Từ khi đại dịch Covid-19 xuất hiện vào đầu năm 2020, mọi lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề, các hoạt động xã hội bị đảo lộn và báo chí cũng không phải là một ngoại lệ.
Thời gian qua, các tòa soạn báo đã phải trải qua nhiều thăng trầm, từ khó khăn trong khâu tác nghiệp cho đến thiếu kinh phí hoạt động. Thế nhưng, những điều đó không làm nản lòng những nhà báo với tác phong làm việc chuyên nghiệp, với tình yêu và đam mê với nghề, để có thể đưa được những thông tin chính xác nhất, sinh động nhất về tình hình dịch bệnh và các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và Chính phủ đến với từng độc giả.
Phóng viên tác nghiệp tại sự kiện đón công dân Việt Nam từ Vũ Hán (Trung Quốc) về nước tránh dịch Covid-19, sân bay Vân Đồn (Quảng Ninh), tháng 2/2020. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Không quản nguy hiểm
Những ca nhiễm Covid-19 đầu tiên tại Việt Nam xuất hiện vào ngày 23/1/2020, tức là ngày 29 Tết năm Kỷ Hợi, là hai cha con người Trung Quốc sang Việt Nam. Khi đó, Covid-19 còn chưa được đặt tên, chưa được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) gọi là một đại dịch mức độ toàn cầu.
Trong khi nhiều người đang hân hoan để đón một cái Tết Nguyên đán ấm cúng bên gia đình, các nhà báo đã bắt đầu tìm hiểu thông tin về những bệnh nhân đầu tiên, cũng như lục lọi các tài liệu còn sơ sài về căn bệnh nguy hiểm này.
Kể từ đó đến nay, bức tranh toàn cảnh về sự nguy hiểm của đại dịch Covid-19 ở Việt Nam và toàn thế giới đã được kể lại một cách sinh động, chân thực và đầy ấn tượng. Bài viết trên tờ Nhân Dân kể rằng, những người làm báo chuyên theo dõi mảng sức khỏe, những phóng viên thời sự đã xác định tâm thế tác nghiệp mới.
Nhiều phóng viên nhận nhiệm vụ đến vùng tâm dịch hay sống tại tâm dịch, có tiếp xúc với những bệnh nhân nghi ngờ dương tính… đều chọn cách an toàn tự cách ly với gia đình, với tòa soạn để bắt trọn khoảnh khắc nóng bỏng ở tuyến đầu.
Nhiều tòa soạn hay các đài truyền hình lớn đã có những khu cách ly đặc biệt, chuyên dành cho các phóng viên tại các điểm nóng vừa làm nơi sản xuất tin, bài và là nơi nghỉ ngơi. Nhiều tòa soạn chia đội ngũ làm việc ra các nhóm tách biệt, không tiếp xúc giữa các nhóm để giảm xác suất rủi ro lây nhiễm.
Đó là những ngày tháng không chỉ sẵn sàng chấp nhận đối mặt với nguy hiểm của loại dịch bệnh mới Covid-19, mà còn là những thách thức trên mặt trận thông tin với các nhà báo, để có được những điểm riêng, độc đáo trong những tác phẩm báo chí của mình.
Khó khăn kinh tế
Một trong những ảnh hưởng nặng nề và thấy rõ nhất của đại dịch Covid-19 là khiến kinh tế đình trệ. Tình hình này đặt ra một bài toán kinh tế báo chí không hề dễ giải với những tòa soạn báo hiện nay. Nguồn thu của các báo đài truyền hình bị sụt giảm do các doanh nghiệp gặp khó khăn, nguồn thu quảng cáo giảm mạnh, ảnh hưởng đến toàn bộ doanh thu chung.
