Ảnh minh họa |
Nói đến lobby tất yếu phải nói đến nước Mỹ. Không phải ngẫu nhiên mà trong lĩnh vực chính trị, ngay cả những nước thân thiện với Mỹ và có văn hóa gần gũi với Mỹ như Anh, Pháp, Đức, Australia cũng phải cần chuyên gia lobby để vận động thường xuyên với chính khách Mỹ. Ở châu Á cũng vậy, các nước đồng minh của Mỹ như Nhật Bản, Hàn Quốc đều có đội lobby hùng hậu ở Mỹ. Thậm chí từng có bài báo được đăng tải trên BBC đã kết luận rằng: "Làm ăn với Mỹ phải biết lobby, vì đó là cái thế chính trị mà người Mỹ thường vận dụng tối đa để tranh thủ quyền lợi kinh tế thương mại khi giao dịch với nhau và với người nước ngoài".
Chính trường như thương trường
Trong suy nghĩ của nhiều người, lobby là chuyện đi đêm, hối lộ, phi pháp…, nhưng một số người khác thì cho rằng lobby là nghệ thuật trong kinh doanh hoặc vĩ mô hơn, đó là sách lược quốc gia. Nói đơn giản hơn, lobby là một hoạt động ảnh hưởng đến tiến trình ban hành quyết định.
Ở Mỹ, lobby không chỉ là nghề hợp pháp mà thậm chí còn được ghi trong Hiến pháp. Vì vậy, ở Washington, người ta đã quá quen thuộc với hình ảnh vào giờ ăn trưa và ăn tối, những nhóm người đạo mạo trong bộ vest xám, tay xách cặp, đổ về những địa điểm nổi tiếng ở quanh tòa nhà Quốc hội. Ở những nơi này, người ta có cả những phòng riêng thường ngày dành cho những cuộc họp "gây quỹ". Những người ngoài cuộc khó có thể biết điều gì đang diễn ra sau những vuông cửa kính mờ.
Tổng thống thứ tư của Mỹ James Madison là người phổ biến thuyết "bàn tay vô hình" trong chính trường, tương tự như thuyết bàn tay vô hình trong kinh tế thị trường của Adam Smith. Theo ông, chính trường cũng như thương trường. Nếu thông tin được lưu hành tốt thì cung sẽ gặp cầu, vì nhà nước có đủ thông tin để biết và cung cấp được những cái dân cần. Từ đó, vai trò của những người vận động hành lang được xem là cần thiết như vai trò của người làm dịch vụ thông tin, tiếp thị, môi giới... trong thương trường. Người lobby ở Mỹ có thể đại diện cho bất cứ cá nhân, tập thể chính trị, xã hội, kinh tế nào, kể cả những cá nhân, tập thể chính phủ nước ngoài, chỉ cần họ đăng ký minh bạch với chính quyền Mỹ.
Hiện có hơn 22.000 nhóm lợi ích và khoảng 50.000 người đăng ký chính thức hành nghề lobby tại Mỹ. Phần lớn những người lobby là các quan chức, luật sư, chuyên viên từng làm việc ở Quốc hội, trong đó có nhiều cựu Bộ trưởng, tướng lĩnh, dân biểu, thượng nghị sĩ… Vì vậy mà ông Paul Miller, Chủ tịch Liên đoàn các nhà vận động hành lang Mỹ, mới tự hào khoe: "Không có chúng tôi, tôi không biết có điều luật nào được thông qua ở Mỹ hay không".
Sự lợi hại của đồng tiền lobby
Thực vậy, một ví dụ điển hình của lobby chính trị từ nước khác vào Mỹ là năm 1994, khi Tổng thống Clinton trao Quy chế Tối huệ quốc (MFN) cho Trung Quốc, đồng thời tuyên bố từ nay không gắn vấn đề nhân quyền với việc xét MFN cho Trung Quốc hàng năm.
