📞

Bảo hộ công dân thời dịch Covid-19: Những 'người lính' thầm lặng nơi tuyến đầu

Viết Chung 13:45 | 12/06/2020
TGVN. Góp phần làm nên thành công của công tác bảo hộ công dân trong mùa dịch Covid-19 không thể không kể đến vai trò và những nỗ lực phi thường của các cán bộ ngành Ngoại giao - những “người lính” thầm lặng bảo vệ sự an nguy của người dân giữa đại dịch. 
Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Hà Kim Ngọc cùng các du học sinh Việt Nam trước khi lên máy bay về nước ngày 16/5.

Trong bối cảnh Việt Nam đang bước sang trạng thái “bình thường mới” sau hơn 130 ngày căng mình chống dịch, các chuyến bay đưa công dân Việt Nam từ những vùng dịch trên thế giới vẫn tiếp tục hạ cánh an toàn nơi “đất mẹ”.

Ít ai biết rằng, đằng sau mỗi chuyến bay như vậy là biết bao những vất vả lo toan, sự nỗ lực phi thường của cả một đội ngũ từ các kiểm soát viên, công an cửa khẩu các cảng hàng không, các cán bộ y tế, tiếp viên… và đặc biệt là vai trò của những người cán bộ ngoại giao từ các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài. Tất cả đều hướng đến một mục tiêu chung và cao nhất: đảm bảo an toàn cho mọi công dân Việt Nam trở về từ vùng dịch.

Những chuyến bay từ vùng dịch

Còn nhớ từ những ngày đầu khi dịch bệnh mới bùng phát tại Vũ Hán (Trung Quốc), từ giữa tháng 1/2020, Đại sứ quán Việt Nam tại Bắc Kinh đã nhận thấy tình hình diễn biến hết sức phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn, sức khỏe của công dân Việt Nam đang học tập, du lịch, thăm thân tại Trung Quốc, tiềm ẩn nguy cơ cao lây lan sang Việt Nam.

Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Phạm Sao Mai đã chỉ đạo các bộ phận của Đại sứ quán theo dõi sát tình hình, báo cáo hằng ngày về nước diễn biến dịch bệnh, lập đường dây nóng 24/7, liên hệ chặt chẽ với các Tổng Lãnh sự quán và các Chi bộ, Hội Lưu học sinh Việt Nam tại các tỉnh, thành của Trung Quốc để rà soát và kịp thời có hỗ trợ cần thiết cho công dân, lưu học sinh đang ở tại Trung Quốc.

Ngay khi dịch bệnh diễn biến căng thẳng, Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc đã kịp thời kiến nghị Chính phủ phương án di chuyển công dân Việt Nam ra khỏi tâm dịch Hồ Bắc.

Chiến dịch “giải cứu” công dân Việt Nam từ Trung Quốc chính thức được khởi động. Chỉ trong thời gian ngắn, với sự chỉ đạo sát sao từ Thủ tướng Chính phủ, Lãnh đạo Bộ Ngoại giao và các Bộ, ngành liên quan, một chuyến bay riêng đưa công dân Việt Nam tại Hồ Bắc về nước kết hợp vận chuyển vật tư y tế Chính phủ ta viện trợ cho Trung Quốc đã được kịp thời triển khai.

Không quản ngày đêm, Đại sứ quán đã khẩn trương liên hệ với Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Văn phòng Ngoại vụ tỉnh Hồ Bắc và các cơ quan chức năng sở tại tìm hiểu thủ tục, xây dựng các phương án, kịch bản cụ thể để đưa công dân Việt Nam về nước trên cơ sở nguyện vọng của công dân, phù hợp với thông lệ quốc tế, luật pháp Việt Nam và luật pháp sở tại.

Và đúng 5 giờ 4 phút ngày 10/2, chuyến bay HVN68 của hãng Hàng không quốc gia Việt Nam Vietnam Airlines đưa 30 công dân Việt Nam hạ cánh an toàn xuống sân bay quốc tế Vân Đồn (Quảng Ninh), thực hiện thành công toàn bộ kế hoạch đề ra.

