Ngày 20/3/1970, Cơ quan Hợp tác văn hoá và kỹ thuật (ACCT), hiện là Tổ chức quốc tế Pháp ngữ (OIF), được thành lập. Do đó, Cộng đồng Pháp ngữ đã lấy ngày 20/3 là Ngày quốc tế Pháp ngữ.
Tháng 2/1986, theo sáng kiến của nguyên Tổng thống Pháp François Mitterrand, Hội nghị cấp cao lần thứ nhất các nước có sử dụng tiếng Pháp đã được tổ chức tại Paris (Pháp) với sự tham gia của gần 40 vị đứng đầu Nhà nước và Chính phủ các nước có sử dụng tiếng Pháp, đánh dấu sự ra đời chính thức của Cộng đồng các nước có sử dụng tiếng Pháp. Từ đó đến nay, Cộng đồng đã tổ chức được 17 Hội nghị cấp cao.
Hiện Việt Nam đang tích cực chuẩn bị tham gia Hội nghị cấp cao Pháp ngữ lần thứ 18 tại Tunis (Tunisia) từ ngày 19-20/11/2021 với chủ đề “Kết nối trong đa dạng: kỹ thuật số, yếu tố phát triển và đoàn kết trong không gian Pháp ngữ”.
Cơ cấu về chính trị và hợp tác của Cộng đồng đã dần được hoàn thiện với Tổng Thư ký là người đứng đầu tổ chức (Tổng Thư ký đầu tiên là ông Boutros-Ghali, được bầu ra tại Hội nghị cấp cao năm 1997 tại Hà Nội), phụ trách chung cả về chính trị và hợp tác, với một tổ chức hợp tác liên chính phủ duy nhất là OIF, và 4 cơ quan chịu trách nhiệm triển khai hợp tác trong các lĩnh vực khác nhau là AUF, Đài truyền hình TV5Monde, Trường đại học Senghor Alexandrie và Hiệp hội quốc tế thị trưởng các thành phố có sử dụng tiếng Pháp (AIMF).
Hiện Cộng đồng Pháp ngữ có tổng cộng 88 thành viên và quan sát viên thuộc 5 châu lục, với khoảng 300 triệu người nói tiếng Pháp trên tổng số khoảng 900 triệu người, chiếm 20% trao đổi thương mại và 13% GDP thế giới. Trong đó, tiếng Pháp là ngôn ngữ chính thức, hoặc duy nhất hoặc cùng với một số ngôn ngữ khác, tại 32 nước và chính quyền thành viên.
Như nêu trong Hiến chương Pháp ngữ, Cộng đồng sẽ phát huy vai trò nhằm đóng góp vào hòa bình, hợp tác, đoàn kết và phát triển bền vững. Cộng đồng đã nỗ lực nhằm khẳng định vị thế quốc tế và tăng cường hợp tác với các Tổ chức quốc tế và khu vực như Liên hợp quốc, Liên minh châu Phi (UA), Liên minh châu Âu (EU), Khối Thịnh vượng chung (Commonwealth), Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN)... để cùng tìm giải pháp cho các thách thức toàn cầu.
Bảo vệ đa dạng văn hóa và ngôn ngữ luôn là mục tiêu nhất quán của Cộng đồng và gắn với việc bảo vệ tiếng Pháp trên các diễn đàn quốc tế. Cộng đồng Pháp ngữ đã đấu tranh tại Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) chống lại việc coi sản phẩm văn hóa như hàng hóa thông thường, vận động cho đa dạng ngôn ngữ trên các diễn đàn quốc tế, tích cực vận động cho việc thông qua Công ước quốc tế về Đa dạng văn hóa tại UNESCO (2005) và hiện nay đang vận động các nước tiếp tục phê chuẩn và nghiêm túc thực hiện công ước này.