Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden và các Lãnh đạo ASEAN tham dự Hội nghị Cấp cao đặc biệt Hoa Kỳ-ASEAN. (Nguồn: TTXVN) |
Một "kỷ nguyên mới"
Theo Jakarta Post, ngày 14/5, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết Hội nghị Cấp cao đặc biệt Hoa Kỳ-ASEAN tại Washington đã đánh dấu sự khởi động của một "kỷ nguyên mới" trong mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và ASEAN.
Theo nhận định của giới phân tích, trong "tuyên bố tầm nhìn chung" gồm 28 điểm sau hội nghị kéo dài hai ngày này, hai bên đã đi thêm một bước mang tính biểu tượng, đó là cam kết nâng tầm quan hệ Hoa Kỳ-ASEAN từ quan hệ đối tác chiến lược lên "quan hệ đối tác chiến lược toàn diện" vào tháng 11 tới.
Chính quyền Tổng thống Biden hy vọng ASEAN thấy rằng Hoa Kỳ vẫn tập trung vào Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Tổng thống Biden nói với các nhà lãnh đạo ASEAN rằng "rất nhiều lịch sử của thế giới chúng ta trong 50 năm tới sẽ được viết ở các nước ASEAN, và mối quan hệ của chúng tôi với các bạn là tương lai, trong những năm và thập kỷ tới".
Tổng thống Biden gọi mối quan hệ đối tác Hoa Kỳ-ASEAN là "quan trọng" và khẳng định: "Chúng ta đang bước vào một kỷ nguyên mới trong quan hệ Hoa Kỳ-ASEAN".
Phó Tổng thống Kamala Harris cho biết, Hoa Kỳ sẽ ở lại Đông Nam Á "nhiều thế hệ", đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải duy trì tự do trên các vùng biển mà Hoa Kỳ cho rằng đang bị Trung Quốc thách thức.
Bà Harris nói: “Hoa Kỳ và ASEAN có chung tầm nhìn cho khu vực này và chúng ta sẽ cùng nhau bảo vệ và ngăn chặn các mối đe dọa đối với các quy tắc và chuẩn mực quốc tế”.
Tổng thống Biden ngày 13/5 cũng đã thông báo đề cử ông Yohannes Abraham, Chánh văn phòng Hội đồng An ninh quốc gia, làm Đại sứ Hoa Kỳ tại ASEAN - một vị trí bị bỏ trống kể từ khi chính quyền của cựu Tổng thống Donald Trump lên nắm quyền năm 2017.
Bên cạnh đó, trong khuôn khổ Hội nghị, Washington công bố các sáng kiến trị giá hơn 150 triệu USD nhằm thúc đẩy sự hợp tác giữa Mỹ và ASEAN, trong đó có khoản đầu tư trị giá 40 triệu USD vào cơ sở hạ tầng năng lượng sạch, một khoản khác trị giá 60 triệu USD dành cho các chương trình hàng hải, chủ yếu do Lực lượng bảo vệ bờ biển Mỹ dẫn dắt, nhằm giúp xây dựng năng lực của các quốc gia Đông Nam Á trong việc thực thi luật pháp trên biển.
Về kinh tế, Tổng thống Biden đang thúc đẩy các sáng kiến khác, bao gồm dự án đầu tư cơ sở hạ tầng có tên gọi "Xây dựng lại thế giới tốt đẹp hơn” và Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (IPEF). Hai quốc gia ASEAN là Singapore và Philippines dự kiến nằm trong nhóm ban đầu đăng ký đàm phán tham gia IPEF.
Tờ Economic Times có bài bình luận về chuyến tham dự Hội nghị cấp cao đặc biệt Hoa Kỳ-ASEAN của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. (Ảnh chụp màn hình) |
Đóng góp quan trọng và có trách nhiệm
Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam do Thủ tướng Phạm Minh Chính dẫn đầu tham gia chủ động, tích cực, đóng góp quan trọng và có trách nhiệm cho thành công chung của Hội nghị Cấp cao đặc biệt Hoa Kỳ-ASEAN.
Tờ Economic Times vừa có bài bình luận về chuyến tham dự Hội nghị của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, đánh giá chuyến thăm nhằm tái khẳng định vai trò của Việt Nam trong ổn định khu vực Đông Nam Á.
Theo bài viết, Thủ tướng Phạm Minh Chính có chuyến thăm mang tính bước ngoặt tới Hoa Kỳ nhằm thúc đẩy quan hệ đối tác, bao gồm cả quan hệ ASEAN-Hoa Kỳ. Chuyến thăm cho thấy vị thế chủ chốt của Việt Nam trong việc định hình quan hệ ASEAN-Hoa Kỳ.
Economic Times cho rằng Việt Nam được coi là một trong những nền kinh tế triển vọng ở Đông Nam Á với tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) dự kiến ở mức từ 6 đến 8%.
Bài viết cũng nhắc lại phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính về vai trò trung tâm của ASEAN cũng như quan điểm của Việt Nam trong vấn đề liên quan đến Biển Đông.
Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ mong muốn các nước lớn, những đối tác của ASEAN, có thể đưa quan hệ đi vào ổn định, cạnh tranh lành mạnh và có trách nhiệm, đồng thời tham gia đóng góp cho khu vực trên tinh thần minh bạch, xây dựng, tôn trọng vai trò trung tâm của ASEAN, tham vấn đầy đủ với ASEAN, tôn trọng luật pháp quốc tế, đóng góp cho hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực và trên thế giới.
Việt Nam tái khẳng định lập trường nguyên tắc của ASEAN về Biển Đông, nhấn mạnh giải quyết hòa bình mọi tranh chấp, khác biệt, trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.
Thủ tướng hoan nghênh các đối tác ủng hộ ASEAN thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), xây dựng Bộ Quy tắc Ứng xử trên Biển Đông (COC) hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982.
Về quan hệ giữa Việt Nam-Hoa Kỳ, bài viết nhấn mạnh chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp tục mở ra triển vọng cho mối quan hệ song phương.
Việt Nam kiên trì đường lối đối ngoại độc lập, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển. Việt Nam mong muốn đa dạng hóa và đa phương hóa các mối quan hệ và là một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.
Cũng như các nước đang phát triển khác, Việt Nam muốn xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ, đẩy mạnh công nghiệp hóa và hội nhập quốc tế để vượt qua bẫy thu nhập trung bình và trở thành nước phát triển.
| Hoa Kỳ ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN; quan hệ Hoa Kỳ-Việt Nam chưa bao giờ tốt đẹp như hiện nay! Trước thềm Hội nghị Cấp cao đặc biệt kỷ niệm 45 năm quan hệ ASEAN-Hoa Kỳ tại thủ đô Washington D.C, Hoa Kỳ và chuyến ... |
| Đại sứ Nguyễn Quốc Dũng: Chuyến công tác '2 trong 1' của Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định cam kết với ASEAN và thúc đẩy quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ Chia sẻ với Báo Thế giới và Việt Nam, Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ Nguyễn Quốc Dũng nêu bật tầm quan trọng và ... |