Ngoài địa danh lịch sử nổi tiếng Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên còn sở hữu phong cảnh ngoạn mục của núi rừng Tây Bắc. (Nguồn: Ian Neubaur/Al Jazeera) |
Du lịch từ lâu đã được xem là một cách để xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế ở Việt Nam. Riêng năm 2019, cả nước đã đón 18 triệu lượt khách, chiếm 9,2% GDP. Tuy nhiên, phát triển du lịch quá mức lại là một trong những nguyên nhân gây quá tải cơ sở hạ tầng, dẫn đến phá vỡ cảnh quan và làm mất bản sắc văn hoá tại địa phương.
Lợi thế và tiềm năng du lịch của Điện Biên
Trả lời phỏng vấn tờ Al Jazeera, Giám đốc công ty du lịch Moto Tours Asia Tuấn Nguyễn chia sẻ: “Lần đầu tiên đến Sa Pa vào năm 1995, nơi đây rất đẹp nhưng giờ không được như xưa nữa. Chúng tôi chuyển sang đưa khách đến các bản làng ở Điện Biên Phủ, nơi còn lưu giữ văn hóa và kiến trúc truyền thống của bà con dân tộc thiểu số”.
Ngoài TP. Điện Biên Phủ, bản Che Căn, một làng dân tộc thiểu số H’mong, cách thành phố 30km về phía Đông Bắc là nơi thu hút nhiều du khách đến với Điện Biên.
Toàn cảnh bản Che Căn. (Ảnh: Việt Linh) |
Với ruộng lúa thơ mộng và quang cảnh núi non trùng điệp mù sương, những con lạch nước trong vắt và con đường làng quanh co… mọi kiến trúc trong làng đều tuân theo những thiết kế truyền thống, bản Che Căn như “bước ra” từ một bức tranh sơn dầu.
Thêm vào đó, người dân nơi đây vẫn mặc trang phục truyền thống của người H’mong gồm áo, váy, thắt lưng, yếm đằng trước, xà cạp, đồ trang sức và mũ đội đầu đầy màu sắc tô điểm cho “bức tranh” thêm hoàn mỹ, khiến Che Căn trở thành bản bảo tồn nhiều giá trị văn hóa Thái cổ, là địa điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn đối với du khách.
Du khách người Mỹ Catherine Ryba cho biết, ngoài cảnh sắc tuyệt với, bản Che Căn còn mang đến trải nghiệm độc đáo khi khách du lịch có thể sống cùng người H’mong để hiểu thêm về sinh hoạt thường ngày của họ.
Hoạt động mang lại thu nhập, cải thiện cuộc sống cư dân
Homestay Phương Đức là một trong 2 homestay ở Che Căn. Công trình này được anh Lò Văn Đức hoàn thành vào năm 2018 với sự hỗ trợ của Trung tâm Phát triển Cộng đồng (CCD), một chi nhánh ở địa phương của tổ chức từ thiện Care International.
Homestay Phương Đức. (Nguồn: Petrotimes) |
Anh Đức chia sẻ: “Lúc đầu, tôi không biết gì về du lịch, CCD đã hướng dẫn tôi hiểu thêm về người nước ngoài. Họ đã đưa tôi đi xem nhiều homestay khác nhau, nhờ đó, tôi đã có một số ý tưởng về du lịch. Với 13.000 USD vốn vay và tài trợ từ CCD, tôi đã có thể xây dựng một nhà nghỉ của riêng mình”.
Trước đại dịch, gia đình anh Đức đã đón khoảng 300 khách mỗi tháng, 1/3 trong số đó là người nước ngoài. Trong thời gian đóng cửa du lịch quốc tế, homestay Phương Đức chỉ đón 150 khách/tháng và tất cả là khách nội địa.
Cơ sở này tính phí 5 USD/người/đêm và thêm 12 USD/suất ăn gồm chả giò, gà nướng, cá hầm, vịt quay, cơm, trái cây theo mùa và rượu gạo. Họ cũng cho thuê xe đạp với giá 3 USD và cung cấp các chuyến tham quan có hướng dẫn viên đến căn cứ dưới lòng đất thời xưa của Đại tướng Võ Nguyên Giáp - vị tướng tài ba của Việt Nam, người góp phần làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.
Trải nghiệm đi xe trâu. (Nguồn: Petrotimes) |
Anh Đức nói: “Khi đưa vào hoạt động cơ sở này, thu nhập của gia đình tôi đã tốt hơn nhiều so với làm ruộng. Giờ đây, chúng tôi có đủ tiền để trả cho con cái đi học và thậm chí có thể vào đại học nếu chúng học khá”.
Định hướng du lịch cộng đồng, phát triển bền vững
Lấy cảm hứng từ homestay Phương Đức, sau 2 năm đóng cửa do Covid-19, giờ đây, khi Việt Nam mở cửa quốc tế trở lại, Giám đốc công ty du lịch Moto Tours Asia Tuấn Nguyễn và các đối tác đã đưa ra sáng kiến thúc đẩy du lịch sinh thái góp phần chống đói nghèo và bảo tồn văn hóa bản địa ở Điện Biên.
Theo đó, nhóm của anh đã xây dựng một mạng lưới nhà nghỉ bản địa được thiết kế theo phong cách nhà sàn truyền thống và 100% lợi nhuận thu được sẽ được chuyển cho chủ nhân và người vận hành những địa điểm này.
Kế hoạch của nhóm anh Tuấn là chọn từ 8 đến 10 ngôi làng có phong cảnh đẹp kết hợp huy động vốn từ nguồn ngân sách tỉnh và các tổ chức phi chính phủ để xây dựng hai hoặc ba nhà lưu trú truyền thống trong mỗi ngôi làng.
Nhóm cũng có kế hoạch đào tạo cho người dân địa phương về cách làm việc với khách du lịch và quản lý các dịch vụ, hoạt động như đi bộ xuyên rừng, đi xe đạp, chèo thuyền kayak và tham quan các di tích lịch sử, đồng thời thu hút các tình nguyện viên từ nước ngoài đến dạy kèm tiếng Anh cho người dân địa phương.
Khám phá nghề Dệt ở bản Che Căn. |
Nhóm dự tính rằng, sau khi mạng lưới được thiết lập, khách du lịch sẽ ở lại hai hoặc ba đêm tại mỗi bản làng và dành trung bình 10 ngày ở Điện Biên, hòa mình vào cuộc sống bản làng.
Anh Tuấn chia sẻ: “Chúng tôi không xem đây là một cách để kiếm lợi nhuận. Đây là kế hoạch có thời hạn 5 năm, nhằm trao quyền cho bà con địa phương có việc làm và tạo ra các cơ hội kiếm tiền lâu dài đồng thời giúp bảo tồn văn hóa và kiến trúc truyền thông thay vì xóa sổ nó”.
Để đảm bảo việc giữ gìn bản sắc và cảnh quan lâu dài, mọi người trong làng khi tham gia dự án trên đã ký một hợp đồng với quy định chỉ được phép xây dựng những ngôi nhà gỗ truyền thống cao hai tầng.
Chủ homestay Phương Đức cho biết, anh không hề lo lắng về sự cạnh tranh từ "hàng xóm". Anh cũng rất ủng hộ những nỗ lực của nhóm anh Tuấn để xây dựng ngôi làng của anh trở nên đẹp hơn, mọi người có cuộc sống tốt hơn.
“Tôi muốn họ trải nghiệm những thành công mà gia đình tôi đã làm được, để họ có thêm thu giúp cuộc sống tốt hơn”, anh Đức nói.
| Mở cửa du lịch: Bước ngoặt quan trọng để phục hồi kinh tế Việc Việt Nam mở cửa du lịch, sau 2 năm bị ảnh hưởng bởi Covid-19, có thể nói là bước ngoặt quan trọng trong tiến ... |
| Mở cửa du lịch: Kinh nghiệm nhìn từ thế giới Các quốc gia lần lượt mở cửa du lịch - một lĩnh vực được ưu tiên trong chiến lược phục hồi kinh tế và đang ... |