Tại Hội nghị, Ban tổ chức đã công bố, bàn giao và triển khai thực hiện Nghị quyết số 1264/NQ-UBTVQH14 ngày 27/4 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc điều chỉnh địa giới các đơn vị hành chính cấp huyện và sắp xếp, thành lập các phường thuộc thành phố Huế.
Các đại biểu tham dự buổi lễ. (Ảnh: Nguyễn Phong, Bảo Minh) |
Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ cho biết, việc điều chỉnh địa giới hành chính để mở rộng thành phố Huế là một bước quan trọng trong tiến trình cụ thể hóa nhiệm vụ xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên-Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị.
Sau khi điều chỉnh địa giới hành chính và sắp xếp, thành lập các phường, thành phố Huế có 265,99 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 652.572 người; có 36 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 29 phường và 7 xã. Thành phố Huế giáp huyện Phú Vang, huyện Quảng Điền, thị xã Hương Thủy, thị xã Hương Trà và Biển Đông.
Kể từ ngày Nghị quyết này có hiệu lực thi hành, tỉnh Thừa Thiên Huế có 9 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 6 huyện, 2 thị xã và 1 thành phố; 141 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 95 xã, 39 phường và 7 thị trấn.
Theo Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế, TS. Phan Thanh Hải, Huế là một đô thị di sản, là cố đô cuối cùng của chế độ quân chủ Việt Nam, cũng là nơi duy nhất còn bảo lưu gần như hoàn hảo cả một hệ thống di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đồ sộ, đặc biệt là di sản văn hóa cung đình.
Bên cạnh đó, Huế cũng nổi tiếng với đô thị phong thủy, đô thị hài hòa tuyệt vời với cảnh quan thiên nhiên của vùng đất sông Hương, núi Ngự.
Toàn cảnh thành phố Huế. |
Trong suốt thời kỳ Pháp thuộc (1885-1945) và cả 2 cuộc kháng chiến sau đó (1945-1975), sự xuất hiện của khu phố Tây bên bờ nam sông Hương, rồi sự hình thành các khu phố mới với kiến trúc hiện đại tiếp sau đó về cơ bản vẫn chưa làm phá vỡ cảnh quan kiến trúc của đô thị Huế.
Đặc biệt, khu phố Cũ (phố Tây) đã tạo nên một sắc thái mới cho đô thị Huế, khiến cố đô có sự chuyển tiếp hài hòa sang kiến trúc hiện đại. Sự phát triển này không gây nên ảnh hưởng đáng kể đối với các di sản phong phú của Huế, ngoại trừ những sự tàn khá khốc liệt của chiến tranh.
Tuy nhiên, từ sau khi Đổi mới, sự phát triển nhanh tại Huế đã làm ảnh hưởng rất lớn đến các di sản văn hóa. Nhìn một cách tổng thể, thực trạng phát triển đô thị Huế hiện nay là rất đáng lo ngại.
Việc chậm triển khai quy hoạch chi tiết tổng thể Thành phố và các khu vực liên quan; Sự phát triển nhanh và tập trung đông dân cư trong khu vực đô thị khá nhỏ hẹp (TP. Huế chỉ có diện tích 70km2 nhưng dân số đến 36 vạn, mật độ dân số là 15.400người/km2, trong khi đó diện tích toàn tỉnh TTH là 5.023km2 nhưng dân số chưa đến 1,2 triệu người, mật độ dân số chung là 218 người/km2) chính là 2 vấn đề nổi.
Sự yếu kém trong quản lý đô thị còn thể hiện cụ thể qua sự tập trung quá lớn các công trình cao tầng (chủ yếu phục vụ du lịch, dịch vụ) vào vùng lõi đô thị Huế và sự phát triển cơ sở hạ tầng ồ ạt trong các khu vực cận kề các khu di sản... Điều đó khiến không gian bảo vệ của các di sản bị thu hẹp, bị ô nhiễm về nhiều mặt; các yếu tố thiên nhiên vốn là điều kiện cần làm nên vẻ đẹp của kiến trúc Huế.
Tại Hội nghị, UBND thành phố Huế đã thông báo về địa điểm, trụ sở làm việc của Đảng ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ Quốc tỉnh, các tổ chức hội đoàn thể và Công an của các phường mới sau sáp nhập; Công bố Quyết định chỉ định triệu tập viên để triệu tập kỳ họp đầu tiên của HĐND khóa mới.
Các địa phương cũng đã thực hiện ký bàn giao theo nội dung Nghị quyết số 1264/NQ-UBTVQH14 ngày 27/4/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.