Ngay sau đó, để hỗ trợ công dân khi về đến Việt Nam, Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc tiếp tục gửi Công điện tới các Bộ, ngành, địa phương liên quan để thu xếp tốt việc tiếp nhận, cách ly và chăm sóc đối với công dân Việt Nam.

Mỗi lần nhắc đến những chiến dịch đưa công dân Việt Nam về nước từ thủ đô New Delhi, Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Phạm Sanh Châu đều không giấu niềm xúc động xen lẫn sự tự hào. Chuyến bay đưa đưa 341 người Việt kẹt ở Ấn Độ về nước ngày 19/5 đã được ông đặt tên là chiến dịch hoa Kim tước – một loài hoa nổi tiếng của đất nước sông Hằng.

Đại sứ Phạm Sanh Châu hướng dẫn công dân Việt Nam làm thủ tục khai báo tại sân bay.

Được lập kế hoạch từ ngày 22/3 sau chuyến bay thương mại cuối cùng trước thời kỳ phong tỏa, sau hai tháng trời bế tắc do không tìm được cách để di chuyển từ các địa phương về New Delhi để về Việt Nam, với những nỗ lực không ngừng nghỉ và quyết tâm không bỏ cuộc của cá nhân Đại sứ Phạm Sanh Châu cũng như các cán bộ ngoại giao Việt Nam ở địa bàn Ấn Độ, chuyến bay “giải cứu” công dân từ một trong những tâm dịch nóng nhất thế giới đã thành công tốt đẹp.

“Tôi chỉ có thể ngủ yên khi đồng bào của tôi đã hạ cánh an toàn, về đến Việt Nam, người dân nhắn tin, gửi thư cảm ơn Đại sứ quán liên tục. Tôi thấy nhẹ lòng hơn hẳn. Và chúng tôi, những người lính ngoại giao vẫn sẽ tiếp tục ở lại đây làm nhiệm vụ mà Tổ quốc giao phó!”, Đại sứ Phạm Sanh Châu tâm sự.

Tiếp nối các chuyến bay đưa công dân Việt Nam về nước, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, từ đầu tháng 6/2020, Bộ Ngoại giao, Bộ Giao thông Vận tải, các cơ quan chức năng trong nước và các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục tổ chức nhiều chuyến bay đưa gần 1.700 công dân Việt Nam từ nhiều quốc gia như Australia, New Zealand, Anh, Nhật Bản, Thụy Điển, Phần Lan, Mỹ… trở về nước an toàn.

Không có quyền miễn trừ

Có thể nói, trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, những nhà ngoại giao đang thực hiện các hoạt động đối ngoại của đất nước cũng chính là những “chiến sĩ” ở mặt trận tuyến đầu.

Một vị Đại sứ Việt Nam từng chia sẻ, “không có sự lựa chọn nào khác” đối với những nhà ngoại giao đang công tác ở nước ngoài khi giữa một bên là việc bảo toàn sự an nguy cho bản thân, người thân và đồng nghiệp với một bên là xông pha vào trận chiến bảo vệ công dân Việt Nam đang kêu cứu…

Thực hiện sứ mệnh bảo hộ công dân, những cán bộ ngoại giao đã kiên cường bám trụ tại địa bàn, bất chấp những hiểm nguy có thể đến vào bất cứ lúc nào. Các Đại sứ, cán bộ phụ trách lãnh sự túc trực ngày đêm, điện thoại “cháy máy” theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng, trả lời email bất cứ khi nào... và lúc cần, đến gặp gỡ, động viên bà con hay lên đường tới sân bay cho những chuyến bay “giải cứu” đưa bà con về nước an toàn.

Có lẽ, hơn ai hết, họ thấu hiểu tình cảnh để có thể nói lên bốn chữ “tôi muốn về nhà”, nơi đang được xem là “ngọn hải đăng” trong phòng chống dịch Covid-19 của thế giới. Nhưng dường như, không nhà ngoại giao nào thốt lên như vậy, khi sứ mệnh của họ với đất nước đang còn dang dở, khi cánh cửa mở ra với họ có thể là cánh cửa đóng lại với những người khác...

