📞

Báo chí Liên Hiệp Hội Việt Nam thời 4.0: Còn nhiều thách thức

15:23 | 31/10/2018
Sáng nay (31/10) tại Hà Nội, Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (LHHVN) tổ chức tọa đàm “Thực trạng và giải pháp tăng cường vai trò của báo chí Liên hiệp hội Việt Nam”.

Theo Thạc sĩ Phạm Bích Hồng (Phó Trưởng ban - Ban Truyền thông và Phổ biến kiến thức – LHHVN), toàn hệ thống LHHVN có 103 cơ quan báo chí và 402 ấn phẩm thông tin báo chí, bao gồm báo, tạp chí, bản tin và trang tin điện tử tổng hợp.

Nhiệm vụ của báo chí LHHVN là không ngừng thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu khoa học, ứng dụng và chuyển giao công nghệ, truyền thông phổ biến kiến thức khoa học và công nghệ. Ngoài ra, báo chí LHHVN còn có các hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội, các hoạt động tôn vinh trí thức khoa học và công nghệ Việt Nam.

Chia sẻ tại tọa đàm, TS. Phạm Thị Mỵ - Tổng biên tập Tạp chí Sức khỏe và Môi trường cho rằng, trong bối cảnh kinh tế thị trường, một số cơ quan báo chí thiếu nhạy bén chính trị, xa rời tôn chỉ, mục đích, thông tin không trung thực, sa đà vào việc đưa tin tiêu cực và tệ nạn xã hội. Đặc biệt, khuynh hướng tư nhân hóa, thương mại hóa báo chí, tư nhân núp bóng để kinh doanh báo chí ngày càng tăng.

“Một số cơ quan báo chí và nhà báo thông tin sai sự thật, thể hiện chủ yếu ở mảng viết về các vụ án. Nhiều trường hợp bị phát hiện, khiếu nại nhưng không được cải chính hoặc cải chính không nghiêm túc. Từ đó dẫn đến thực tế nhiều doanh nghiệp, tổ chức, tập thể, cá nhân điêu đứng, khó khăn khi bị thông tin sai, thậm chí bị vu cáo”, bà Phạm Thị Mỵ nhấn mạnh.

Thực tế, có không ít bài báo vi phạm pháp luật, xâm phạm bí mật đời tư cá nhân, xúc phạm nghiêm trọng uy tín, danh dự nhân phẩm của công dân. Một số nhà báo sa đà vào “mảng tối”, mặt trái của đời sống xã hội, tạo nên bức tranh ảm đạm, bi quan.

Toàn cảnh tọa đàm. (Ảnh: Lê Hồng)

Tại Tọa đàm, ông Nguyễn Hữu Bắc - Thư ký tòa soạn báo Đất Việt nhận đinh, các loại hình, phương thức truyền thông mới xuất hiện cùng với sự đa dạng kênh truyền thông trong nước đã tạo ra sự cạnh tranh khốc liệt giữa các tờ báo, giữa báo và mạng xã hội, báo và các kênh thông tin khác. Không chỉ mạng xã hội, ngày nay, bất kỳ ứng dụng công nghệ thông tin nào cũng đều phát triển giá trị cốt lõi cùng với giá trị gia tăng như một cổng thông tin để thu hút tối đa người dùng. Sự phát triển không giới hạn này tạo sức cạnh tranh lớn chưa từng có cho báo chí truyền thống.

Cách tiếp cận thông tin của độc giả cũng thay đổi lớn trong những năm qua. Độc giả trở nên khó tính hơn, giảm lượng độc giả chủ động trực tiếp tìm tới báo (mua báo giấy hoặc truy cập ấn phẩm điện tử) và tăng lượng độc giả qua kênh trung gian.

"Độc giả yêu cầu các thông điệp ngày càng đơn giản hơn, dễ tiếp nhận, đồng nghĩa với việc thông tin cần giản lược, được "chế biến" kỹ với nghiệp vụ tốt hơn. Chính thực tế này đã gây khó khăn cho đặc trưng thông tin báo chí LHHVN truyền tải, đó là các thông tin khoa học, hàn lâm, một số chủ đề tương đối khô cứng, khó tiếp nhận", ông Nguyễn Hữu Bắc nói.

