Nhỏ Bình thường Lớn

Nga triệu hồi Đại sứ tại Mỹ: Cuộc đối đầu chính trị trầm trọng hơn

TGVN. Nga thông báo đã triệu hồi Đại sứ tại Mỹ về nước để tham vấn các bước đi tiếp theo sau những diễn biến xấu đi trong quan hệ song phương.
Nga triệu hồi Đại sứ tại Mỹ: Cuộc đối đầu chính trị trầm trọng hơn
Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov. (Nguồn: AFP)

Ngày 17/3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov đã được triệu hồi về Moscow để tham vấn về quan hệ giữa hai nước.

Giải thích cho quyết định đường đột này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga cho rằng, không bao lâu nữa sẽ tới mốc đánh dấu 100 ngày cầm quyền của chính quyền mới ở Nhà Trắng, và đây là thời điểm để Moscow đưa ra đánh giá về những gì chính quyền của tân Tổng thống Mỹ Joe Biden đã làm và chưa đạt được.

Chiều hướng xấu

Động thái trên diễn ra sau khi phía tình báo Mỹ cáo buộc rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin có thể đã trực tiếp chỉ đạo can thiệp cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020 theo hướng có lợi cho ông Donald Trump.

Tin liên quan
Mỹ cáo buộc Nga và Iran can thiệp bầu cử: Hư hư thực thực Mỹ cáo buộc Nga và Iran can thiệp bầu cử: Hư hư thực thực

Theo bà Zakharova, mục đích mời Đại sứ Antonov về nước là để phân tích tình hình và tìm cách điều chỉnh quan hệ Nga-Mỹ vốn đang ở trong tình trạng khó khăn trong những năm gần đây. Bà Zakharova nhấn mạnh: “Chúng tôi quan tâm tới việc ngăn chặn sự suy thoái không thể đảo ngược của mối quan hệ song phương nếu người Mỹ nhận thức được những rủi ro liên quan”.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga cũng cho biết thêm rằng những vấn đề liên quan sẽ được thảo luận trong quá trình tham vấn giữa Bộ Ngoại giao và các cơ quan liên quan khác với Đại sứ Antonov. Thời điểm cụ thể ông Antonov sẽ trở lại nhiệm sở ở Washington không được đề cập.

Trước đó, trong một cuộc trả lời phỏng vấn của kênh truyền hình ABC, Tổng thống Mỹ Joe Biden gọi người đồng cấp Nga là “người đàn ông không có tâm hồn” và là “kẻ sát nhân”, đồng thời cảnh báo giới lãnh đạo Nga sẽ phải "trả giá" về những nỗ lực can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ.

Tổng thống Biden đưa ra phát biểu trên sau khi phóng viên hỏi về phản ứng của ông trước việc Giám đốc Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) công bố báo cáo với cáo buộc rằng giới chức Nga đã tìm cách làm mất uy tín của ông Biden cũng như của đảng Dân chủ (mà ông là thành viên) trong chiến dịch bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020.

Trong khi đó, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nhấn mạnh rằng Moscow coi những cáo buộc trên là vô căn cứ và không có cơ sở, và không ngạc nhiên nếu chính quyền Mỹ tiếp tục áp đặt các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga vì những điều đó.

Ngày 17/3, Bộ Thương mại Mỹ tuyên bố sẽ tăng cường hạn chế xuất khẩu đối với Nga sau sự việc liên quan đến chính trị gia đối lập Alexei Navalny.

Bình luận về diễn biến mới trong quan hệ Nga-Mỹ, nhiều nhà quan sát cho rằng quan hệ giữa hai cường quốc đang có xu hướng trầm trọng hơn trong thời gian gần đây, việc gia hạn Hiệp ước START III hay bất cứ thỏa thuận nào khác đều không giúp cải thiện bầu không khí chính trị trong quan hệ song phương.

Chuyên gia phân tích chính trị độc lập Konstantin Eggert nhận định, ông Biden đã thực hiện một bước đi quan trọng trong quan hệ với Moscow nói chung và cá nhân ông Putin nói riêng, và đã chứng tỏ rằng ông không "sợ" Putin.

Theo chuyên gia này, những động thái mà chính quyền mới của Mỹ đã thực hiện trước đó có phần thận trọng hơn. Ngoài việc gia hạn hiệp ước START vốn có lợi hơn cho Moscow so với Mỹ, Nhà Trắng đã từ chối xử phạt các công ty Đức hoàn thành việc xây dựng đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream 2).

