Trung Quốc đang tìm mọi cách để mở rộng “đế chế hàng hải”, song cùng lúc đó, những thách thức mà nước này phải đối mặt cũng ngày một gia tăng.
Tàu sân bay Mỹ USS Carl Vinson đi qua Biển Đông vào ngày 2/3/2017 (Nguồn: Diplomat) |
Cộng đồng quốc tế có những phản ứng mạnh mẽ trước các hành vi chèn ép của Trung Quốc. Cho đến nay, dù cộng đồng quốc tế chưa tỏ rõ thái độ lựa chọn bên trong các tranh chấp ở Biển Đông, song tình hình đang có những biến chuyển nhất định do các hành vi hăm dọa và cưỡng ép của Trung Quốc ở Biển Đông.
Theo một cuộc thăm dò dư luận được Viện Pew tiến hành tại 14 quốc gia, những quan điểm tiêu cực về Trung Quốc về cơ bản đã và đang trên đà tăng.
Những hành vi của Trung Quốc ở Biển Đông khiến cộng đồng quốc tế đặc biệt lưu ý, nhất là trong bối cảnh đã sẵn có những lo ngại về nguy cơ mất đi sự cân bằng chiến lược trong khu vực.
Ủy ban Thương mại và Phát triển Liên hợp quốc (UNCTAD) ước tính khoảng 80% khối lượng và 70% giá trị thương mại toàn cầu được trung chuyển tại Biển Đông. Đó là lý do vì sao Trung Quốc muốn thâu tóm toàn bộ khu vực với chiêu bài tuyên bố chủ quyền theo cái gọi là “đường 9 đoạn”.
Gia tăng thách thức
Nhiều yếu tố lý giải cho việc Trung Quốc gia tăng thách thức ở Biển Đông.
Trước hết, chiến tranh thương mại Mỹ-Trung đã gây ra những tổn hại nhất định cho lợi ích kinh tế của Trung Quốc.
Từ trước khi đại dịch bùng phát, nhiều doanh nghiệp sản xuất đã tìm cách rời khỏi Trung Quốc. Tính đến tháng 4/2020, đã có khoảng 56 doanh nghiệp chuyển hoạt động khỏi nền kinh tế này. Việc Trung Quốc bị cho là thiếu trách nhiệm dẫn tới sự lây lan của dịch bệnh cũng là yếu tố khiến các doanh nghiệp có ý định chuyển tới những quốc gia khác.
Thứ hai, việc Trung Quốc áp dụng luật an ninh quốc gia tại Hong Kong càng gia tăng rủi ro cho cuộc chiến thương mại, vốn đang ở trong một giai đoạn cực kỳ nhạy cảm.
Thứ ba, những cuộc thảo luận về tăng sức bền cho chuỗi cung ứng, sự dư thừa và tái cấu trúc, đều là những điều khiến Trung Quốc lo ngại.
Việc nhiều doanh nghiệp chuyển đổi cơ sở có thể không gây thiệt hại nhiều cho Trung Quốc xét ở các góc độ kinh tế, song sẽ hủy hoại đáng kể hình ảnh Trung Quốc với tư cách một trung tâm sản xuất toàn cầu.
Thứ tư, dự án trọng điểm Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều của dư luận liên quan đến các động cơ kinh tế không trong sáng.
Nhiều quốc gia đã cho rằng, BRI thực chất là một bẫy nợ. Dịch Covid-19 càng làm trầm trọng hơn những tác động này. Khoảng 40% các dự án bị ảnh hưởng và khoảng 35% dự án khác chịu tác động một phần, bất chấp thực tế Chính phủ Trung Quốc đã có những nỗ lực tổ chức hội nghị trực tuyến để thúc đẩy dự án.
Điều chỉnh để kiềm chế
Những hành vi hung hăng không ngừng của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông đã khiến nhiều quốc gia phải điều chỉnh mối quan hệ để kiềm chế đối tác này.
Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản và Australia đang xúc tiến thành lập nhóm Bộ Tứ và dự kiến có thể là Bộ Tứ mở rộng với những thành viên khác như Hàn Quốc hay các nước thuộc Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Dù không phải là một liên minh quân sự, song tiềm lực ngoại giao của cơ chế này chắc chắn sẽ rất đáng kể.
Nhóm Bộ Tứ là các quốc gia cùng chung tầm nhìn về một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do, cởi mở và toàn diện, được xây dựng trên cơ sở công bằng, đa cực, tôn trọng luật pháp và thông lệ quốc tế.
Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia nhận thấy sự cần thiết của một cấu trúc an ninh mới cho toàn bộ khu vực nhằm phục vụ lợi ích của tất cả các bên. Việc hiện thực hóa khái niệm này, đang ngày càng nhận được nhiều sự thừa nhận của dư luận quốc tế, sẽ giúp kiềm chế và ngăn Trung Quốc hủy hoại cán cân chiến lược.
Rất dễ nhận thấy sự thay đổi trong cách tiếp cận Trung Quốc của 4 quốc gia trong nhóm Bộ Tứ. Khác với sự chần chừ trước đây trong vấn đề Biển Đông, Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia hiện giờ đều công khai ủng hộ phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA), phán quyết cho rằng, các yêu sách của Trung Quốc là phi pháp.
Những thay đổi trong chính sách của Mỹ là điều rất đáng chú ý. Nhiều nhà quan sát dự đoán, Mỹ sẽ tiến hành thêm các cuộc tập trận quân sự với các cường quốc bên ngoài và cả các nước có tuyên bố chủ quyền trong khu vực. Những lợi ích của Mỹ tại Biển Đông đảm bảo rằng, dù chính quyền Mỹ có thay đổi hay không, cách tiếp cận với vấn đề này sẽ không có gì thay đổi.
ASEAN cũng đã có cách tiếp cận thống nhất trước các hành vi của Trung Quốc.
Tất cả những yếu tố kể trên đang tạo dựng một môi trường không có lợi cho Trung Quốc, song chưa có dấu hiệu nào cho thấy quốc gia này sẽ thay đổi cách tiếp cận của mình.
Chủ nghĩa thực dụng đòi hỏi các nước có tuyên bố chủ quyền trong khu vực và các cường quốc bên ngoài phải gia tăng áp lực với Trung Quốc bởi những hành vi mà Bắc Kinh thúc đẩy khiến khu vực trở nên bất ổn và tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Các quốc gia cần thúc đẩy một hệ thống triển khai các cuộc tuần tra chung để bảo vệ tàu đánh cá và xây dựng các cơ chế đảm bảo quyền lợi cho ngư dân.
Về mặt ngoại giao, các nước có tuyên bố chủ quyền trong khu vực có thể học hỏi những gì Philippines đã làm tại PCA. Đây có thể là động thái mang tính biểu tượng đầy mạnh mẽ nhưng đủ sức gia tăng áp lực đòi hỏi Trung Quốc kiềm chế những hành vi gây hấn của họ.