📞

Bánh mì Sài Gòn

14:48 | 06/07/2013
Mùa hè - mùa của những chuyến du lịch xuyên Việt - đã về. Để giúp bạn đọc có thêm thông tin về ẩm thực trong các chuyến đi, kể từ tuần này, TG&VN xin trân trọng giới thiệu loạt bài về các món ăn, đồ uống, nhà hàng của một số vùng miền... Xin chân thành cảm ơn các bạn Kim Gia Bảo, Phạm Thu Hằng cùng các đồng nghiệp tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh và nhiều địa phương đã giúp chúng tôi thực hiện chương trình này.
Ảnh minh họa

Bánh mì thịt của Sài Gòn được thế giới xem là một trong những loại sandwich ngon nhất thế giới. Nhắc đến Việt Nam, thế giới sẽ nhớ đến phở và bánh mì thịt. Tuy nhiên, ở Sài Gòn, bánh mì không chỉ kẹp thịt. Bánh mì của Sài Gòn như một gia đình lớn với rất đông anh chị em, rất đông…

Bánh mì thịt

Một ổ bánh mì kẹp ngoài vỏ bánh vàng nâu, giòn cứng và ruột mềm nhưng không đặc thì phần nhân phải đảm bảo đủ 2 yếu tố: có thịt và có rau.

Nói riêng về bánh mì thịt, đã có rất nhiều loại. Thịt khìa đỏ có bảy phần mỡ ba phần thịt nạc, hay thịt jambon chắc nịch thơm thơm, dai dai chỉ có một rìa bì màu cam giòn giòn bọc ngoài. Thịt heo nướng hay thịt nem nướng, thịt xíu mại. Thịt heo quay hay thịt heo luộc xắt sợi nhuyễn bảy phần nạc ba phần mỡ ăn kèm nước tương? Chỉ bánh mì thịt thôi đã có bấy nhiêu kiểu thịt rồi.

Sự khác biệt làm nên tính đa dạng của những ổ bánh mì thịt Sài Gòn ngoài phần nhân, còn nằm ở phần rau kẹp cùng, nước chan (gia vị nêm nếm) và giá cả. Bánh mì thịt khìa thường được kẹp cùng chả lụa xắt bản mỏng, hành lá chẻ, ngò tươi, dưa leo cắt sợi dài, cà rốt củ cải ngâm chua là những món rau dùng kèm bánh mì phổ biến nhất vì nó giúp làm giảm đi độ ngấy. Nhưng khi ăn bánh mì thịt nướng thì lại dùng kèm rau răm. Nước tương, muối tiêu là hai loại gia vị nêm nếm cho ổ bánh mì thông dụng nhất, tuy nhiên với bánh mì heo quay, bánh mì bì thì nước mắm pha loãng với chút tỏi ớt mới đúng điệu.

Bánh mì bì cũng làm từ thịt heo, gồm thịt heo xắt sợi nhỏ, nhuyễn với bì heo trộn thính. Món ăn xuất phát từ miền Tây, ban đầu người ta cầu kì hấp mềm bánh mì, phết mỡ hành, rưới nước mắm pha ngon rồi rải bì lên mới ăn. Sau, vì sự nhanh gọn vốn có của món bánh mì mà bánh mì bì cũng dần cải tiến. Phần bì dùng để ăn bánh mì phải khác với bì ăn cơm tấm hay các món khác. Sợi bì và sợi thịt phải xắt nhuyễn hơn, ngắn vừa miệng, phần thính trộn cũng không được trộn nhiều, chỉ vừa áo nhẹ.

Bánh mì chả

Bánh mì kẹp chả lụa thì miếng chả phải được xắt thành dạng dài khoảng ngón tay giữa, dày chừng 1 - 2 cm. Chả ngon là loại nhai vào nghe mùi thịt heo thơm, mùi nước mắm ngon, dai nhẹ, giòn vừa, không bị bở và đầu lưỡi không cảm thấy bột trong miếng chả. Một ổ bánh mì chả đặc trưng ngoài chả lụa còn có giò thủ làm từ tai heo, mộc nhĩ. Nhai vào giòn sần sật vui miệng vô cùng.

