Các đại biểu tham dự Hội thảo báo chí quốc tế “Quản trị tòa soạn báo chí số: Lý luận, thực tiễn, kinh nghiệm tại khu vực ASEAN” từ ngày 6-9/12/2023 tại Hà Nội. (Ảnh: Sơn Hải) |
Ngày nay, hình ảnh của một quốc gia được cộng đồng quốc tế hết sức coi trọng, không chỉ ảnh hưởng đến các mối quan hệ quốc tế mà còn tác động đến sự phát triển kinh tế - xã hội cũng như năng lực cạnh tranh của đất nước đó. Vì vậy, việc xây dựng, quảng bá, nâng cao hình ảnh quốc gia ngày càng được các nước chú trọng và coi như một “sức mạnh mềm”.
Cầu nối đắc lực
Nhiều văn bản chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước hiện nay nhấn mạnh việc cần thiết phải tăng cường quảng bá hình ảnh, hệ giá trị nhằm định vị hình ảnh quốc gia, củng cố và nâng cao hơn nữa vị thế, gia tăng uy tín của đất nước và Đảng Cộng sản Việt Nam trên thế giới. Hơn lúc nào hết, công tác thông tin đối ngoại cũng như hợp tác quốc tế về báo chí trong thời kỳ mới đóng vai trò then chốt, là cầu nối đắc lực để thông tin về hệ giá trị Việt đến với đông đảo bạn bè quốc tế.
Nhằm góp phần xây dựng công tác đối ngoại nhân dân - một trong ba trụ cột của đối ngoại nước nhà, các cơ quan, tổ chức báo chí Việt Nam ngày nay đang từng bước tăng cường các hoạt động hợp tác quốc tế. Hội Nhà báo Việt Nam - tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp của những người làm báo Việt Nam, trong những năm qua đã tăng cường kết nối với Đại sứ quán các nước tại Việt Nam, hướng tới mở rộng quan hệ hợp tác giữa báo chí Việt Nam với các nước. Đồng thời, Hội cũng tích cực tổ chức các hội thảo báo chí quốc tế như các Hội thảo “Báo chí Việt - Lào trong kỷ nguyên truyền thông số”, “Quản trị toà soạn báo chí số: Lý luận, thực tiễn, kinh nghiệm tại khu vực ASEAN”…
Bên cạnh Hội Nhà báo Việt Nam, các cơ quan báo chí chủ lực của Nhà nước tích cực mở rộng hợp tác báo chí quốc tế. Nhiều cơ quan báo chí cả nước từ trung ương tới địa phương thông qua các phương thức khác nhau đang đẩy mạnh hợp tác với các cơ quan báo chí, các hội nhà báo địa phương các nước…, góp phần không nhỏ quảng bá đất nước và con người Việt Nam đến với bạn bè quốc tế.
Hướng đi quan trọng
Để khai thác hết tiềm năng hợp tác báo chí của Việt Nam với quốc tế cần có những cách thức cụ thể sau:
Thứ nhất, mở rộng hợp tác, trao đổi đoàn báo chí. Việc thiết lập chương trình trao đổi đoàn đại biểu báo chí từ trung ương tới địa phương luân phiên hằng năm, giúp củng cố mối quan hệ truyền thông giữa Việt Nam với các quốc gia, tăng cường hợp tác, trao đổi nghiệp vụ thiết thực, hiệu quả nhằm hướng dư luận tới những giá trị tốt đẹp, góp phần cho sự phát triển nền báo chí các bên, thúc đẩy sự đồng thuận trong hoạt động báo chí giúp người dân các quốc gia hiểu đúng về các vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục và giao lưu nhân dân, góp phần duy trì mối quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam với các nước bạn bè quốc tế.
Thứ hai, hợp tác truyền thông đối ngoại. Các cơ quan truyền thông, báo chí trong nước cần mở rộng hợp tác với các cơ quan thông tấn, báo chí quốc tế, thúc đẩy các phương thức hợp tác truyền thông, chủ động cung cấp, trao đổi thông tin, tích cực quảng bá, giới thiệu hình ảnh đất nước, con người, văn hóa và tiềm năng phát triển của Việt Nam đến bạn bè quốc tế.
Thứ ba, trao đổi thông tin và kinh nghiệm. Trong những năm qua, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí phát triển tương đối phong phú ở hai cấp độ. Cấp độ thứ nhất: các dự án đào tạo hợp tác quốc tế trực tiếp với các cơ quan báo chí lớn thuộc các loại hình báo chí khác nhau: báo in, báo mạng điện tử, phát thanh và truyền hình. Cấp độ thứ hai: các dự án có phạm vi rộng khắp, toàn quốc thông qua Cục Báo chí (Bộ Thông tin và Truyền thông).
Các dự án đều mang tính xu hướng và cập nhật cách làm báo trên thế giới, nhằm giúp các cơ quan báo chí và người làm báo Việt Nam tiệm cận hơn với phương pháp làm báo hiện đại. Do đó, chương trình hợp tác quốc tế đào tạo mang lại những hiệu quả nhất định.
