ảnh riêng, một cấu trúc riêng, mỗi câu chuyện cụ thể. Có người nói thơ gợi mở một bức tranh hay tranh gợi mở một bài thơ. Nhưng tôi lại nghĩa rằng, trong bài thơ có chứa đựng một bức tranh và bức tranh đó đã chứa đựng một bài thơ. Nghĩa là nó trộn lẫn nhau và chuyển động liên tục. Hai cái đó luôn tách biệt nhau trong ngôn ngữ, tựa như hai bờ sông, nếu không có một trong hai, sẽ không có sự chuyển động của nước, của cảm xúc.”
Bên cạnh buổi tọa đàm “Từ thi ca đến hội họa”, nằm trong chuỗi sự kiện còn có triển lãm ảnh “Về bến lạ” của họa sĩ Lê Thiết Cương, bao gồm các bức tranh được lấy cảm hứng từ các bài thơ của Đặng Đình Hưng. Triển lãm hiện đang diễn ra tại tầng 1, Viện Pháp tại Việt Nam–L’Espace, số 24 Tràng Tiền, Hà Nội.