Mặt khác, ông Biden vẫn chưa có cuộc điện đàm với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky là vì Washington chưa thể hiểu được cách Điện Kremlin cảm nhận "tín hiệu" này như thế nào.

Nga triệu hồi Đại sứ tại Mỹ: Cuộc đối đầu chính trị trầm trọng hơn
Những phát biểu gay gắt gần đây của Tổng thống Mỹ Joe Biden về Tổng thống Nga Vladimir Putin cho thấy một cuộc đối đầu chính trị trầm trọng hơn giữa Nga và Mỹ. (Nguồn: Bloomberg)

Những kịch bản có thể xảy ra

Về phản ứng của Điện Kremlin, chuyên gia Konstantin Eggert nói, ông Putin là người quen xếp tất cả các chính trị gia theo thang điểm mạnh-yếu. Nhà lãnh đạo Nga có thể “giả vờ" coi những lời nhận xét của ông Biden như một kiểu khen ngợi bởi vì danh tiếng của một nhân vật phản diện thực sự được ông ưa thích hơn là hình ảnh của một kẻ yếu đuối.

Tuy nhiên, ông Putin hoàn toàn tỉnh táo để nhận thức được đâu là giới hạn của các khả năng tài chính, kinh tế, quân sự và chính trị trong cuộc đối đầu giữa Nga và Mỹ.

Chuyên gia Eggert cho rằng nhiều khả năng Điện Kremlin sẽ quyết định đáp trả ông Biden bằng cách “bóp nghẹt” lực lượng đối lập ở Nga.

“Những người theo chủ nghĩa đối lập Nga sẽ là những người đầu tiên bị tấn công. Chế độ Putin luôn trừng phạt phương Tây bằng những đòn giáng vào đối thủ chính trị của họ ở trong nước”, chuyên gia Eggert cảnh báo.

Theo ông Eggert, một động thái nữa mà Nga rất có thể thực hiện là chặn một số hoặc thậm chí tất cả các mạng xã hội phương Tây trên lãnh thổ nước này.

Các kênh truyền thông xã hội thuộc sở hữu của các công ty Mỹ từ lâu đã bị Điện Kremlin coi như một công cụ can thiệp. Cuộc chiến tranh mạng Nga-Mỹ, vốn đã diễn ra trong một thời gian dài, hiện giờ có khả năng bùng phát mạnh mẽ hơn.

Nhà nghiên cứu Dmitry Suslov, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu các vấn đề châu Âu và Quốc tế, Học viện Kinh kế Cao đẳng Nga cho rằng, về mặt chính trị, các bên hoàn toàn có thể công khai coi nhau là thù địch. Ví dụ như Mỹ có thể can thiệp với quy mô lớn hơn vào công việc nội bộ của Nga, công khai ủng hộ phe đối lập ở Nga...

"Những phát biểu gay gắt gần đây của Tổng thống Mỹ Joe Biden về Tổng thống Nga Vladimir Putin cho thấy một cuộc đối đầu chính trị trầm trọng hơn giữa Nga và Mỹ", nhà nghiên cứu Dmitry Suslov đánh giá.

Tuy nhiên, chuyên gia Suslov tin chính quyền của ông Biden sẽ không đóng hoàn toàn cánh cửa hợp tác với Nga mà sẽ để ngỏ cho những tương tác có chọn lọc về các vấn đề mà lợi ích của các bên trùng khớp và/hoặc ở những lĩnh vực mà cả hai bên đều cho rằng duy trì sự tương tác là cần thiết.

Ông Suslov khẳng định, sự tương tác có chọn lọc này sẽ giúp cải thiện bầu không khí chính trị trong quan hệ giữa Moscow và Wasington.

Trong bối cảnh này, chuyên gia Suslov dự báo khó có khả năng Hội nghị thượng đỉnh Nga-Mỹ sẽ diễn ra dưới thời ông Biden. Tuy nhiên, khi cần thiết, hai nhà lãnh đạo Nga-Mỹ hoàn toàn có thể tiến hành các cuộc điện đàm.

TIN LIÊN QUAN
Mỹ đối thoại 2+2 với Nhật nhưng lại 'nhòm' Trung Quốc
Cập nhật Covid-19 ngày 18/3: WHO lên tiếng về vaccine AstraZeneca; Bỉ ca ngợi nỗ lực chống dịch của người Việt; Mỹ chi 'khủng' xét nghiệm trường học
Danh thiếp đối ngoại có gì đặc biệt?
Ông Trump 'quay xe' kêu gọi tiêm vaccine Covid-19, chỉ trích chính sách nhập cư mới
Trang phục đối ngoại: Không đơn giản chỉ là comple caravat

(tổng hợp)