📞

Báo chí 'cưỡi sóng' AI, đi trước một bước tiến vào kỷ nguyên số

Yến Nguyệt 10:00 | 15/03/2024
Chúng ta không thể tiến vào kỷ nguyên số bằng câu chữ đơn thuần, mà còn cả những thuật toán, dữ liệu được số hóa… Với chủ đề “Báo chí Việt Nam - Tiên phong, đổi mới vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân”, Hội Báo toàn quốc năm 2024 sẽ là điểm nhấn về tính chuyên nghiệp, hiện đại của báo chí. Báo TG&VN chia sẻ góc nhìn của hai chuyên gia về báo chí hiện đại.
Nhà báo Nguyễn Hoàng Nhật, Phó Tổng Biên tập báo VietnamPlus

Tranh thủ “cưỡi sóng” AI

Nhà báo Nguyễn Hoàng Nhật, Phó Tổng Biên tập báo VietnamPlus

Chúng ta nghe nói rất nhiều về mô hình media-tech những năm qua, nghĩa là báo chí không thể tách rời khỏi công nghệ và những cơ quan báo chí hàng đầu hiện nay đều có xu hướng trở thành các công ty công nghệ - truyền thông.

Đương nhiên, những giá trị cốt lõi của báo chí như tin tức cập nhật, dấn thân, đóng góp xã hội vẫn tiếp tục bồi đắp. Song những giá trị đó chỉ có thể đạt hiệu quả cao nhất nếu đồng hành cùng yếu tố công nghệ. Chúng ta không thể tiến vào kỷ nguyên số bằng những câu chữ đơn thuần, mà cả những thuật toán, dữ liệu được số hóa.

Tôi ấn tượng với phát biểu gần đây của bà Ladina Heimgartner, CEO tập đoàn truyền thông Ringier, khi bà nói rằng báo chí đã để lỡ tàu trong cuộc cách mạng công nghệ, bị các nền tảng xuyên biên giới bỏ xa. Vì vậy, báo chí hãy tranh thủ “cưỡi sóng” trong cuộc cách mạng trí tuệ nhân tạo (AI).

Cái gì cũng có hai mặt và chúng ta cần cẩn trọng trước những mặt trái của AI. Dường như nỗi sợ hãi đang bị thổi phồng (chẳng hạn AI lấy mất việc làm của con người, AI tạo ra fake news, quyền riêng tư bị vi phạm…). Thay vì quay lưng với nó, chúng ta cần tạo ra những hàng rào pháp lý, đủ để người làm báo tận dụng AI hỗ trợ cho công việc của mình.

Trong thời đại số, chúng ta có thể rút ngắn khoảng cách nhanh chóng. Chẳng hạn, khi nói về viễn thông, đầu những năm 2000 chúng ta vẫn còn ở khoảng cách quá xa so với thế giới. Nhưng giờ đây, Việt Nam là một trong những quốc gia có nền tảng viễn thông tốt nhất thế giới. Theo tôi biết, cơ quan quản lý luôn lắng nghe và chủ động có nhiều giải pháp cũng như chuẩn bị sẵn hành lang pháp lý giúp cho các tòa soạn khỏi bỡ ngỡ khi bước vào “sân chơi” lớn này.

Theo tôi, vũ khí lớn nhất của nhà báo thời hiện đại là tinh thần học hỏi. Nhiều người nói về hội chứng FOMO (hội chứng sợ bỏ lỡ) và nó sẽ đúng phần nào đó với những người làm báo. Cá nhân tôi tham gia đào tạo nhiều lớp nghiệp vụ về công nghệ cho báo chí, trong đó có AI. Tôi chứng kiến năng lượng học hỏi nhiệt tình của các học viên. Tinh thần đó là một lợi thế lớn để chúng ta vượt qua những khoảng cách với báo chí thế giới.