Số là đầu thập niên 1990, thời điểm Trung Quốc bắt đầu nổi lên tại châu Á - Thái Bình Dương, Mỹ tỏ ra lo ngại trước "mối đe doạ từ Trung Quốc". Trong quan hệ với Trung Quốc, Mỹ thường xuyên dùng chiêu "nhân quyền" để gây sức ép về thương mại, cụ thể là đe doạ miễn áp dụng quy chế MFN. Thời hạn áp dụng MFN chỉ trong vòng 1 năm, nên cứ sau 12 tháng, Quốc hội Mỹ lại sẽ bỏ phiếu để quyết định xem có tiếp tục trao MFN cho các nước hay không. Nếu Quốc hội bỏ phiếu chống, điều này không những gây nhiều bất lợi cho các doanh nghiệp Trung Quốc khi muốn vào thị trường Mỹ, mà đặc biệt cản trở các tập đoàn lớn của Mỹ khi muốn làm ăn tại Trung Quốc. Vì vậy, mục tiêu lobby của Trung Quốc tại thời điểm này là "làm sao gây ảnh hưởng để Trung Quốc được hưởng MFN tại cuộc bỏ phiếu hàng năm ở Quốc hội" và trước tiên "tập trung nhằm thuyết phục Quốc hội và chính quyền Mỹ tách vấn đề nhân quyền khỏi việc áp dụng MFN".
Chẳng phải ngẫu nhiên khi cùng lúc các lãnh đạo Boeing công khai lên tiếng yêu cầu chính quyền Mỹ tiếp tục dành cho Trung Quốc quy chế MFN (Tờ Wall Street Journal trước đó đã đưa tin hãng Boeing đang sắp hoàn tất hợp đồng bán máy bay chở khách trị giá khoảng 5 tỉ USD cho Trung Quốc), còn Chủ tịch Hạ viện Tom Foley công khai "đối đầu" với các thành viên đảng Dân chủ tại Nhà Trắng khi tuyên bố rằng Tổng thống "không nên gắn vấn đề nhân quyền với thương mại". Thực chất, Hạ nghị sĩ Foley đại diện cho vùng Spokane, bang Washington - quê hương của hãng Boeing. Với sự vận động hành lang tích cực ở Mỹ như vậy, Trung Quốc đã giành được quy chế MFN năm 1994 với lời đảm bảo của Tổng thống Clinton "sẽ không gắn vấn đề nhân quyền với việc xét quy chế MFN cho Trung Quốc hàng năm"!
Đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn
Ngày 20/4/2010, dàn khoan dầu Deepwater Horizon của hãng BP (Anh) bỗng phát nổ ở Mỹ, làm 11 công nhân tử nạn và 3 người bị thương nặng, đồng thời gây thiệt hại môi trường nghiêm trọng hơn hẳn vụ tràn 11 triệu gallon dầu từ tàu Exxon Valdez năm 1989. Chỉ tính riêng chi phí khắc phục sự cố, BP đã tốn đến 930 triệu USD.
Một trong những bằng chứng cho thấy sự "dễ dãi" của Mỹ khi tập báo cáo phản ứng khẩn cấp dày cộp 583 trang mà BP soạn theo yêu cầu Luật liên bang Hoa Kỳ gần như không bàn đến cách làm thế nào chặn đứng một vụ tràn dầu ở độ sâu. Mỉa mai thay, báo cáo xử lý tình huống khẩn cấp của BP lại có không ít phần đề cập đến sự cần thiết bảo vệ hải sư, rái cá biển trong khi những động vật này không hề có mặt ở vùng vịnh Mexico. Tất cả cho thấy báo cáo của BP dường như chỉ được thực hiện chiếu lệ, theo yêu cầu Luật liên bang Hoa Kỳ, chứ không là bản kế hoạch tác chiến thật sự nhằm xử lý hậu quả một khi xảy ra sự cố...
Theo Newsweek, BP đã sử dụng chiêu vận động hành lang để Mỹ bớt săm soi hoạt động kinh doanh của họ. Với tài ngoại giao và quen biết rộng của Tổng giám đốc điều hành BP Tony Hayward, hãng dầu lớn thứ tư thế giới này đang cố làm sao 15,9 triệu USD mà họ chi cho các chiến dịch lobby đạt hiệu quả. Một trong những nỗ lực của Hayward là làm dịu bớt sự nghiêm khắc của những điều luật mới liên quan phòng chống ô nhiễm dầu ban hành năm 2009. Theo CBS News, kết quả "nhẹ nhàng" này còn nhờ vào khoản chi lobby từ 2 năm trước khi xảy ra vụ Deepwater Horizon. BP đã thuê 12 công ty lobby và chi ra 32 triệu USD để gây ảnh hưởng tốt cho kinh doanh của họ tại Quốc hội, Nhà Trắng và ít nhất 14 cơ quan liên bang.
Từ một vài câu chuyện điển hình trên, có thể thấy rằng các mối quan hệ, những vụ mua bán lớn ở Mỹ, kể cả vấn đề dính líu đến chính trị đều không thể thiếu hoạt động lobby - "bàn tay vô hình" thực sự trên chính trường.
Minh Minh