Nỗ lực đồng bộ

Với quyết tâm “không ai bị bỏ lại phía sau”, tinh thần “bám trụ để hoàn thành tốt nhiệm vụ”, ngay từ những ngày đầu, công tác bảo hộ công dân luôn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Bộ Ngoại giao chú trọng đưa lên hàng đầu trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Tại các cuộc trao đổi với lãnh đạo các nước của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, lãnh đạo Bộ Ngoại giao, Việt Nam đều đề nghị nước bạn phối hợp chặt chẽ, chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ lẫn nhau trong công tác phòng chống dịch, hỗ trợ cộng đồng người Việt Nam ở nước sở tại.

Theo Cục trưởng Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) Vũ Việt Anh, các biện pháp bảo hộ công dân đã được tiến hành liên tục, đồng thời bao gồm: đảm bảo liên lạc chặt chẽ, thông suốt 24/7 với công dân thông qua đường dây nóng bảo hộ công dân của các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, Tổng đài Bảo hộ công dân và pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài, các đầu mối cộng đồng người Việt ở sở tại; thường xuyên cập nhật số liệu, diễn biến dịch Covid-19 và tình hình công dân Việt Nam ở sở tại cũng như khuyến cáo về đi lại để có ứng phó phù hợp và kịp thời.

Đại sứ Việt Nam tại Thụy Điển Phan Đăng Đương ân cần hỏi han công dân Việt Nam trên chuyến bay từ Thụy Điển và Phần Lan về nước ngày 6/6.

Cơ quan đại diện Việt Nam nói chung và tại các địa bàn “nóng” nói riêng đã tích cực thăm hỏi, động viên công dân sinh sống ở khu vực có dịch, khuyến cáo bà con tuân thủ nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch và pháp luật sở tại; tăng cường thúc đẩy phía nước ngoài tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện để công dân được tiếp cận và đảm bảo các điều kiện về y tế, an ninh, an toàn cũng như các hỗ trợ cần thiết khác như thủ tục, giấy tờ liên quan đến việc về nước, duy trì tối thiểu hoạt động hàng không nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại…

Ngoài việc chỉ đạo Cơ quan đại diện Việt Nam ở sở tại hỗ trợ những người này, Cục Lãnh sự đã chủ trì, phối hợp với các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và các cơ quan chức năng trong nước khẩn trương rà soát, lên kế hoạch đón công dân Việt Nam đang bị kẹt ở sân bay, đưa một số công dân hiện đang ở nước ngoài có nhu cầu về nước theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Cùng với phương châm “chống dịch như chống giặc”, Cục Lãnh sự đã chủ trì, phối hợp triển khai công tác bảo hộ công dân theo tinh thần phản ứng nhanh, sẵn sàng ứng phó, không có giới hạn về địa bàn “nóng”, đảm bảo các yêu cầu cách ly, giám sát y tế phù hợp nhằm bảo vệ quyền và lợi ích của công dân ở nước ngoài.

Trên mặt trận truyền thông, ngay khi dịch bệnh bùng phát, những bản tin về tình hình bảo hộ công dân thường xuyên được Bộ Ngoại giao phát đi, họp báo thường kỳ luôn cập nhật thông tin liên quan đến tình hình bảo hộ công dân. Chuyên mục Bảo hộ công dân của báo Thế giới &Việt Nam cũng luôn được cập nhật những thông tin nóng nhất liên quan đến công tác bảo hộ công dân ở vùng dịch, phỏng vấn hơn 30 trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài…

Tất cả đã tạo nên một lượng thông tin đa dạng và dày dặn, thống nhất về nội dung, đa dạng về hình thức, mạnh mẽ về thông điệp phản ánh trọn vẹn công tác bảo hộ công dân sôi động và kịp thời của Việt Nam trong bối cảnh đại dịch Covid-19.

(tổng hợp)