Sài Gòn là vùng đất phồn hoa, náo nhiệt, nơi người dân tứ xứ kéo đến làm ăn sinh sống. Họ mang theo sản vật quê hương vào Sài Gòn, trước là để thỏa nỗi nhớ nhà, sau là để có trong tay một "món lạ" để sinh tồn giữa thành thị này. Bánh mì chả bò Đà Nẵng xuất hiện chưa lâu ở thành phố, chỉ độ khoảng gần 2 năm trở lại đây. Bánh mì chả bò Đà Nẵng - biển hiệu luôn ghi trọn vẹn từng chữ như để khẳng định thương hiệu cho vùng đất quê mình. Miếng chả bò xắt dày dặn vừa ăn, tiêu thơm nồng, mùi vị khác hẳn chả lụa làm từ thịt heo và có độ dai giòn hơn. Bánh mì chả bò Đà Nẵng đã góp phần làm cho danh sách những loại bánh mì có mặt tại Sài Gòn dài ra thêm tí nữa.

Sẽ là thiếu sót nếu không kể đến món bánh mì chả cá, một món ăn mang đậm hương vị biển và nổi tiếng tại các tỉnh như Quy Nhơn, Đà Nẵng… Bánh mì chả cá dùng kèm với muối tiêu, tương ớt, rau răm và dưa leo. Chả cá được tán nhuyễn, chiên vàng, khi cắn vào có độ dai và ngọt. Đặc biệt trong ổ bánh mì chả cá còn phết một lớp mỡ hành thơm hấp dẫn. Món ăn này xuất hiện lần đầu ở khu vực quận 7, cụ thể là một xe nhỏ ở lề đường ven bờ sông khu Trung Sơn - Đồng Diều.

Kết:

Một ổ bánh mì thịt ngon phải đảm bảo tiêu chí đầu tiên là bánh mì giòn vừa phải, phần ruột xốp, các thành phần nhân hài hòa, tươi ngon, gia vị vừa tay. Giá tiền một ổ bánh thay đổi theo vị trí mà xe bánh mì ấy tọa lạc. Xe đẩy ở đầu hẻm hay một quán sang trọng có máy lạnh, bàn ghế và kèm nước ngọt theo phần ăn. Bánh mì ở Sài Gòn không thể xem là món ăn bình dân, mà phải nói đây là món ăn thông dụng.

Không ít nhà hàng ở Sài Gòn đi theo tiêu chí chỉ có món bánh mì kẹp trong menu. Cũng không ít thương hiệu bánh mì thịt nổi tiếng và lâu năm ở Sài Gòn dù chỉ là cái xe đẩy cũ kĩ lại hét giá cao nhưng vẫn đủ sức hút khiến khách đứng chờ nửa tiếng để mua một ổ bánh: bánh mì ô môi, bánh mì Tư Sườn… là ví dụ điển hình. "Ra ngõ là gặp bánh mì", đủ mọi loại nhân, đủ giá cả, đủ địa điểm bán và ăn. Món ăn có thể dùng cho bất kì buổi nào trong ngày, rất hợp với tác phong sống của người thành phố này: năng động, tự do và phóng khoáng.

Lâm Moon

Tác giả Huỳnh Ngọc Trảng trong Sự đời như... Ổ bánh mì viết: Bánh mì ăn theo kiểu Tây thì dùng với xúp, bíp tết (beefsteak), ốp la (oeuf sur plat), ốp lết (omelette: trứng rán)... Có thể kể thêm cách ăn bánh mì với patê (paté), giăm bông (jambon), xúc xích (saucisse), bơ, mứt. Loại hamburger, hot dog mới phổ biến sau này.

Nhưng còn bánh mì ăn theo kiểu Việt thì lại khác. Người Việt chúng ta ưa ăn bánh mì theo kiểu mổ đôi ổ bánh và dồn các thứ khác vào trong (thịt nguội, giò lụa, xá xíu, thịt nướng...). Kiểu bánh mì kẹp thịt tổng hợp là kiểu bánh mì đặc sắc của xứ ta: phết bơ hoặc may-on-ne (mayonnaise), pa tê, rồi nhét vào đó thịt heo xá xíu, chả lụa, giăm bông, dưa chuột, cà chua, hành, ngò, tương ớt, rưới xì dầu, rắc muối tiêu..." (Trích trong cuốn Sài gòn tản văn Ngon vì nhớ - Nhiều tác giả- Nxb Hội Nhà văn và Công ty Sách Phương Nam).