Bức tranh khổng lồ dài 123 mét tại Bảo tàng Toàn cảnh Angkor khắc họa một số khung cảnh của đế chế Angkor cổ đại |
Khi các du khách đến tham quan Bảo tàng Toàn cảnh Angkor, họ sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng một bức tranh cỡ lớn khắc họa hình ảnh Đức Phật đang mỉm cười – một bản sao cùng kích thước với một trong những tượng đá tại ngôi đền Bayon, tọa lạc kế bên khu đền Angkor Wat nổi tiếng thế giới của Campuchia.
Tuy nhiên, bức tranh Đức Phật cao 11 mét này vẫn còn khá khiêm tốn so với tâm điểm của bảo tàng - một bức tranh toàn cảnh khổng lồ dài tới 123 mét, giới thiệu với du khách sự huy hoàng của đế chế Angkor vào thế kỷ XII. Tại một góc của bức tranh này là hình ảnh của những người thợ và nông dân đang kéo từng tảng đá khổng lồ để xây dựng nên ngôi đền Bayon. Ở một góc khác của bức tranh, một trận chiến đẫm máu được tái hiện một cách sống động qua bàn tay tài hoa của các họa sĩ. Với kích thước khổng lồ như vậy, bức tranh đã khắc họa nên chân dung của 45.000 nhân vật khác nhau dưới thời của đế chế Angkor huy hoàng.
Giám đốc Viện Bảo tàng, ông Yit Chandaroat nói, “Đứng ở đây, bạn có cảm giác như đang đứng trên một ngọn núi”. Trong khi nói chuyện, ông vẫn nhìn xa xăm về phía “chân trời” màu xanh, nơi 5 ngọn tháp Angkor (trong bức tranh) đứng sừng sững trên một vùng đất bằng phẳng rộng lớn.
Chandaroat cho biết, 63 họa sĩ đã ngày đêm vất vả trong hơn một năm để hoàn thành nên bức tranh khổ lớn này và nó được xem là bức tranh lớn nhất tại khu vực Đông Á. Những người Triều Tiên đã đến đây đầu tư, thiết kế và xây dựng bảo tàng này với số vốn lên đến 24 triệu USD.
Nhà thầu từ Bình Nhưỡng
Bắt đầu mở cửa cho du khách vào tháng 12 vừa qua, Bảo tàng Toàn cảnh Angkor là dự án quốc tế gần đây nhất của Xưởng nghệ thuật Mansudae, một trong những trung tâm sản xuất nghệ thuật lớn nhất thế giới. Được thành lập vào năm 1959, tại Thủ đô Bình Nhưỡng của Triều Tiên, Xưởng Mansudae chủ yếu thực hiện việc xây dựng tượng đài của các nguyên thủ quốc gia, trong đó có tượng đài của nhà lãnh đạo Kim Jong-un.
Trong những năm gần đây, Mansudae đã bắt đầu thực hiện các dự án xây dựng tượng đài tại các nước khác. Cơ quan Phụ trách các Dự án Nước ngoài của Mansudae đã hoàn thành hàng chục dự án nước ngoài, bao gồm tượng đài của nhà độc tài Zimbabwean Robert Mugabe, bảo tàng chứng tích chiến tranh tại Namibia và dự án nổi tiếng nhất của họ, tượng đài Phục hưng châu Phi tại Senegal – một cấu trúc bằng đồng cao hơn cả tượng nữ thần Tự do của Mỹ.
Pier Luigi Cecioni, đại diện của Xưởng nghệ thuật Mansudae tại châu Âu và Hoa Kỳ cho biết, hiện Xưởng đang có khoảng 4.000 nhân viên, trong đó có 900 họa sĩ làm việc ngay tại trụ sở chính tại Bình Nhưỡng - một khuôn viên rộng lớn gồm nhiều xưởng vẽ, xưởng điêu khắc lớn nhỏ khác nhau. “Họ là những người giỏi nhất nước. Thật sự là một vinh dự lớn khi được làm việc tại Mansudae”, Cecioni nói.
Michael Madden, một nhà phân tích tại trang blog chuyên nghiên cứu về giới lãnh đạo Triều Tiên (North Korea Leadership Watch) đã mô tả những dự án nước ngoài của Mansudae là một trong số ít những lĩnh vực xuất khẩu của Triều Tiên và là một nguồn thu ngoại tệ lớn của quốc gia này. “Họ là những người duy nhất đang thực hiện những công việc như thế này. Có thể nói, họ là những nhà độc quyền trong lĩnh vực này”, ông nói.
Đại dự án ở Angkor
Tọa lạc tại một con đường bụi bặm, cách khu đền Angkor vài kilômét, Bảo tàng Toàn cảnh Angkor là một trường hợp đặc biệt so với những dự án khác của Mansudae. Thông thường, những nhân viên của Mansudae sẽ về nước sau khi hoàn thành dự án, nhưng lần này, một số nhân viên được giữ lại đây để tiến hành duy tu bảo dưỡng những bức tranh khổ lớn.
Theo ông Chandaroat, Bảo tàng đang được quản lý bởi cả Xưởng Mansudae và Apsara - cơ quan quản lý di tích Angkor. Trong 10 năm đầu hoạt động, lợi nhuận thuộc về Triều Tiên. Trong 10 năm tiếp theo, lợi nhuận sẽ được chia đều giữa Mansudae và cơ quan Apsara trước khi được quốc hữu hóa.
Không chỉ có những bức tranh toàn cảnh khổng lồ, bảo tàng còn có một rạp chiếu phim trên 200 chỗ, một phòng tiếp khách hạng sang, một mô hình mô phỏng khu đền tháp Angkor cổ kính và một quán trà Insam của Triều Tiên.
Chandaroat khẳng định, dự án này không liên quan gì đến vấn đề chính trị mà chỉ phục vụ mục đích bảo tồn văn hóa. Dự án hợp tác này thể hiện mối quan hệ lịch sử khăng khít giữa Campuchia và Triều Tiên nhờ tình bạn thân thiết giữa cố Chủ tịch Triều Tiên Kim Il-sung (Kim Nhật Thành) và Hoàng tử Campuchia Norodom Sihanouk sau khi họ gặp mặt tại một hội nghị quốc tế vào năm 1965.
Do mối quan hệ đặc biệt giữa hai nước, việc Triều Tiên chọn Campuchia làm thí điểm cho mô hình hợp tác kinh doanh mới không phải là điều đáng ngạc nhiên. Tính chất khác biệt của dự án này còn cho thấy nó đã nhận được sự ủng hộ đặc biệt của Bình Nhưỡng.