Ảnh minh họa. |
Sống chung với băng đĩa lậu
Dạo quanh phố phường, dạo qua thị trường, ghé thăm cửa hàng chị Dung ở Ba Đình, một thời nổi tiếng giàu lên nhờ kinh doanh băng đĩa. Nhắc đến việc làm ăn chị vui chuyện.
- Bên công ty quảng cáo, phát hành băng đĩa vừa nói chị thầu chương trình hài cuối năm với họ, nhưng chịu thôi…
- Sao vậy chị?
- Trước thì còn kinh doanh tàm tạm chứ gần đây khó lắm! Dịp Tết băng đĩa hài, đĩa nhạc hải ngoại và các đĩa thuộc hàng Diva bán khá chạy. Chị từng lấy mấy chục thùng, mỗi thùng 200 đĩa để bán những dịp Tết. Giờ, đĩa chỉ bán được mươi ngày là đĩa lậu đã tràn ra đầy các vỉa hè. Đĩa của mình bán cho ai?".
Hỏi thăm "ông lớn" trong làng băng đĩa nhạc là Công ty Dihavina, Giám đốc Hoàng Thái Dũng cho hay: "Làm băng đĩa bây giờ khó lắm, chỉ những chương trình có tài trợ của Nhà nước mới làm. Các ca sĩ cần phải ra đĩa họ mới dám làm vì có tài trợ. Một trong những lý do chính là tình trạng vi phạm bản quyền không bị xử lý hoặc xử lý không đủ tính răn đe. Đĩa lậu bán song hành với đĩa chính thống nhưng với giá rẻ như bèo thì nhà sản xuất không thể sống được. Dù băng đĩa lậu rất dễ nhận biết nhưng người ta vẫn mua vì giá quá rẻ".
Có lẽ, không ở đâu có thể mua bán băng đĩa lậu dễ và công khai như ở Việt Nam. Người bán dạo mang đĩa lậu đến từng quán cà phê, quán bia, các khu chợ để chào bán đĩa. Kín đáo hơn thì bên họ bày tăm, kẹo, bút, bấm móng tay… hay những đĩa nhạc xanh, nhạc đỏ nhưng dưới lại là "phim mát"… Chi phí để xuất bản đĩa cho mỗi chương trình khoảng 100 triệu đồng. Đĩa bán ra với giá thành rẻ cũng khoảng 20 ngàn đồng/chiếc. Trong khi đó, băng đĩa lậu được in bằng kỹ thuật in hình chìm trên mặt đĩa, không mất chi phí nào khác ngoài tiền in ấn nên giá thành tụt xuống chỉ từ 2 đến 3 ngàn đồng/đĩa. Thế rồi, băng đĩa lậu bán tràn lan. Người người bán đĩa lậu, nhà nhà xem đĩa lậu".
Đừng mãi "bắt cóc bỏ đĩa"
Năm 2005, Việt Nam gia nhập Công ước Geneva bảo hộ nhà sản xuất bản ghi âm chống việc sao chép không được phép bản ghi âm của họ. Sự ra quân khá rầm rộ của các ban ngành hữu quan khiến thị trường băng đĩa lậu tưởng như đã được kiểm soát phần nào, nhưng sau đó ít lâu, vấn nạn này lại tái phát và thậm chí là bùng phát trong thời điểm hiện nay.
Trăn trở với thực trạng băng đĩa lậu, ông Thái Dũng cho biết: "Về mặt luật pháp, chế tài thì có đủ cả nhưng thực thi thì còn nhiều bất cập. Đơn cử như các nhà sản xuất, các nghệ sỹ, ca sỹ… khi phát hiện sản phẩm của mình bị sao chép thường bỏ qua do không có khả năng theo kiện hoặc không thể xác định được bị đơn nên không biết kiện ai. Họ cũng không thể khởi kiện người đi bán đĩa dạo được… Vì thế, chế tài có đủ nhưng sức răn đe thì lại thiếu".
Tuy nhiên, theo ông Thái Dũng, để kiểm soát được tình hình này, các vụ sản xuất, tiêu thụ băng đĩa lậu nghiêm trọng cần phải được xử lý nghiêm minh. Đồng thời, người tiêu dùng cần nâng cao ý thức cá nhân trong vấn đề bảo vệ bản quyền tác giả và văn hóa tiêu dùng sản phẩm chính hãng. Có như vậy, thị trường băng đĩa nói riêng và các loại hình xuất bản phẩm nói chung mới phát triển lành mạnh, người sáng tác, nhà xuất bản mới sống được bằng lao động chân chính của mình.
Hiện nay, một số nước trong khu vực Đông Nam Á đã đạt được những chuyển biến tích cực trong lĩnh vực này do xây dựng được hành lang pháp lý chặt chẽ và ổn định. Ở Malaysia, mỗi bản sao xuất bản phẩm lậu bị phạt từ 550- 2.600 USD hoặc 5 năm tù. Tại Singapore, mức phạt cũng là 5 năm tù nhưng mức phạt tăng lên 6.000 USD cho mỗi bản sao lậu. Tại nơi công cộng thường có các tấm áp-phích lớn vận động người dân nói không với hàng lậu như "Đừng cung cấp tiền cho tội phạm".
Hòa Minh