Ngược lại, các tờ báo và truyền hình nước ngoài có thể tổ chức chuyến tham quan báo chí tới Việt Nam, mời các nhà báo và phóng viên đến để tìm hiểu về đất nước, văn hóa và con người Việt Nam. Qua việc trực tiếp trải nghiệm, họ có thể tạo ra nội dung chất lượng về Việt Nam và chia sẻ thông tin này với công chúng quốc tế.
Thứ trưởng Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng chứng kiến Lễ ký Biên bản ghi nhớ hợp tác (MOU) giữa Báo Thế giới & Việt Nam và The Korea Times (Hàn Quốc), ngày 13/7/2023. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Thứ tư, tổ chức và tham gia các sự kiện báo chí quốc tế. Việc tổ chức các hội thảo, triển lãm và sự kiện quốc tế liên quan đến báo chí có thể thu hút sự quan tâm của các nhà báo, nhà xuất bản và người làm truyền thông quốc tế. Điều này tạo cơ hội để chia sẻ thông tin, xây dựng mối quan hệ và tăng cường hiểu biết về Việt Nam.
Thứ năm, hợp tác truyền thông xã hội. Sử dụng mạng xã hội và các nền tảng trực tuyến khác để quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam. Các cơ quan báo chí có thể sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội như Facebook, Twitter, Instagram và YouTube để chia sẻ nội dung đa dạng và thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế.
Thứ sáu, hợp tác quảng cáo và truyền thông. Các tổ chức báo chí có thể hợp tác với các công ty quảng cáo và đại lý truyền thông quốc tế để thực hiện chiến dịch quảng bá Việt Nam. Qua việc sử dụng các kênh truyền thông truyền thống và trực tuyến, thông điệp về Việt Nam có thể được lan tỏa rộng rãi và tiếp cận đến một lượng lớn người dùng trên toàn thế giới.
Các tờ báo và truyền hình nước ngoài có thể tổ chức phỏng vấn và phát sóng trực tiếp với các chính trị gia, nhà hoạt động văn hóa, doanh nhân và người dân Việt Nam. Điều này tạo cơ hội để người xem quốc tế có cái nhìn sâu hơn về Việt Nam, nghe những câu chuyện và quan điểm trực tiếp từ người dân.
Thứ bảy, tích cực tham gia các tổ chức báo chí, truyền thông đa phương quốc tế. Tại các tổ chức quốc tế như Liên đoàn Báo chí ASEAN (CAJ), Hiệp hội Báo chí thế giới (WAN-IFRA), Hiệp hội Phát thanh truyền hình châu Á - Thái Bình Dương (ABU)…, các cơ quan báo chí, truyền thông Việt Nam luôn thể hiện vai trò là thành viên tích cực, hiệu quả, có trách nhiệm cao, góp phần đưa hình ảnh đất nước, con người Việt Nam đến với cộng đồng quốc tế.
Trong bối cảnh hiện nay, ngoài những thuận lợi về công nghệ thông tin mà Việt Nam đang phát triển nhanh chóng, các hoạt động báo chí luôn nhận được sự ủng hộ của Đảng và Nhà nước, và có một vị thế vững mạnh trong xã hội. Do vậy, thách thức lớn nhất đối với báo chí Việt Nam là làm thế nào để tận dụng tối đa lợi thế trên các mặt chính trị, kinh tế, xã hội và công nghệ thông tin nhằm nâng cao vai trò của nhà báo là cầu nối thông tin hai chiều Việt Nam với thế giới. Sự hợp tác quốc tế trong lĩnh vực báo chí là rất quan trọng và thuận lợi trong thời đại công nghệ thông tin phát triển giúp nâng cao chất lượng của báo chí để thu hút công chúng.
Nhìn chung, trong thời kỳ chuyển đổi số báo chí thế giới đang diễn ra mạnh mẽ như hiện nay, việc tăng cường hợp tác quốc tế về báo chí là một cách hiệu quả để đẩy mạnh việc quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam ra thế giới, tạo dựng một hình ảnh tích cực, thu hút sự quan tâm và khuyến khích du lịch, đầu tư và giao lưu văn hóa với Việt Nam.
| Lần đầu tiên tổ chức giải báo chí tôn vinh người làm báo trong lĩnh vực truyền thông Phật giáo Giải báo chí được tổ chức nhằm ghi nhận và tôn vinh những đóng góp xuất sắc của tập thể, cá nhân, đội ngũ những ... |
| Báo chí, sự cạnh tranh của trí tuệ nhân tạo (AI) và câu chuyện 'giữ chân' độc giả Trí tuệ nhân tạo (AI) phát triển cùng với mạng xã hội đã và đang tạo ra một không gian phát triển mới, buộc báo ... |
| TS. Nguyễn Sĩ Dũng: Báo chí cần 'chuyển mình' trong thời đại số Để tiếp tục thành công trong thời đại số và truyền thông xã hội, báo chí cần thực hiện một loạt các đổi mới và ... |
| Báo chí phải thích nghi, nắm bắt cơ hội để khẳng định vị thế Trước bối cảnh mới với sự phát triển mạnh mẽ của KH&CN và sự cạnh tranh gay gắt, buộc cơ quan báo chí phải có ... |
| Quảng cáo số - 'phao cứu sinh' của báo chí hiện đại Hiện nay, số lượng phát hành của báo in giảm mạnh, các nhóm công chúng mới, nhất là giới trẻ đã chuyển sang đọc trực ... |