📞

Bạn quý của người nghèo Việt Nam

14:00 | 13/10/2018
Họ đến Việt Nam từ khắp nơi trên thế giới, gắn bó với đất nước này từ những cơ duyên khác nhau nhưng trái tim đã cùng ở lại vì có chung mục tiêu giúp đỡ những người nghèo Việt Nam...

Vị mục sư tốt bụng

Bob Roberts là Chủ tịch Tổ chức Glocal Ventures, Inc.(GVI) hoạt động tích cực trong lĩnh vực hỗ trợ nhân đạo. Kể từ khi đến thăm Việt Nam lần đầu tiên vào tháng 3/1995, ông đã quyên góp được hơn 3,5 triệu USD để giúp đỡ các cộng đồng khó khăn tại Việt Nam thông qua các dự án do GVI thực hiện trong các lĩnh vực tín dụng nhỏ, chăm sóc trẻ mồ côi, xây dựng trạm xá, trường học, trao tặng thiết bị y tế, khám chữa bệnh, trao đổi giáo dục, dạy tiếng Anh...

Ông Bob Roberts (bên trái) được trao tặng Kỷ niệm chương vì hòa bình, hữu nghị giữa các dân tộc.

Với vai trò là mục sư cao cấp của Hội thánh Tin lành Northwood với 130 nhà thờ trên khắp nước Mỹ, ông đã vận động các thành viên Hội thánh và những cá nhân khác đóng góp tài chính, chuyên môn, kỹ thuật cho Việt Nam. Đặc biệt, ông và GVI đã đưa hơn 2.000 tình nguyện viên đến Việt Nam tham gia các hoạt động hỗ trợ cộng đồng và mang về Mỹ những món quà lưu niệm, tác phẩm nghệ thuật của Việt Nam để trưng bày trong nhà thờ, góp phần quảng bá hình ảnh Việt Nam đến với người dân Mỹ.

Bên cạnh những dự án trên, Bob Roberts còn là cầu nối xây dựng quan hệ giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân Mỹ... Trong trái tim ông luôn dành những tình cảm tốt đẹp nhất cho đất nước và con người Việt Nam ngay từ lần đầu đặt chân đến. Bởi vậy, ông và gia đình đã có nhiều hoạt động thắt chặt tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước...

Hiện tại, tổ chức của Bob Roberts vẫn tập trung huy động nguồn lực ở nước ngoài để giúp đỡ nhân dân Việt Nam. Chiến lược của GVI là huy động tình nguyện viên ở nước sở tại với những tiêu chí tuyển chọn kỹ lưỡng để thực hiện những dự án phát triển tại Việt Nam như: Chăm sóc trẻ mồ côi, các dự án giáo dục đặc biệt...

Chị May ở Việt Nam

Ngoài 40 tuổi, nhưng Ino Mayu đến từ Nhật Bản đã gắn bó gần nửa cuộc đời với Việt Nam. Người phụ nữ ấy gần gũi và thân thiết với người dân tới mức chị được đặt tên tiếng Việt là “chị May”.

Ino Mayu đến Việt Nam năm 1997 để theo học tại Trung tâm nghiên cứu về Việt Nam và giao lưu văn hóa thuộc Khoa Lịch sử, Trường Đại học Quốc gia Hà Nội. Từ năm 2003-2009, chị làm việc cho tổ chức tình nguyện quốc tế Nhật Bản tại Việt Nam với những phần việc hỗ trợ, xây dựng các dự án cộng đồng cho các nơi khó khăn ở một số tỉnh.

Chị Ino Mayu chụp ảnh cùng với một cụ già Việt Nam.

Năm 2009, khi tổ chức tình nguyện quốc tế Nhật Bản ngưng hoạt động ở Việt Nam, chị Ino Mayu rất tiếc nuối. Để được tiếp tục gắn bó với Việt Nam, chị đã tự đứng ra thành lập tổ chức Seed to Table (Từ hạt giống đến bàn ăn). May mắn là Seed to Table được Bộ Ngoại giao Nhật Bản tài trợ với mục đích giúp đỡ nông dân Việt Nam trồng rau hữu cơ và chăn nuôi để cải thiện sinh kế.

Seed to Table hoạt động trong lĩnh vực phát triển nông thôn tổng hợp, trong đó nổi bật là các dự án phát triển nông nghiệp hữu cơ tại Hòa Bình và Bến Tre đã giúp người dân ứng dụng phương pháp làm nông nghiệp bền vững giảm chỉ phí sản xuất, tăng lợi nhuận và bảo vệ môi trường. Mô hình dự án của tổ chức đã được các Sở, ban, ngành tại địa phương đánh giá cao và coi là mô hình hiệu quả điển hình và được nhân rộng trong cộng đồng.

Ở Hòa Bình, chị May đã hướng dẫn người dân trồng rau hữu cơ và tìm đầu ra cho những sản phẩm “sạch” do chính người dân nơi đây làm ra bằng cách tổ chức hội thảo kết nối với các nhà hàng ở Hà Nội. Năm 2012, chị tiếp tục Nam tiến và đưa dự án cải thiện sinh kế cho hộ nghèo đến huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre. Từ đó đến nay, người dân Bến Tre đã thân quen với hình ảnh một chuyên gia nông nghiệp hữu cơ nói tiếng Việt rất thành thạo và chia sẻ với họ những khó khăn, buồn vui trong cuộc sống.