Theo Phó Tổng biên tập Tạp chí điện tử Gia đình mới Trần Trọng An, trong bối cảnh hiện nay, tình hình báo chí nói chung và báo chí của LHHVN nói riêng phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Hầu hết các tờ báo, tạp chí thuộc LHHVN phải tự chủ về ngân sách hoạt động. Nguồn thu phụ thuộc vào hoạt động quảng cáo, quyền thông và tổ chức sự kiện. Trong khi đó, báo giấy sụt giảm lượng phát hành do công chúng đã chuyển sang các thiết bị kỹ thuật số. Doanh thu quảng cáo cũng chuyển dịch từ báo in, truyền hình sang các loại hình báo trực tuyến.

Đồng thời, sự bùng nổ của các mạng xã hội và các ứng dụng như Facebook, Youtube, Zalo, Viber… khiến cho phương thức đưa tin thay đổi. Trong nhiều sự kiện như tai nạn, cháy nổ, các sự cố lớn khác, mạng xã hội đã hoàn toàn chiếm ưu thế trong thông tin, hình ảnh, clip lên ngay lập tức và được lan truyền chóng mặt bởi những người dùng khác.

Như vậy, khó khăn về nguồn thu dẫn tới hạn chế về nguồn lực làm báo khiến báo chí càng khó khăn hơn trong việc tiếp cận đưa tin. Điều này khiến cho các tòa soạn lúng túng trong việc tìm cho mình một hướng đi mới. 

Nhiều ý kiến được đưa ra tại tọa đàm (Ảnh: Lê Hồng)

“Gần 200 cơ quan báo chí của LHHVN không chỉ đối mặt với sự cạnh tranh của mạng xã hội mà còn cạnh tranh với nhau trong quá trình hoạt động. Sự cạnh tranh là động lực để phát triển nhưng cũng có thể làm tiêu hao nguồn lực của nhau”, ông Trần Trọng An lo ngại.

Ông An cho hay, trên thế giới có sự dịch chuyển rất rõ nét từ mô hình “báo chí đưa tin khách quan” sang mô hình “báo chí trí tuệ”. Trong đó, báo chí “trí tuệ” thể hiện ở hai xu hướng: áp dụng trí tuệ nhân tạo vào viết, đưa tin và tổ chức sản xuất các tin bài chuyên sâu dưới góc nhìn chuyên gia.

“Trong giai đoạn hiện nay, báo chí LHHVN nói riêng rất khó tiếp cận các giải pháp về “trí tuệ nhân tạo” trong việc viết, đưa tin. Tuy nhiên, việc tổ chức sản xuất các tin bài chuyên sâu, chuyên biệt dưới góc nhìn chuyên gia lại là một lợi thế”, ông Trần Trọng An chia sẻ.

Từ thực trạng đó, bà Phạm Thị Mỵ cho rằng, một hệ thống báo chí mạnh không chỉ nằm ở số lượng mà ở việc thực hiện hiệu quả vai trò của mình trong tuyên truyền nhằm hướng đến một xã hội tốt đẹp hơn. Với vai trò là cơ quan quản lý, định hướng hoạt động của các cơ quan báo chí trực thuộc, LHHVN cần có các giải pháp để quản lý, nâng cao hiệu quả của hệ thống truyền thông.

“Ngày càng nhiều loại hình báo chí phát triển nhanh, tạo ra cuộc chạy đua ngầm giữa các cơ quan. Khi có cuộc chạy đua về độ nhanh thì những yếu tố về độ sâu, tính khách quan, trung thực dễ bị bỏ qua”, bà Phạm Thị Mỵ nhận định.

Đề cao vai trò của cán bộ quản lý cơ quan báo chí thuộc LHHVN, theo bà Mỵ cần tuyển người giỏi nghề, có bản lĩnh chính trị và nghề nghiệp vững vàng, tâm sáng. Đồng thời, người đó phải có khả năng gánh vác công việc, điều hành tự tin và có trách nhiệm, khả năng tổng hợp, phân tích nhanh, có sức thuyết phục…