Thực tế, chúng tôi đã áp dụng khá nhiều công cụ có tích hợp AI vào quy trình sản xuất sản phẩm báo chí như soát lỗi chính tả, chọn từ khóa, gợi ý tít, dịch thuật, tạo ảnh, tạo audio/video bằng văn bản, đồng thời, đang thử nghiệm công cụ phân loại nội dung, phân loại độc giả, tiến tới giúp độc giả cá nhân hóa nội dung theo hành vi, sở thích. Những bước đi đó phần nào đẩy nhanh tiến độ sản xuất, nâng cao năng suất, cả số lượng lẫn chất lượng.

Tuy vậy, so với các tòa soạn lớn trên thế giới, chúng ta vẫn chưa là gì. Ngay cả với các cơ quan báo chí hàng đầu thì việc đầu tư cho AI vẫn ngốn một khoản chi phí khổng lồ. Chúng tôi rất mong nhận được sự hỗ trợ từ Nhà nước hoặc có các cơ chế hợp tác cùng các công ty công nghệ.

Tôi nghĩ, hầu hết các cơ quan báo chí đều mong chờ Hội Báo toàn quốc năm 2024 như một bước đột phá để tiến vào kỷ nguyên số. Tôi kỳ vọng 10 phiên tọa đàm sẽ có những kết quả thực chất, trên mọi lĩnh vực, từ nâng cao hiệu quả tuyên truyền, cải thiện chất lượng nội dung đến các giải pháp công nghệ dành cho báo chí. Chúng ta có câu nói quen thuộc, “muốn đi xa phải đi cùng nhau” và đây chính là dịp tốt để thực hiện câu châm ngôn đó.

TS. Phạm Chiến Thắng, Trưởng khoa Báo chí - Truyền thông, Trường Đại học Khoa học (Đại học Thái Nguyên)

Đi trước một bước

TS. Phạm Chiến Thắng, Trưởng khoa Báo chí - Truyền thông, Trường Đại học Khoa học (Đại học Thái Nguyên)

Một trong những năng lực cạnh tranh chính của báo chí trong kỷ nguyên AI là khả năng tạo ra nội dung độc đáo, sâu sắc và có giá trị thông tin cao. Trong khi AI có thể tự động hóa việc sản xuất các bài viết cơ bản dựa trên dữ liệu và thông tin sẵn có, con người vẫn giữ vai trò không thể thay thế trong việc phân tích sâu, đưa ra cái nhìn phê phán, kể các câu chuyện có sức hấp dẫn cao với góc nhìn sâu sắc.

Để duy trì và phát triển năng lực cạnh tranh trong thời đại AI, báo chí cần chú trọng đầu tư vào công nghệ và đào tạo nhân lực, giữ vững nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp và chất lượng thông tin. Việc áp dụng công nghệ AI cần được thực hiện một cách cân nhắc, bảo đảm máy móc hỗ trợ chứ không thay thế hoàn toàn vai trò của con người. Bằng cách sử dụng AI để phân tích dữ liệu người dùng, người làm báo có thể tạo ra nội dung được cá nhân hóa, đáp ứng sở thích và nhu cầu thông tin cụ thể của độc giả.

Bên cạnh đó, áp dụng AI trong việc tự động hóa các quy trình thu thập thông tin, xử lý dữ liệu, giúp giảm thiểu thời gian và công sức cho những công việc nhàm chán, lặp lại, cho phép các phóng viên, biên tập viên tập trung vào các công việc đòi hỏi tư duy sáng tạo, phân tích sâu.

Trong môi trường số hóa nhanh chóng, việc nhận diện sớm xu hướng và áp dụng công nghệ mới là chìa khóa để tạo ra lợi thế cạnh tranh. Điều này đòi hỏi sự linh hoạt, sẵn sàng thích ứng và chấp nhận rủi ro để thử nghiệm với những phương pháp mới. Các cơ quan báo chí cần có tầm nhìn xa, phát hiện và khai thác các công nghệ mới trước khi chúng trở nên phổ biến.

Thực tế, việc “đi trước một bước” không chỉ là lựa chọn mà còn là yêu cầu để tồn tại và phát triển trong môi trường báo chí hiện đại. Dù có thể gặp phải thách thức nhưng việc linh hoạt trong công tác quản lý và khả năng đổi mới liên tục sẽ là chìa khóa cho sự thành công trong thời đại số.

(ghi)