Bạn đến từ muôn phương

Nếu Bob Roberts từ Mỹ, Ino Mayu từ Nhật Ban, thì tổ chức Children Action của Thụy Sỹ trong suốt nhiều năm qua cũng đã hỗ trợ cho nhiều học sinh và sinh viên nghèo tại Việt Nam. Từ năm 2000, bên cạnh xây dựng trường học ở các vùng nghèo nhất của Việt Nam, tổ chức còn tài trợ cho các bữa ăn của nhà trường mỗi năm cho gần 815 trẻ em từ các gia đình nghèo. Hàng năm, khi năm học bắt đầu, Children Action cũng phân phối máy tính xách tay cho gần  5754  sinh viên.

Trước đó, từ năm 1994, tổ chức đã thành lập Trung tâm chăm sóc trẻ mồ côi tại thành phố Hồ Chí Minh và tiếp nhận nuôi dưỡng toàn phần cho hơn 527 trẻ bị mù. Từ năm 1996, tổ chức còn có những đóng góp tích cực trong việc tiến hành các ca phẫu thuật tim, môi và vòm miệng, dị tật chỉnh hình, hậu quả của bỏng và các bệnh lý khác cho hàng trăm trẻ em nghèo.

Một người bạn khác đến từ nước Anh là tổ chức ActionAid International (AAI). Không thể phủ nhận những hoạt động thiết thực của AAI nhằm hỗ trợ Việt Nam trong các lĩnh vực phát triển nông thôn với các hoạt động tập trung vào hỗ trợ xóa đói, giảm nghèo, tăng cường năng lực cho người dân. Một số dự án nổi bật của AAI như nâng cao quyền của phụ nữ, thành lập các cơ sở phục vụ cho việc chống bạo hành phụ nữ. Những hoạt động này không chỉ giúp cải thiện điều kiện sống của phụ nữ là nạn nhân của bạo hành gia đình, còn giúp nâng cao năng lực và nhận thức của người dân đối với quyền của người phụ nữ.

Với nhiều người dân Việt Nam, họ cũng không thể quên người bạn đến từ tổ chức Agricultural Development Denmark Asia (ADDA) của Đan Mạch. Trong những năm qua, các dự án của ADDA chủ yếu hướng tới thúc đẩy các phương pháp canh tác bền vững và hiệu quả như quản lý dịch hại tổng hợp, mô hình sản xuất và tiếp thị sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, tư vấn pháp lý cho cộng đồng dân cư ở nông thôn. Đặc biệt, qua những dự án ấy, người dân có thể cải thiện khả năng sản xuất ở các tỉnh miền núi phía Bắc và giúp các cộng đồng nghèo nhất ở nông thôn có đủ lương thực.

Theo Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, kết quả vận động ủng hộ người nghèo từ khi phát động đến nay (từ 12/10/2000 đến hết tháng 9/2018) gồm:

Các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đã ủng hộ hơn 50.000 tỷ đồng, trong đó:  Ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” Trung ương và quỹ 3 cấp ở địa phương (tỉnh, huyện, xã) gần: 14.000 tỷ đồng.

Ủng hộ trực tiếp chương trình an sinh xã hội ở các địa phương được hơn 36.000 tỷ đồng (trong đó Quỹ Thiện tâm của Tập đoàn Vingroup đã hỗ trợ 614 tỷ đồng để phẫu thuật và điều trị miễn phí cho bệnh nhân nghèo tại hệ thống Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, các Ngân hàng Thương mại đã ủng hộ hơn 9.000 tỷ đồng).

Tại chương trình truyền hình trực tiếp 2017 đã có 104 doanh nghiệp, đơn vị, cá nhân đăng ký ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” và chương trình an sinh xã hội với số tiền gần 280 tỷ đồng, trong đó qua Quỹ “Vì người nghèo” trên 52 tỷ đồng, chương trình an sinh xã hội trên 227 tỷ đồng và tin nhắn ủng hộ người nghèo qua cổng thông tin điện tử nhân đạo Quốc gia 1400.

Từ nhừng nguồn lực trên cùng với ngân sách nhà nước, cộng đồng đã hỗ trợ: xây dựng, sửa chữa được gần: 1,5 triệu căn nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ khó khăn (trong năm 2017 xây dựng và sửa chữa được trên 32.000 căn nhà); Hỗ trợ hàng chục triệu lượt hộ nghèo về vốn, tư liệu sản xuất; Hỗ trợ hàng ngàn công trình dân sinh (trường học, trạm xá, cầu dân sinh, đường giao thông nông thôn…). Hàng triệu người nghèo được giúp đỡ nhân dịp Tết Nguyên đán, giúp đỡ cho con đi học, chữa bệnh khi ốm đau nằm viện dài ngày, cứu đói khi cần thiết…

Mới đây, Đoàn thanh niên Bộ Ngoại giao cũng đã tổ chức quyên góp và tham dự Lễ khởi công xây dựng nhà tình nghĩa tại xã Hương Long, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh. Căn nhà tình nghĩa được khởi công xây dựng lần này được dành cho gia đình chị Mai Thị Huệ ở xóm 5, xã Hương Long, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh - một gia đình thuộc diện hộ nghèo; bản thân chị Huệ sức khỏe yếu, bị thiểu năng trí tuệ. Đây là công trình nhà tình nghĩa được khởi công đầu tiên trong số 231 nhà tình nghĩa dành cho các gia đình chính sách trên địa bàn tỉnh.

Đoàn thanh niên Bộ Ngoại giao tham gia Lễ khởi công xây dựng nhà tình nghĩa tại Hà Tĩnh.