📞

Bạo lực học đường: Không thể để nhà trường 'đơn độc'

PGS. TS. Trần Thành Nam* 15:49 | 21/04/2023
Phải có quy trình từ khi tiếp nhận thông tin phản ánh khiếu nại về bạo lực học đường, đến biện pháp xử lý thế nào. Xử lý ở đây không phải chỉ theo cách kỷ luật kẻ bắt nạt, quan trọng là cần giáo dục cho học sinh về sự thấu cảm...
Đề cập thực bạo lực học đường, PGS. TS. Trần Thành Nam cho rằng, cần giáo dục cho học sinh về sự thấu cảm. (Ảnh: NVCC)

Sau thời gian dài bị gián đoạn bởi dịch Covid-19, tất cả nguồn lực hoặc dịch vụ cho công tác phòng ngừa bạo lực học đường trong nhà trường có thể chưa được tái kích hoạt một cách đầy đủ.

Tỷ lệ học sinh gặp những vấn đề tổn thương sức khỏe tinh thần như căng thẳng, stress, lo âu, trầm cảm… khi quay lại trường học lại cao hơn. Bản thân các gia đình cũng gặp những vấn đề về tài chính, trong khi khoảng cách giữa cha mẹ và con cái ngày càng rộng hơn, thậm chí bị “đứt gãy” kết nối.

Thời gian học online dài cũng khiến các em đang có thói quen gắn kết quá mức với không gian mạng xã hội với nhiều cạm bẫy và các chủ đề liên quan bạo lực.

Như vậy, đây là giai đoạn rất nhạy cảm với các vấn đề về bạo lực học đường. Tổ chức Y tế Thế giới cũng đã khẳng định, sau khủng hoảng dịch bệnh Covid-19 sẽ đến khủng hoảng về sức khỏe tâm thần, dẫn đến một số vấn đề về hành vi trong xã hội.

Có thể nói, bắt nạt học đường không tự nhiên sinh ra, mà được tập nhiễm theo cơ chế học tập xã hội. Rất nhiều thủ phạm bắt nạt trước đây cũng là nạn nhân, tức là người bị bắt nạt.

Các nghiên cứu chỉ ra rằng, nhóm này đầu tiên có thể bị bắt nạt trong chính gia đình, tức bố mẹ cũng dùng những hành xử, trừng phạt rất khắc nghiệt với các em; hay chịu sự bắt nạt từ những người xung quanh. Do đó, các em bắt đầu tập nhiễm dần thói quen ứng xử thiếu thân thiện với người khác.

Bên cạnh đó, thông thường, những thủ phạm của bắt nạt cũng bị tập nhiễm quá nhiều chất liệu bạo lực trong cuộc sống, ngoài trực tiếp từ người khác còn từ môi trường mạng. Người ta đã có những nghiên cứu cho thấy, với một đứa trẻ 6 tuổi, những lời nói, hình ảnh tiêu cực mang tính chất bạo lực có thể được các em tiếp cận nhiều hơn khoảng 14 lần so với những lời nói, sự kiện tích cực. Ở giai đoạn dậy thì (khoảng 12 tuổi), tỷ lệ thông tin tiêu cực các em tiếp nhận thậm chí gấp 30 lần so với thông tin tích cực.

Những nội dung trên mạng xã hội mà các em tiếp xúc hằng ngày nếu không được kiểm soát, thanh lọc, là nội dung mang tính chất không phù hợp hoặc bạo lực sẽ ngày càng ảnh hưởng đến thế giới quan, nhận thức của giới trẻ về thế giới xung quanh. Từ đó, các em có thể vì mục tiêu, điều mình mong muốn mà sử dụng những cách hành xử không thân thiện, bạo lực để đạt được quyền lợi.

Nhiều người băn khoăn, là làm thế nào để phòng ngừa bạo lực học đường, bảo vệ con em mình? Không còn cách nào khác, theo tôi cần phải có sự phối hợp giữa cả gia đình, nhà trường và các tổ chức xã hội để ngăn chặn vấn nạn bạo lực học đường.

Nhà trường cần lập một hệ thống sàng lọc định kỳ để xác định được học sinh nào đang có những vấn đề tổn thương sức khỏe tinh thần, có nguy cơ về các vấn đề tâm lý, hay vấn đề hành vi có thể dẫn đến bạo lực.

Chúng ta phải có một quy trình, trong đó có phương thức thuận lợi để mọi người khiếu nại về các hành vi thiếu thân thiện hoặc bạo lực trong nhà trường. Sau đó, phải có quy trình từ khi tiếp nhận thông tin phản ánh khiếu nại về bạo lực, đến biện pháp xử lý thế nào. Xử lý ở đây không phải chỉ theo cách kỷ luật kẻ bắt nạt. Quan trọng là cần giáo dục cho học sinh về sự thấu cảm, chia sẻ.

Đồng thời, cũng nên có những chương trình giáo dục cho giáo viên về cách thức quản lý lớp tích cực, giáo dục cho cha mẹ cách ứng xử với con theo kỷ luật tích cực để không làm hình mẫu xấu, hình mẫu bạo lực cho con cái. Bên cạnh đó, phải đưa ra những nguyên tắc ứng xử cho học sinh. Những giá trị yêu thương, an toàn, tôn trọng cần được cụ thể hóa trong các hành vi ở lớp học, ngoài lớp học.

Nếu trong trường có những góc khuất là nơi kẻ bắt nạt thường xuyên kéo bạn học vào đó để tiến hành hành vi bạo lực, nhà trường nên bố trí camera và phải có những biện pháp để quản lý mọi lúc, mọi nơi.

Trong công cuộc phòng chống bạo lực học đường, không thể để nhà trường đơn độc trong hành trình này. (Nguồn: TT)

Đặc biệt, không chỉ từ phía nhà trường, gia đình, chúng ta cũng cần các tổ chức địa phương tham gia vào quy trình này. Bởi bạo lực học đường không chỉ diễn ra trên trường, mà có thể diễn ra trên đường các em về nhà, từ nhà đến trường, rồi có thể diễn ra trên mạng xã hội. Tất cả mọi người cùng chung tay mới có thể giúp cho môi trường học đường trở nên an toàn hơn.

Tôi nhấn mạnh lại, cần có sự nhất quán trong chương trình từ phòng ngừa đến can thiệp, giáo dục, thuyết phục và những chương trình đánh giá hiệu quả các hoạt động phòng chống bạo lực học đường. Chúng ta nên có sự tiếp thu những mô hình đã được quốc tế và những nghiên cứu trong nước chứng minh để áp dụng vào trong các nhà trường.

Không chỉ vậy, việc trả lại vai trò, vị trí của nhà tham vấn trong trường học cũng như vai trò của phòng tâm lý tư vấn học đường là giải pháp rất cần thiết. Nhà tham vấn phải trở thành “kiến trúc sư” của ngôi trường hạnh phúc, là người thiết lập ra các quy trình phòng ngừa can thiệp ban đầu, can thiệp chuyên sâu, kết nối các nguồn lực, làm việc với giáo viên và cha mẹ để điều hòa tất cả mối quan hệ.

Từ đó, giúp cho học sinh có kỹ năng giải quyết vấn đề và kiểm soát cảm xúc; điều hòa tất cả mâu thuẫn, xích mích nhỏ không trở thành những vụ việc nghiêm trọng. Và trong công cuộc phòng chống bạo lực học đường, chúng ta cần sự tham gia, sự cam kết của cả phụ huynh và các cơ quan, cộng đồng xã hội. Không thể để nhà trường “đơn độc” trong hành trình này.

*Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục, Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội)