Nhắc đến tinh thần bứt phá trong năm 2019 của Thủ tướng, TS. Nguyễn Minh Phong cũng đặt kỳ vọng lớn vào sự bứt phá từ thể chế, khi trao đổi với Thế giới & Việt Nam về sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân trong nền kinh tế.
Ông đánh giá thế nào về sự đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân trong năm qua?
Có thể khẳng định, khu vực kinh tế tư nhân ngày càng trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế. Năm 2019, khu vực này tiếp tục được kỳ vọng phát triển vượt bậc từ bánh đà thể chế.
Cộng đồng kinh tế tư nhân hiện có hơn 700 nghìn doanh nghiệp (DN), với 96% DN có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, 2% DN quy mô vừa và 2% DN lớn. Tuy chỉ sử dụng 30% diện tích đất kinh doanh, nhưng khu vực này hiện chiếm trên 51% lực lượng lao động cả nước, đóng góp hơn 40% GDP và 30% ngân sách nhà nước, trên 30% tổng xuất khẩu, 33% sản lượng công nghiệp và trên 90% sản lượng nông nghiệp cả nước.
TS. Nguyễn Minh Phong. |
Đầu tư khu vực tư nhân năm 2018 tăng 18,5% so với năm trước, chiếm tới 43,3% tổng đầu tư xã hội. Cũng trong năm 2018, cả nước có trên 131 nghìn DN đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 1.478,1 nghìn tỷ đồng, tăng 3,5% về DN và tăng 14,1% về số vốn đăng ký so với năm 2017, có 34 nghìn DN quay trở lại hoạt động.
Những thành tựu này đã và đang khơi dậy khát vọng dân tộc và tiếp tục lan tỏa niềm hứng khởi trong cộng đồng DN.
Những thành công này có thể đến từ đâu?
Thành công trực tiếp từ nỗ lực của khu vực tư nhân được mở đường bởi sự thay đổi của thể chế. Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XII nhấn mạnh “tạo mọi điều kiện thuận lợi phát triển mạnh DN tư nhân để tạo động lực nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế”. “Mọi DN thuộc các thành phần kinh tế đều phải hoạt động theo cơ chế thị trường, bình đẳng và cạnh tranh theo pháp luật”…
Đặc biệt, trong hai năm gần đây, quyết tâm cải thiện môi trường kinh doanh, phát triển kinh tế tư nhân của Đảng và Chính phủ đã được thể hiện rất rõ ràng và mạnh mẽ. Theo đó, nỗ lực cải cách kinh tế, phát triển kinh tế tư nhân đã được ghi nhận ở rất nhiều văn bản chính sách quan trọng. Đặc biệt, tại Nghị quyết 19, Chính phủ đã yêu cầu các Bộ, ngành rà soát, bãi bỏ, đơn giản hóa ít nhất 50% số điều kiện kinh doanh hiện hành, 50% danh mục hàng hóa, sản phẩm và thủ tục kiểm tra chuyên ngành trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, đang gây cản trở, khó khăn cho hoạt động đầu tư kinh doanh của DN…
Điểm khác biệt so với các chương trình và mục tiêu cải cách kinh tế trước đây là các văn bản nêu trên đều xác định rất rõ ràng, cụ thể các mục tiêu, giải pháp toàn diện với các tiêu chí mang tính định lượng. Điều này thực sự là một động lực quan trọng trong thúc đẩy hình thành và phát triển các tập đoàn kinh tế tư nhân mạnh, cùng với các DN nhỏ và vừa, nâng cao sức cạnh tranh với DN nước ngoài...
Sự quyết tâm, nỗ lực cải cách của Chính phủ đã ghi nhận với những kết quả rất đáng khích lệ. Xếp hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể trong những năm qua (hiện Việt Nam xếp thứ 69/190 nền kinh tế), đồng thời thể hiện ở những con số phát triển ấn tượng của khu vực kinh tế tư nhân.
Xếp hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể trong những năm qua.. |
Nhưng có ý kiến cho rằng, cơ cấu của khu vực kinh tế tư nhân cũng đang có vấn đề, thưa ông?
Đúng thế. Thứ nhất, nếu phân theo loại hình thì khu vực kinh tế tư nhân đang phát triển chưa đúng yêu cầu. Số liệu thống kê cho thấy, đóng góp vào GDP của hộ gia đình đang chiếm 32%, DN Nhà nước góp 27-28%, DN FDI khoảng 20%, còn khu vực DN tư nhân chỉ đóng góp chưa đến 8%.
Thứ hai, quy mô sản xuất kinh doanh của khu vực kinh tế tư nhân còn nhỏ bé. Với 95% số chủ thể kinh tế tư nhân là các hộ gia đình, cá thể, nguồn vốn đăng ký bình quân trên một DN tư nhân thấp, chỉ khoảng trên 8 tỷ đồng. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến năng lực cạnh tranh của khu vực kinh tế tư nhân.
Thực tế đòi hỏi có thêm nhiều nỗ lực và sức bật thể chế, chủ động đổi mới và sáng tạo để khu vực DN tư nhân có thêm động lực phát triển.
Vậy theo ông, Chính phủ cần có chính sách như thế nào để phát triển lực lượng DN tư nhân?
Năm 2019, Chính phủ đề ra 12 chữ “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả, bứt phá”, trong đó, tập trung cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; tạo chuyển biến thực chất hơn trong thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng;... Đó cũng là yêu cầu, áp lực và động lực, tạo sức bật mới cho sự phát triển nhanh và bền vững hơn của Việt Nam trong thời gian tới.
Theo chỉ đạo của Chính phủ, trước mắt, cả nước tập trung rà soát lại toàn bộ các thể chế, các quy định pháp luật, đảm bảo cả tiến độ, chất lượng luật và văn bản hướng dẫn thi hành luật; tháo gỡ một cách thực chất hơn những ách tắc, rào cản đối với các hoạt động đầu tư sản xuất, kinh doanh. Tiếp theo, Chính phủ quyết tâm khắc phục tệ nhũng nhiễu, chậm trễ trong việc giải quyết các thủ tục hành chính; tăng cường bảo vệ DN…
Song, như Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, việc cắt, giảm các điều kiện kinh doanh cần thực chất hơn, hoàn thiện nhanh hơn các thủ tục giải quyết tranh chấp hợp đồng, thương hiệu và tài sản công ty; sớm điều chỉnh các quy định về thuế phù hợp Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa để hỗ trợ DN đổi mới, sáng tạo…
Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, tinh thần “bứt phá” trong năm 2019 có vai trò bản lề, nước rút cho việc thực hiện Kế hoạch 5 năm 2016-2020 và cả Chiến lược 10 năm 2011-2020 và trong đó, môi trường đầu tư kinh doanh, phát triển kinh tế tư nhân là một động lực, bứt phá cho tăng trưởng kinh tế. Chúng ta có thể kỳ vọng vào sự bứt phá từ thể chế để khu vực kinh tế tư nhân, đặc biệt là DN tư nhân phát triển vượt bậc trong thời gian tới.
Xin cảm ơn ông!