Trong khi đó, tình hình đại dịch diễn ra căng thẳng đã tạo ra một nghịch lý: lượng người đọc tăng đột biến, đòi hỏi người làm báo phải sản xuất nhiều tin bài chất lượng, nhưng tình hình tài chính của các toà soạn thì giảm sút do thiếu nguồn thu từ quảng cáo, phát hành. Vì vậy, một số tờ báo đã buộc phải cắt giảm chi tiêu để sống “thoi thóp” trong bối cảnh đại dịch. Thậm chí, một số tờ báo phải tạm thời ngưng phát hành báo in một thời gian, tập trung vào sản xuất báo điện tử.
Đẩy nhanh chuyển đổi số
Đến khi đại dịch lây lan rộng, các ca nhiễm hàng ngày tăng vọt, đòi hỏi chính phủ phải đưa ra biện pháp giãn cách xã hội thời gian dài, đó là lúc ngành báo chí gặp nhiều khó khăn nhất. Việc hạn chế các hoạt động xã hội, khuyến khích người lao động làm việc tại nhà đã đẩy các tòa soạn vào thế khó. Các tờ báo đã không còn có thể hoạt động như trước.
Hoạt động quen thuộc của tòa soạn như các cuộc giao ban chớp nhoáng, các cuộc phỏng vấn, các cuộc thảo luận trực tiếp giữa phóng viên - biên tập viên, lãnh đạo… sẽ không còn. Không có tương tác trực tiếp với đồng nghiệp, độ mẫn cảm tin tức, đề tài cũng bị ảnh hưởng.
Tuy nhiên, các cơ quan báo chí đã nhanh chóng chuyển từ cách hoạt động quen thuộc của một toà soạn vật lý sang hoạt động tòa soạn online. Tất nhiên, không phải đợi tới đại dịch Covid-19, hình thức tòa soạn online mới ra đời. Nhưng chính Covid-19 buộc nhiều cơ quan báo chí phải bắt đầu chọn hình thức tòa soạn online như một giải pháp chuyển đổi. Quá trình chuyển đổi số này được tăng tốc nhanh hơn, phù hợp với những xu hướng mới mà cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đặt ra.
Ở góc độ Báo Thế giới & Việt Nam, tòa soạn cũng đã nhanh chóng thích nghi với xu hướng làm báo mới này, từng bước xây dựng một toà soạn hội tụ, hoạt động tác nghiệp, giao tiếp, họp giao ban… chủ yếu thông qua hình thức trực tuyến.
Để làm được điều này, các phóng viên dù phải làm việc tại nhà, nhưng đã luôn duy trì tinh thần làm việc cao nhất, đẩy mạnh tương tác và sáng tạo, nỗ lực để có thật nhiều bài viết chất lượng. Bên cạnh các bài viết về tình hình, những mặt trái của dịch bệnh, có rất nhiều bài viết về sự đoàn kết, tinh thần tương thân tương ái, về những câu chuyện truyền cảm hứng... như một cách giúp độc giả giữ được tâm thế tích cực nhất trong bối cảnh mới này.
Gồng mình chống “đại dịch tin giả”
Đại dịch Covid-19 xuất hiện khiến cả thế giới lo sợ. Tình trạng “đói tin” tạo ra mảnh đất màu mỡ để những tin giả sinh sôi. Rất nhiều tổ chức, cá nhân lợi dụng dịch bệnh Covid-19 kéo dài và gây ra hậu quả lớn để đưa tin giả về số người bị nhiễm/thiệt mạng, nguồn gốc của virus, xuyên tạc sang vấn đề chính trị gây hoang mang dư luận đến mức thế giới có cụm từ riêng là “infodemic” để mô tả thời điểm “đại dịch tin giả” này bùng phát.
“Virus corona lan ra khắp thế giới qua phóng xạ từ cột sóng 5G”, “Virus không thể lây lan ở những khu vực có nhiệt độ cao”… Đó chỉ là một vài trong nhiều thông tin không chính xác, chưa được xác minh, từng lan tràn chóng mặt trên mạng xã hội, các nền tảng điện tử toàn thế giới khi WHO công bố đại dịch.
