Nhỏ Bình thường Lớn

Báo chí dấn thân chống dịch Covid-19

Hơn một năm đương đầu với đại dịch Covid-19, báo chí Việt Nam đã thể hiện được trách nhiệm xã hội, thực hiện tốt sứ mệnh của người làm công tác thông tin, truyền thông.
Phóng viên tác nghiệp tại tâm dịch Đà Nẵng, tháng 8/2020.
Phóng viên tác nghiệp tại tâm dịch Đà Nẵng, tháng 8/2020.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh Covid-19 đã đánh giá cao sự đóng góp của báo chí trong công tác phòng, chống dịch, nhận định rằng báo chí là lực lượng trực tiếp cùng xung trận với y tế, công an, quân đội… và “chưa bao giờ thông tin về tình hình dịch bệnh đầy đủ, minh bạch, đồng loạt như lần này”.

Khi có những tin tức về các ca bệnh đầu tiên ở Vũ Hán (Trung Quốc), báo chí nước ta đã vào cuộc rất sớm. Đồng hành cùng các hoạt động điều hành, chỉ đạo của Chính phủ liên quan đến phòng, chống dịch bệnh, báo chí đã có các bài viết cảnh tỉnh về sự nguy hiểm của virus Sars-Cov-2, về khả năng lan truyền đến Việt Nam.

Rồi từ đó, qua 4 đợt dịch, các cơ quan báo chí chính thống của Việt Nam trở thành địa chỉ tin cậy cho các độc giả. Trong tình hình rối ren của dịch bệnh, nạn tin giả, giật gân, câu view trên mạng xã hội hoành hành thì báo chí chính thống trở thành lực lượng tiên phong thực hiện công tác nâng cao nhận thức, ý thức, hiểu biết của nhân dân trong phòng chống dịch bệnh.

Những người làm báo đã thể hiện được tinh thần dấn thân, thực hiện sứ mệnh là binh chủng quan trọng trong trận chiến chống dịch.

Báo chí dấn thân chống dịch Covid-19
Báo chí tham gia cùng các lực lượng chức năng khác nhằm tháo gỡ các khó khăn về lưu thông hàng hóa, hỗ trợ tiêu thụ nông sản.

Không một cơ quan quan báo chí nào đứng ngoài cuộc, từ báo hình, báo nói, báo in, báo điện tử. Các cơ quan báo chí có các chuyên trang, chuyên mục riêng về Covid-19 với cách thức đưa tin chính xác, cập nhật và hiệu quả.

Các loại hình báo chí đa phương tiện, với sự kết hợp nhuần nhuyễn, bổ trợ giữa nội dung và hình ảnh, âm thanh… đã tạo nên hiệu ứng tốt trong việc cập nhật từ các chính sách, chủ trương, chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, phản ánh hoạt động của các lực lượng tuyến đầu chống dịch cho đến ý kiến của từng người dân, chuyên gia, học giả…

Báo chí kịp thời thông tin về những giải pháp an sinh của chính phủ, các nhiệm vụ khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội, phản ánh thực tiễn phát sinh trong bối cảnh dịch bệnh, không chỉ giúp các nhà hoạch định chính sách nắm bắt rõ hơn tình hình thực tế mà còn củng cố tinh thần đoàn kết, đồng lòng, khơi dậy lòng hảo tâm trợ giúp đồng bào trong những thời khắc khó khăn.

Cụ thể, những người làm công tác báo chí đã kịp thời phản ánh, biểu dương những tấm gương tiêu biểu trong hoạt động phòng chống dịch và hỗ trợ người dân; tham gia cùng các lực lượng chức năng khác nhằm tháo gỡ các khó khăn về lưu thông hàng hóa, hỗ trợ tiêu thụ nông sản…

Điều dễ nhận thấy là báo chí đã thể hiện sự định hướng rất tích cực trong việc đưa tin nhưng cũng kịp thời phê phán những biểu hiện chưa đúng mực, chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch; bác bỏ các thông tin sai trái, xuyên tạc trên mạng xã hội; phản ảnh đúng thực trạng nhưng với phương châm “nhân cái đẹp, dẹp cái xấu", không làm dư luận hoang mang, giúp người dân yên tâm và tin tưởng về hoạt động phòng chống dịch.

Với truyền thông chống dịch, thông tin phải đủ, đúng và tránh hiểu nhầm, là tối quan trọng. Đa phần lãnh đạo các cơ quan báo chí nắm rõ những tiêu chí quan trọng này và đã triển khai trên thực tế một cách nghiêm túc và đầy trách nhiệm.

Có thể nói rõ thêm rằng truyền thông chống dịch không chỉ có báo chí. Chúng ta đã vận dụng linh động nhiều loại hình truyền thông, với sự vào cuộc của các nhà mạng qua các thông điệp trên các tin nhắn cảnh báo, cung cấp thông tin; các nội dung tuyên truyền về phòng, chống dịch bệnh trên các băng-rôn, pa-nô, bảng điện tử, xe tuyên truyền lưu động, các mạng xã hội…

Nhưng rõ ràng báo chí chính thống đã giữ được vị trí ưu thế với những thông tin có kiểm chứng, có chiều sâu, tạo được niềm tin, trở thành địa chỉ tin cậy cho các độc giả trong bối cảnh nhiễu loạn thông tin trên mạng xã hội như hiện nay.

Dịch bệnh Covid-19 chưa biết bao giờ mới đến hồi kết. Đợt dịch thứ 4 vẫn đang diễn biến phức tạp, đặt ra nhiều khó khăn trong công tác phòng, chống dịch. Trước những thách thức đó, nhu cầu thông tin của xã hội càng lớn, trách nhiệm của báo chí càng nặng nề hơn.

Với tinh thần dấn thân, thông tin kịp thời về tình hình dịch bệnh và chủ trương, đường lối phòng chống dịch của Đảng, Nhà nước; lan tỏa những sáng kiến hay, những câu chuyện đẹp, “dẹp” các thông tin độc hại, những người làm báo chắc chắn sẽ tiếp tục là người đồng hành không thể thiếu trong đội ngũ làm công tác phòng, chống dịch bệnh ở nước ta.

Thủ tướng chỉ đạo về việc tăng cường nhân lực y tế phục vụ phòng chống dịch Covid-19

Thủ tướng chỉ đạo về việc tăng cường nhân lực y tế phục vụ phòng chống dịch Covid-19

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành văn bản hỏa tốc số 5258/VPCP-KGVX gửi Bộ trưởng Bộ Y tế và Chủ tịch UBND các tỉnh, ...

ĐBQH Nguyễn Anh Trí: 'Chống dịch như chống giặc', chỉ cần chậm một chút sẽ thành ‘sai một ly, đi một dặm’

ĐBQH Nguyễn Anh Trí: 'Chống dịch như chống giặc', chỉ cần chậm một chút sẽ thành ‘sai một ly, đi một dặm’

GS. TS. Nguyễn Anh Trí cho rằng, chống dịch Covid-19 phải tính theo đơn vị là ngày, là giờ, chỉ cần chậm một chút thì ...