Biểu tình phản đối vụ cảnh sát bắn chết một thanh niên da đen tiếp tục diễn ra tại Ferguson. |
Làn sóng từ bên trong
Tình hình tại thị trấn Ferguson bang Missouri của Mỹ đang dần trở lại ổn định sau hơn 10 ngày căng thẳng với các cuộc biểu tình và đụng độ giữa cảnh sát và cộng đồng người da đen tại địa phương. Làn sóng biểu tình nổ ra tại 12 thành phố trên khắp nước Mỹ nhằm phản đối quyết định không truy tố hình sự một cảnh sát da trắng trong vụ bắn chết một thanh niên da màu tại Ferguson. Thị trấn này tập trung nhiều người da đen sinh sống (chiếm 67% dân số) đã trải qua những đêm bạo động lớn nhất trong lịch sử nơi đây. Người biểu tình tràn ngập các con phố, hàng loạt cửa hàng và cây xăng bị đốt phá, đạn khói và hơi cay được sử dụng, xe bọc thép xuất hiện trên đường cao tốc. Điều đáng nói là những hình ảnh này không phải là của một điểm nóng như Syria, Iraq, Ukraine... mà lại hiện diện ngay trong lòng nước Mỹ.
Sự can thiệp của lực lượng cảnh sát là điều cần thiết để hạn chế sự bùng nổ các vụ bạo loạn cùng những thiệt hại cả về vật chất lẫn con người. Hơn 400 người đã bị bắt giữ ở vùng ngoại ô St. Louis và trên khắp nước Mỹ.Tuy nhiên, sự can thiệp có sử dụng tới các biện pháp bạo lực mang tính “răn đe” này đương nhiên cũng nhận lại không ít phản ứng tiêu cực từ trong chính người dân Mỹ.
Từ nhiều thập kỷ nay, căng thẳng vẫn cứ âm ỉ giữa cảnh sát và những người Mỹ gốc Phi trên khắp nước Mỹ. Một thực tế là không chỉ ở Ferguson, mà ở nhiều nơi khác trên đất Mỹ, như Thủ đô Washington D.C cũng có sự phân biệt rõ rệt khu vực sinh sống của người da trắng và khu tập trung chủ yếu người da màu. Các khu vực tập trung đông người Mỹ gốc Phi thường ít an toàn hơn, có tỷ lệ tội phạm cao hơn và người da màu cũng thường khó kiếm được việc làm hơn.
Chính những thực tế này đã khiến cho định kiến về sự phân biệt chủng tộc luôn tồn tại trong cộng đồng người da màu. Sự kiện tại Ferguson khiến cho người ta nhớ lại vụ Trayvon Martin - một thiếu niên da đen 17 tuổi bị bắn chết trong cuộc xô xát tại Sanford, Florida diễn ra hồi tháng 2/2012 đã làm dấy lên làn sóng phản đối nạn phân biệt chủng tộc lớn chưa từng có trong lòng nước Mỹ. Sự việc trở nên nghiêm trọng hơn khi tòa án ra phán quyết tha bổng người đã bắn chết Trayvon Martin, phong trào biểu tình "Công lý cho Trayvon" đã diễn ra tại hơn 100 thành phố trên toàn nước Mỹ.
Như vậy, những gì đang diễn ra không có gì xa lạ đối với Mỹ. Cho dù phán quyết của bồi thẩm đoàn được chứng minh là có cơ sở pháp lý đi chăng nữa thì biểu tình vẫn sẽ xảy ra bởi sự bất mãn với chính quyền luôn tồn tại. Sự kiện Ferguson chính là một hồi chuông báo động cho an ninh Mỹ trước làn sóng chống đối ngay từ nội bộ quốc gia.
Chỉ trích từ bên ngoài
Các thông tin xung quanh vụ bạo động này cũng như cách thức mà lực lượng cảnh sát Mỹ sử dụng để trấn áp biểu tình được lan rộng đã nhận không ít các phản hồi tiêu cực từ các quốc gia khác. Trước hết, có thể dễ dàng đoán trước sự chỉ trích từ các nước “đối đầu” với Mỹ như Nga và CHDCND Triều Tiên. Cả hai quốc gia này đều nhắm tới hai chữ “nhân quyền” mà Tổng thống Obama luôn khẳng định mạnh mẽ trước thế giới và sử dụng để gây sức ép tới các quốc gia khác. Tiếp theo đó là sự lên tiếng của Liên hợp quốc về sự lạm quyền, sử dụng vũ khí bừa bãi và sự tàn bạo của lực lượng cảnh sát Mỹ thời gian qua. Mỹ đứng trước nguy cơ uy tín quốc tế xuống dốc nghiêm trọng. Để trấn an dư luận trong và ngoài nước, Tổng thống Obama đã đưa ra các biện pháp như cải thiện việc đào tạo cảnh sát, cho camera gắn vào người các nhân viên thực thi pháp luật... nhằm khôi phục lòng tin của người dân vào lực lượng cảnh sát nhưng dường như đây chỉ là những hành động ứng phó trước mắt. Sự bất mãn chỉ có thể được giải quyết khi những người da màu thấy được những lợi ích cụ thể như khả năng tìm được việc làm, đời sống được bảo đảm và họ được đối xử ngang hàng tại các dịch vụ công cộng...
Chưa bao giờ nước Mỹ lại nằm ở thế khó như hiện nay, thế giới đang có quá nhiều việc cần đến bàn tay của Mỹ trong khi làn sóng chống Mỹ từ trong tới ngoài không những chưa hề nguôi ngoai mà ngày càng dữ dội hơn thách thức an ninh nước Mỹ. “Trong có ấm thì ngoài mới êm”, có lẽ vị tổng thống da màu đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ cần phải ưu tiên chú trọng và có những bước đi rõ ràng hơn để có được uy tín với người dân Mỹ và đảm bảo an ninh quốc gia từ bên trong.
Vân Vi