Giữa những thông tin rối ren, vai trò của báo chí chính thống, truyền thông chính xác ở nhiều nước như Việt Nam được đề cao hơn bao giờ hết, không chỉ mang đến những tin tức chính xác, giúp người dân an tâm và ổn định cuộc sống trong thời dịch mà còn giúp truyền đạt đầy đủ những chỉ đạo của Chính phủ đến người dân trong việc phòng chống dịch bệnh. Việc báo chí chính thống giành lại niềm tin, giá trị cốt lõi của mình càng có ý nghĩa hơn trong bối cảnh báo chí hiện đại phần lớn sống nhờ quảng cáo dựa trên tăng trưởng lượng truy cập và sự bùng nổ của mạng xã hội.
Đó chính là lý do vì sao báo chí Việt Nam được các tổ chức truyền thông thế giới và người dân sở tại đánh giá cao. Theo khảo sát năm 2020 của Công ty phân tích dữ liệu toàn cầu YouGov về mức độ tin tưởng của người dân đối với hoạt động đưa tin về dịch bệnh của báo chí trên thế giới, Việt Nam trở thành quốc gia đứng đầu. Gần 90% người được hỏi tin tưởng vào những thông tin mà báo chí đăng tải liên quan tới dịch bệnh.
Có thể nói, chưa bao giờ thông tin báo chí lại được người dân theo dõi sát sao như thời điểm xảy ra dịch Covid-19 và cũng ít có khi nào thông tin trên báo chí lại dồi dào, minh bạch như vậy. Theo báo cáo của Bộ Thông tin truyền thông, từ ngày 1/2 đến 31/5/2020, báo chí đã đăng tải tổng số 560.048 tin, bài về dịch Covid-19, trong đó về sắc thái, tin tích cực chiếm tỷ lệ 41,96%; trung lập chiếm tỷ lệ 35,47%, tin tiêu cực chiếm tỷ lệ 22,56%.
Không chỉ chung sức, báo chí còn là lực lượng xung kích trên mặt trận thông tin chống dịch Covid-19 với việc phát huy sức mạnh đa loại hình, đa phương tiện, đa ngôn ngữ trong tuyên truyền phòng, chống dịch. Báo chí cũng đã cho thấy vai trò quan trọng của mình trong định hướng dư luận xã hội, mang đến thông tin chính thống để người dân bình tĩnh, không hoang mang nhưng cũng không chủ quan trước dịch bệnh.
Khi Việt Nam bước sang trạng thái bình thường mới, tỷ lệ tin bài liên quan đến dịch Covid-19 vẫn được các cơ quan báo chí tiếp tục duy trì từ 28-40% tin, bài về phục hồi, phát triển kinh tế nhưng không chủ quan trong phòng, chống dịch bệnh. Báo chí đã kịp thời bám sát các lĩnh vực đời sống xã hội, phản ánh những mô hình, cách làm hiệu quả trong phát triển kinh tế - xã hội, góp phần đưa nền kinh tế bật dậy.
Những tháng vừa qua, đại dịch Covid-19 một lần nữa đe doạ đến sức khỏe của người dân Việt Nam và công tác của những người làm báo một lần nữa được đẩy mạnh. Nhưng với làn sóng dịch mới này, toàn bộ đất nước đã có sự chuẩn bị kỹ càng hơn và ngành báo chí cũng vậy.
Những khó khăn vừa qua vẫn không đủ để có thể quật ngã những nhà báo công tâm, những người sẵn sàng chịu khó, chịu khổ để tiếp tục thực hiện công việc của mình. Tinh thần mạnh mẽ đó xuất phát từ lòng yêu nghề, từ khát vọng đóng góp những điều tốt đẹp cho xã hội, hỗ trợ công tác phòng chống dịch của đất nước nhằm bảo vệ sự an toàn cho toàn bộ dân tộc Việt Nam.